Đặc biệt, qua hội nghị lần này cho thấy, Ninh Bình quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nóng" sang "xanh" để từng bước hội nhập quốc tế sâu hơn trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới trong hiện tại và tương lai.
Trong những năm gần đây, đặc biệt là sau 20 năm đổi mới, Ninh Bình là một tỉnh có tốc độ phát triển khá nhanh trong khu vực đồng bằng sông Hồng. Với những lợi thế về điều kiện tự nhiên, Ninh Bình thu hút nhiều dự án sản xuất vật liệu xây dựng, dịch vụ, thương mại, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Sự phát triển đã mang lại cho Ninh Bình một diện mạo khang trang hơn, song về mặt nào đó Ninh Bình đang phải đối mặt với những hệ quả của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đó là ô nhiễm môi trường, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên...
Giải quyết vấn đề này tại Hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức vừa qua, đồng chí Bùi Văn Nam, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định: Để tiếp tục phát huy tối đa những lợi thế vốn có về tự nhiên, về con người, Ninh Bình đã và đang định vị tầm nhìn mới, tư duy chiến lược mới, quy hoạch phát triển mới, khí thế mới vì một tương lai mới. Ninh Bình quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ "nóng" sang "xanh", từ thiếu vững chắc sang phát triển bền vững, gắn với tái cơ cấu kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng cải thiện toàn diện môi trường đầu tư từ tư duy, cách tiếp cận đến chính sách thu hút, góp phần thúc đẩy dòng vốn đầu tư FDI, ODA, vốn từ khu vực tư nhân một cách tích cực, hài hòa, hợp lý và hiệu quả.
Thực tế thời gian qua, tỉnh Ninh Bình ưu tiên hai mũi nhọn trong phát triển kinh tế là sản xuất vật liệu xây dựng và du lịch, do đó không thể tránh khỏi những yếu tố dẫn đến mâu thuẫn trong quá trình đầu tư, phát triển của hai lĩnh vực này. Vì vậy, đối với các dự án kêu gọi đầu tư năm 2012 và những năm tiếp theo, tỉnh đã cân nhắc khá kỹ. Cụ thể, tỉnh đã quy hoạch xử lý lại môi trường cảnh quan... một số vùng nhằm tránh tạo ra xung đột, tạo sự rõ ràng, minh bạch trong chính sách thu hút đầu tư của tỉnh như các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp là KCN Phúc Sơn và Tam Điệp mở rộng.
Quyết tâm này đã được Ninh Bình thể hiện qua các dự án thu hút đầu tư và các chính sách thu hút. Trong 20 dự án được giới thiệu kêu gọi đầu tư, có 3 dự án trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, 9 dự án trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, 4 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp và 4 dự án trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật và đô thị.
Những dự án sản xuất vật liệu xây dựng đều là những dự án công nghệ cao, đảm bảo vấn đề môi trường, giải quyết được mâu thuẫn giữa công nghiệp và môi trường, du lịch.
Để thực hiện được mục tiêu chuyển từ phát triển "nóng" sang "xanh" một cách bền vững, nhiều nhà đầu tư cho rằng Ninh Bình nên quan tâm hơn đến việc tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Ông Phạm Văn Công, Phó Tổng lãnh sự, Tham tán thương mại Việt Nam tại Hồng Kông và Ma Cao nói: Tôi thấy Ninh Bình có rất nhiều ưu đãi đối với các nhà đầu tư như ưu đãi về đất đai, vốn, thủ tục hành chính… Song thiếu chiến lược lâu dài về đào tạo nguồn nhân lực. Chúng ta không thể hấp thụ những dự án công nghệ cao, những khu du lịch tầm cỡ quốc tế trong khi nguồn nhân công của chúng ta chỉ đáp ứng được ở cấp thấp. Chất lượng nguồn lao động không chỉ là rào cản đối với các nhà đầu tư mà còn là thất thoát về kinh tế đối với địa phương.
Một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của các doanh nghiệp khi dự định đầu tư là tìm hiểu kỹ càng những chính sách về đất đai, môi trường đầu tư... của các tỉnh, thành phố. Và họ lựa chọn những tỉnh, thành có những cơ chế ưu đãi tốt cộng với sự ổn định lâu dài. Đối với Ninh Bình, theo đồng chí Đinh Quốc Trị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính theo mô hình một cửa liên thông, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh gọn... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức các cuộc gặp mặt, tiếp xúc các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vốn và vướng mắc về cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đầu tư tại KCN Phúc Sơn và Tam Điệp, đặc biệt là KCN Tam Điệp mở rộng, có lợi thế là không nằm trong vùng đất lúa nên thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng. Còn Dự án KCN Phúc Sơn có diện tích 145 ha, nằm ngay tại thành phố Ninh Bình, tỉnh sẽ ưu tiên dành diện tích cho dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch tiên tiến...
Ngoài ra, Ninh Bình là vùng đất có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đặc sắc, là một trong ba trung tâm du lịch của cả nước, có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, thiên nhiên, tâm linh... Vì vậy, tỉnh cũng đã xây dựng quy hoạch xong một số khu du lịch trọng điểm là: Tràng An, Tam Cốc - Bích Động; Cố đô Hoa Lư, Địch Lộng - Vân Long - Kênh Gà... để thu hút các nhà đầu tư.
Bảo Yến