6 tháng đầu năm 2008, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 15,749 triệu USD, đạt 45% kế hoạch năm, tăng 24,4%. Trong 4 nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu của tỉnh thì có 3 nhóm kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm 2007 là: Nông sản, rau quả tăng gần 3 lần; thực phẩm chế biến tăng 18,1% và dệt may tăng 19%. Riêng nhóm hàng thủ công mỹ nghệ giảm 17,3% so với cùng kỳ. Nhóm hàng nông sản, rau quả có mức tăng cao nhất là do Công ty cổ phần Đầu tư xuất, nhập khẩu Ninh Bình đã tích cực tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu hạt điều sang Campuchia với tổng kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm ước đạt 3,013 triệu USD.
Các mặt hàng có số lượng tăng khá là: Hàng may mặc đạt 1.033 nghìn sản phẩm, tăng hơn 6 lần; hàng thêu đạt 281,6 nghìn sản phẩm, tăng hơn 2 lần; sản phẩm dứa, vải, ngô ngọt ước đạt 2.533 tấn, tăng 24,4%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng lượng xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước như: Thịt lợn đạt 257,8 tấn, giảm 57,8% . Sản phẩm cói giảm là do tình hình kinh tế thế giới biến động, thị trường truyền thống tiêu thụ hàng cói bị giảm sút, giá cả vật tư hàng hóa trong nước tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và hoạt động xuất khẩu của ngành cói. Thị trường xuất khẩu truyền thống ở khu vực châu Âu và châu á tiếp tục giữ vững được nhịp độ tăng trưởng.
Đến nay, hàng hóa của tỉnh Ninh Bình đã xuất khẩu sang 22 nước trên thế giới như: Mỹ, Đức, ý, Nhật, Tây Ban Nha… Thị trường có kim ngạch xuất khẩu cao nhất là châu Âu chiếm 54,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường châu á chiếm 38,5%, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp tham gia xuất khẩu trực tiếp ngày càng tăng cả về số lượng và kimngạch xuất khẩu như: Công ty cổ phần Đầu tư xuất, nhập khẩu, Công ty cổ phần may Ninh Bình, Công ty cổ phần TPXK Đồng Giao, Công ty TNHH xuất nhập khẩu TCMN Đông Thành, Công ty TNHH An Lộc... đã tạo ra động lực quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu của tỉnh.
Làm hàng thêu ren xuất khẩu tại xã Gia Tân (Gia Viễn). Ảnh: Đức Lam
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu 6 tháng tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng chỉ đạt 45% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu tăng chủ yếu do đóng góp của hàng gia công như hàng may mặc; nguồn nguyên liệu, phụ liệu phụ thuộc lớn vào đơn đặt hàng của nước ngoài, do đó chịu sự biến động của giá cả thị trường thế giới hay sự xuất hiện của các rào cản kỹ thuật thương mại của nước ngoài.
Để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu phát triển với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trong thời gian tới các cấp, các ngành và doanh nghiệp cần triển khai xây dựng một số chương trình, dự án như: Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020; kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2008 - 2010 và Dự án một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện chiến lược phát triển xuất nhập khẩu của tỉnh; trong đó tập trung vào nhóm hàng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như hàng cói, thêu ren, đá mỹ nghệ; nhóm hàng nông sản, thực phẩm như thịt lợn, dứa, nấm rơm, rau quả, nhất là sản phẩm vụ đông như: Ngô ngọt, dưa bao tử, nấm rơm, ớt xanh, đậu… nhằm tăng quy mô và giá trị xuất khẩu.
Tham mưu cho UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng cói và các doanh nghiệp chế biến cói Kim Sơn để duy trì và phát triển nghề truyền thống. Đẩy mạnh công tác thông tin xúc tiến thương mại; tổ chức nghiên cứu, khảo sát, thu thập, dự báo thông tin về thị trường như: Chính sách xuất, nhập khẩu, thủ tục hải quan, biểu thuế cơ bản, điều kiện, tập quán thương mại quốc tế, quan niệm văn hóa, mặt hàng và giá cả hàng hóa xuất khẩu… của từng nước nhằm giúp doanh nghiệp có quyết định đúng về đầu tư và xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, EU, ASEAN.
Mở các lớp bồi dưỡng kiến thức kinh doanh xuất, nhập khẩu cho cán bộ quản lý các doanh nghiệp. Chú trọng việc liên kết giữa các Hiệp hội ngành nghề, nhà sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu với người cung cấp nguyên liệu nhằm tạo ra sự chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu. Thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu với các làng nghề truyền thống trong mối tương quan với sự phát triển du lịch Ninh Bình nhằm thu hút, khai thác kim ngạch xuất khẩu tại chỗ…, phấn đấu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu 35 triệu USD năm 2008.
Thanh Chiên