Nắm bắt được nhu cầu đó, người nông dân đã năng động đưa nhiều giống lúa chất lượng cao vào sản xuất để tăng giá trị trên 1 ha canh tác.Tuy nhiên, để đảm bảo được hai mục tiêu chính là đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra thu nhập cao, người nông dân đang đi theo hướng phát triển lúa cao sản cùng với sản xuất lúa hàng hóa (lúa chất lượng cao).
Để đạt mục tiêu đến năm 2010 đạt 50 vạn tấn lương thực, UBND tỉnh đã phê duyệt "Đề án hỗ trợ phát triển diện tích lúa cao sản đến hết vụ đông xuân 2010-2011", khuyến khích nông dân sản xuất các giống lúa cho năng suất cao và có khả năng kháng sâu bệnh. Kế hoạch thực hiện trong năm 2009 của tỉnh là hỗ trợ cho nông dân tiền giống lúa để thực hiện chương trình xây dựng 20.000 ha lúa cao sản. Diện tích hỗ trợ được phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố tùy vào điều kiện đồng đất, khí hậu, diện tích.
Trên cơ sở quy mô diện tích hàng năm đã được tỉnh phân bổ, các huyện, thành phố, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất và hướng dẫn chỉ đạo các xã, phường, thị trấn bố trí vùng sản xuất phù hợp, đảm bảo gọn vùng và có hệ thống tưới tiêu thuận lợi theo đúng chỉ đạo của tỉnh, mỗi vùng chỉ sử dụng 1-2 giống lúa để gieo cấy tập trung tạo điều kiện thuận lợi để chỉ đạo, theo dõi, chăm sóc, bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh.
Ở vụ đông xuân năm 2008 - 2009, toàn tỉnh đã gieo cấy 13.876,1 ha lúa cao sản, đạt 69,4% diện tích được phê duyệt trong năm 2009. Trong đó có hai địa phương là huyện Gia Viễn và thị xã Tam điệp thực hiện vượt mức diện tích được UBND tỉnh phân bổ (Gia Viễn vượt 116,24 ha; thị xã Tam Điệp vượt 81,65 ha).
Các giống lúa lai được sử dụng đều là những giống lúa được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận và UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo chất lượng, sinh trưởng, phát triển tốt, đồng đều, khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết không thuận và chống chịu với sâu bệnh tốt hơn so với các giống khác, gồm các giống Phú ưu 1, Phú ưu 978, Thục hưng 6, CNR 5104, My son 4.
Do điều kiện thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên năng suất lúa cao sản bình quân đạt 70,31 tạ/ha, trong đó thành phố Ninh Bình, huyện Yên Khánh, Nho Quan, Kim Sơn năng suất đạt trên 70 tạ/ha, các huyện còn lại năng suất lúa cao sản đạt từ 62,53 - 69,8 tạ/ha. Đến nay, tỉnh đã tạm ứng phân bổ nguồn vốn hỗ trợ về các huyện, thị xã theo đề án và các đơn vị đang triển khai hỗ trợ cho nhân dân.
Yên Khánh là một trong những huyện cấy nhiều diện tích lúa cao sản.
Qua vụ đầu tiên thực hiện đề án phát triển lúa cao sản đã có kết quả tốt, năng suất cao, các giống lúa đã phát huy được nhiều ưu điểm như khả năng kháng sâu bệnh, chống chịu với thời tiết, nhưng chất lượng gạo một số giống như My son 4 chỉ ở mức trung bình. So với các giống chất lượng cao như LT2, Bắc thơm số 7 giá bán không cao, tiêu thụ trên thị trường còn hạn chế.
Thực tế cho thấy, diện tích cấy lúa chất lượng cao (LT2, Bắc thơm số 7) cho năng suất thấp hơn và dễ bị nhiễm bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá, chi phí về thuốc bảo vệ thực vật và công lao động sẽ tăng, nhưng giá trị kinh tế mang lại cho người nông dân lại cao hơn cấy các giống lúa cao sản. Sơ bộ tính toán cho thấy, 1 ha lúa chất lượng cao cho năng suất trung bình 58 tạ/ha và với giá bán hiện nay từ 5.000 - 5.500 đồng/kg thì nông dân có thu nhập từ 29 - 31,9 triệu đồng, nhưng với lúa cao sản có năng suất 70,31 tạ/ha, giá bán từ 3.500 - 3.800 đồng/kg thì thu nhập đạt từ 24,6 - 26,7 triệu đồng. Như vậy, xét về mặt hiệu quả kinh tế thì lúa chất lượng cao cho thu nhập cao hơn lúa cao sản.
Ngay từ những năm 2000, người nông dân đã đưa những bộ giống lúa chất lượng cao (VĐ10, VĐ 20, P4, P6, ST3) vào sản xuất, ở thời điểm đó chỉ với vài trăm ha. Dần dần diện tích lúa chất lượng cao cũng được tăng lên từng năm và tiến bộ khoa học đã đưa những giống lúa mới có nhiều ưu điểm, năng suất cao vào thay thế. Đến trước vụ mùa năm 2009, mặc dù chưa có chính sách nào hỗ trợ của tỉnh, nhưng nông dân vẫn duy trì đều đặn mỗi vụ từ 3.000 - 4.000 ha lúa chất lượng cao. Các giống lúa chất lượng cao đã qua khảo nghiệm, nhân rộng và sử dụng nhiều nhất vẫn là Bắc thơm số 7, LT2, HT1, Tẻ thơm.
Ở vụ đông xuân năm 2009, toàn tỉnh gieo cấy trên 41.000 ha, trong đó 3.896 ha lúa chất lượng cao, năng suất ước đạt 58 tạ/ha. Hầu hết các huyện trọng điểm lúa (Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn) có điều kiện thuận lợi để sản xuất lúa chất lượng cao, có khả năng đầu tư thâm canh, áp dụng kỹ thuật mới và được nhiều người dân tiếp thu và đưa vào sản xuất. Một số HTX đã mạnh dạn đi theo hướng phát triển lúa chất lượng cao, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao chiếm trên 80% diện tích gieo cấy như HTX Hợp Tiến (Khánh Nhạc, Yên Khánh); HTX Vĩnh Yên (Yên Nhân, Yên Mô).
Ông Hoàng Văn Định, Phó Chủ nhiệm HTX Tân Thành (huyện Kim Sơn) cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, HTX luôn chú trọng đến công tác chuyển đổi cơ cấu giống lúa, đưa các giống lúa cao sản và lúa chất lượng cao vào sản xuất để nâng cao thu nhập cho người nông dân. Qua nhiều năm sản xuất cho thấy năng suất lúa chất lượng cao đạt khá, từ 2 - 2,5 tạ/sào, chi phí phân bón ít hơn các giống lúa lai và dễ tiêu thụ. ở vụ đông xuân 2008, do ảnh hưởng của rét đậm, rét hại nên mạ bị chết nhiều, HTX đã vận động bà con lấy giống Bắc thơm số 7 ở vụ trước đem ra sản xuất. Năm đó, lúa tốt và tiêu thụ rất nhanh giá bán lúa tươi cho Công ty giống cây trồng Trung ương lên đến 7.300đồng/kg.
Qua kiểm tra, đánh giá tình hình sản xuất và ý kiến của nhân dân trong vụ đông xuân vừa qua, UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung hai giống lúa chất lượng cao: LT2 và Bắc Thơm số 7 vào đề án hỗ trợ giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt. Tuy nhiên diện tích được tỉnh hỗ trợ giống vẫn không đổi, do đó diện tích hỗ trợ trong vụ mùa chỉ còn hơn 6.000 ha. Nếu địa phương nào sử dụng giống lúa chất lượng cao trong đề án bổ sung để gieo cấy theo chương trình hỗ trợ giống thì sẽ giảm diện tích sử dụng các lúa cao sản.
Đồng chí Lã Quốc Tuấn, Phó trưởng phòng trồng trọt - Sở Nông nghiệp & PTNT cho biết: Khi có chính sách hỗ trợ sản xuất lúa chất lượng cao của tỉnh thì các giống lúa này sẽ được đưa vào sản xuất nhiều hơn và các huyện phía Nam của tỉnh vẫn là những huyện sản xuất nhiều nhất vì người dân đã có kinh nghiệm trong sản xuất lúa chất lượng cao. Trong những vụ sản xuất tới, Sở Nông nghiệp & PTNT sẽ tham mưu cho các huyện, thị xã bố trí cơ cấu sản xuất lúa cao sản và chất lượng cao theo mùa vụ hợp lý. Ở vụ đông xuân nên tập trung phát triển lúa cao sản kết hợp với lúa chất lượng cao và ở vụ mùa nên tập trung phát triển lúa chất lượng cao...
Về lâu dài, khi tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển hơn nữa, có những giống lúa lai phát huy được những ưu điểm của lúa chất lượng cao và lúa cao sản (cho năng suất cao và chất lượng gạo tốt) sẽ được đưa vào sản xuất, thay thế những giống cũ. Khi đó sản xuất nông nghiệp đồng thời đạt được hai mục tiêu chính là đảm bảo an ninh lương thực và thu nhập cao cho người nông dân.
Hương Giang