Xung quanh câu chuyện về đào tạo vận động viên quần vợt thành tích cao tại Ninh Bình đã có câu chuyện về việc Ninh Bình từng đã tự đào tạo một lớp vận động viên trẻ cách đây vài năm. Thành tích cao nhất mà các tay vợt trẻ Ninh Bình giành được là tấm huy chương đồng của giải toàn quốc. Một thành tích không hề nhỏ bởi sự cạnh tranh khốc liệt của môn thể thao này và mức độ phổ biến sâu rộng của nó trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên đó là tất cả những gì mà các tay vợt trẻ Ninh Bình có thể làm được, bởi khi phát triển lên đến lứa tuổi cao hơn, các tay vợt trẻ tỏ ra hụt hơi. Lý do có nhiều, song chung quy có thể nhận ra ở một vài điểm: Năng lực đào tạo của đội ngũ huấn luyện viên của Ninh Bình có hạn, vấn đề nhân tố tuyển chọn đầu vào hạn chế, các tay vợt tập luyện thiếu đối trọng giỏi để cọ xát, nguồn lực đầu tư cũng ở mức vừa phải nên không thể đưa vận động viên ra nước ngoài tập huấn và thi đấu thường xuyên...Với chỉ chừng ấy yếu tố thì khó cho ra lò một lứa vận động viên có đẳng cấp cao được. Cũng chính vì lý do đó mà suốt một thời gian dài, các nhà quản lý thể thao Ninh Bình trăn trở tìm hướng đi cho quần vợt Ninh Bình. Việc ký kết hợp tác đào tạo quần vợt giữa Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh Ninh Bình và Trung tâm đào tạo quần vợt thành phố Đà Nẵng không nằm ngoài mục tiêu trên.
Được biết, Trung tâm Đào tạo quần vợt Đà Nẵng (Danang Training Tennis Center - DTTC) dù chỉ mới bước vào hoạt động 1 năm nhưng đã khẳng định được vị thế của mình với thành tích 3 huy chương vàng, 5 huy chương bạc, 8 huy chương đồng tại các giải Trẻ toàn quốc; 4 huy chương vàng, 3 huy chương bạc, 3 huy chương đồng tại giải Vô địch toàn quốc; 6 huy chương vàng, 4 huy chương bạc, 1 huy chương đồng tại các giải Quốc tế... đã khẳng định một phần thành quả của DTTC trong 1 năm qua. Thêm nữa Trung tâm được sự hợp tác làm việc của ông Dmitri Penchev- một chuyên gia lão luyện, hiện là Giám đốc Kỹ thuật. Ông này là huấn luyện viên cấp 3 quốc gia Canada, 15 năm làm Giám đốc các học viện đào tạo trẻ People Court Tennis Academy, Global Tennis Academy, Global 150 Tennis Academy. Vị Giám đốc Kỹ thuật gốc Hungary này là một chuyên gia giỏi, nhập quốc tịch Canada, từng có thời gian dài làm cố vấn kỹ thuật cho Ban Tổ chức Thế vận hội Olimpic Athenar (Hi Lạp). Trong sự nghiệp làm huấn luyện của mình ông từng đào tạo nhiều tay vợt giỏi. Ông Dmitri Penchev đến Đà Nẵng với tham vọng biến nơi đây thành trung tâm đào tạo quần vợt nổi tiếng của cả nước, hiện thực hóa giấc mơ Đề án "Ươm mầm tài năng hướng đến Grand Slam 7 năm", khởi đầu của giấc mơ này là chương trình "Quần vợt không biên giới" của Trung tâm bắt đầu tiếp nhận đào tạo cho vận động viên của các tỉnh Sơn La, Ninh Bình, Đắc Lắc. Các tay vợt nhí được tuyển chọn từ các tỉnh ngay từ đầu sẽ được tiếp nhận một giáo án đào tạo chuyên nghiệp, môi trường tập luyện cực kỳ hiện đại tại cung thể thao Tiên Sơn và quan trọng hơn nữa là hàng ngày các tay vợt sẽ được cọ xát với nhiều đối trọng giỏi, có cơ hội được thi đấu giải tại nước ngoài...Những yếu tố đó kỳ vọng sẽ giúp cho ra lò một lứa tuyển thủ chuyên nghiệp, có đẳng cấp cao, đủ sức chinh chiến tại các giải đấu quốc tế có mức độ cạnh tranh khắc nghiệt.
Còn một điều cũng rất nên làm đó là tuy phía Ninh Bình gửi các tay vợt đi đào tạo song phía Trung tâm Đào tạo quần vợt thành phố Đà Nẵng chịu trách nhiệm về mặt huấn luyện viên, trang thiết bị tập luyện, chương trình đào tạo, nơi ở cho vận động viên, còn phía Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Ninh Bình chịu trách nhiệm chi trả tiền ăn, tiền công theo quy định hiện hành và kinh phí thi đấu tại 4 giải trẻ cho vận động viên mà Ninh Bình gửi đào tạo tại Đà Nẵng. Mặt khác trong quá trình đào tạo, nếu vận động viên Ninh Bình đáp ứng được yêu cầu phù hợp với Đề án "ươm mầm tài năng hướng đến Grand Slam" thì phía Đà Nẵng sẽ ký hợp đồng và hỗ trợ toàn bộ kinh phí, chương trình đào tạo, tập luyện để vận động viên phát triển theo hướng chuyên nghiệp. Như vậy về thực chất tuy gửi các tay vợt đi đào tạo nhưng phía đơn vị chủ quản cũng chỉ tốn khoản kinh phí không nhiều hơn việc đào tạo vận động viên tại chỗ. Với một đề án ký kết đào tạo mở ra nhiều cơ hội như vậy song lại ít tốn kém về kinh phí, thiết nghĩ đây là một việc rất nên khuyến khích. Với môn quần vợt và thực tế việc đào tạo tại Ninh Bình, việc thực hiện ký kết hợp tác đào tạo là cần thiết và hứa hẹn mang lại kết quả tốt đẹp trong tương lai.
Mai Phương