Theo Cục Thú y Trung ương, đầu năm 2014 dịch cúm gia cầm H5N1 đã bùng phát mạnh trên địa bàn các tỉnh phía Nam như: Tiền Giang, Bạc Liêu, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Long An. Tại phía Bắc, dịch cúm gia cầm cũng xuất hiện trên đàn vịt có quy mô lớn từ vài trăm đến vài nghìn con của các hộ chăn nuôi trên địa bàn 4 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh Bắc Ninh và mới đây nhất ngày 7-2 dịch cúm gia cầm cũng đã xảy ra ở xã Giao Hà, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định làm 510 con gia cầm mắc bệnh. Còn theo Bộ Y tế thì trong tháng 1-2014 đã ghi nhận 2 người tử vong do nhiễm vi rút cúm A/H5N1 ở tỉnh Bình Phước và Đồng Tháp. Đặc biệt từ đầu năm 2013 đến nay, dịch cúm A/H7N9 trên người đã xảy ra tại 12 tỉnh của Trung Quốc làm 140 người mắc bệnh và gây tử vong cho 47 người, đặc khu hành chính Hồng Kông có 2 người mắc bệnh và Đài Loan có 1 người mắc bệnh. Theo thông tin từ phía Trung Quốc, tại tỉnh Giang Tây có 1 trường hơp mắc cúm A/H10N8 đã tử vong ngày 6-12-2013, loại vi rút này đã tìm thấy trên các loại chim hoang dã, đã biến đổi và lây sang người. Các chuyên gia nhận định nguy cơ các chủng vi rút mới này xâm nhiễm vào Việt Nam trong thời gian tới là rất cao.
Mặc dù hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tương đối ổn định nhưng theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh tình trạng kinh doanh, vận chuyển, buôn bán gia cầm sống có chiều hướng gia tăng trong thời điểm Tết nguyên đán và dịp lễ hội đầu năm. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thường xuyên kiểm tra, kiên quyết xử lý triệt để; một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, không cảnh giác trước thông tin dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ bùng phát và gây tử vong cho người. Kết hợp với điều kiện thời tiết rét đậm, rét hại và độ ẩm cao đang là những điều kiện thuận lợi cho việc phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm.
Trước tình hình trên, Ninh Bình đang chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó chú trọng việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm và khả năng lây lan trên người nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; vận động nhân dân không sử dụng các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc; không tiếp tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn sinh học. Bên cạnh đó, Chi cục Thú y cũng đang áp dụng các biện pháp quyết liệt để phòng, chống dịch như: Thực hiện khử trùng tiêu độc ở các nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, đẩy mạnh việc tiêm phòng vắc xin, đồng thời tăng cường việc kiểm tra, xử lý các hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc. Ông Hà Quốc Thịnh, Chi cục phó Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Ngay từ thời điểm trước Tết Nguyên đán, Chi cục Thú y chỉ đạo các trạm thú y huyện, thành phố, thị xã yêu cầu phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, phường tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân về pháp lệnh thú y, đồng thời yêu cầu các hộ chăn nuôi khi nhập gia cầm về phải báo cáo với thú y xã để đăng ký và tiêm phòng đầy đủ.
Do vậy, chỉ tính riêng trong khoảng 1 tháng trước Tết đã có 300.000 nghìn liều vắc xin H5N1 được tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm ở các địa phương. Bên cạnh đó, để kiểm soát tối đa các mầm mống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao đối với đàn gia cầm, thủy cầm trên địa bàn, Chi cục đã phát động Tháng khử trùng tiêu độc trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương chỉ đạo các cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi gia súc, gia cầm phát quang cây cỏ, quét dọn khu vực nuôi nhốt, khơi thông cống rãnh, đồng thời tiến hành cấp phát 4 tấn hóa chất từ nguồn kinh phí của tỉnh để tiến hành phun sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi, các chợ buôn bán gia súc, gia cầm sống, đặc biệt là những ổ dịch cũ. Đi đôi với công tác tiêm phòng và khử trùng tiêu độc, Chi cục cũng chỉ đạo các đội kiểm dịch cơ động tăng cường tần suất kiểm tra tại các chợ, các tụ điểm buôn bán gia cầm sống, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm không có giấy tờ, không qua kiểm dịch. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra các trang trại chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện vệ sinh thú y như không có tường rào ngăn cách khu vực chăn nuôi với bên ngoài; không có hố khử trùng tại cổng ra vào; xử lý chất thải, nước thải chăn nuôi không đảm bảo; nước uống dùng trong chăn nuôi không được kiểm tra định kỳ; ghi chép, truy xuất nguồn gốc gia cầm chưa thực hiện đầy đủ, không rõ ràng… Qua đó chủ động nắm chắc tình hình dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Tuy nhiên, hiện nay công tác phòng, chống dịch cũng đang gặp không ít khó khăn do hoạt động buôn bán, vận chuyển gia cầm của các đối tượng kinh doanh, nhập lậu hết sức tinh vi, thủ đoạn, cộng thêm thời tiết rét đậm, rét hại đang làm suy yếu sức đề kháng của đàn gia cầm. Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh ta đang tồn tại rất nhiều các ổ dịch cũ, chỉ chờ thời cơ để bùng phát. Do vậy, bảo vệ đàn gia cầm, tránh thiệt hại về kinh tế, đồng thời cũng góp phần bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và cộng đồng, các hộ chăn nuôi cần thực hiện tốt những khuyến cáo của ngành thú y như: Thực hiện tốt các biện pháp an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi như con giống, thức ăn chăn nuôi từ những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng; thường xuyên thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; hạn chế tiếp xúc những tác nhân bên ngoài có khả năng mang mầm bệnh vào khu vực chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ vắc xin cúm gia cầm. Do cúm gia cầm là bệnh do vi rút gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, do vậy khi nghi ngờ đàn gia cầm có biểu hiện mắc cúm, người chăn nuôi cần báo cho trưởng thôn, khu phố, chính quyền hoặc cơ quan thú y của địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời. Chủ nuôi gia cầm phải thực hiện "5 không": không nuôi thả rông gia cầm; không mua, bán gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia cầm bị bệnh; không giấu dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Được biết, hiện nay Chi cục Thú y cũng đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, vắc xin cũng như công tác tập huấn, thống kê số lượng đàn để triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc xin vụ xuân hè 2014, dự kiến bắt đầu vào khoảng cuối tháng 2-2014.
Nguyễn Lựu