Theo Bộ Y tế, trong tháng 8, cả nước ghi nhận trên 12 nghìn trường hợp mắc SXH, có 1 trường hợp tử vong tại Bình Định, giảm so với cùng kỳ năm 2017. Từ lũy tích đầu năm 2018 đến nay, cả nước ghi nhận trên 40 nghìn trường hợp mắc SXH, trong đó có trên 10 trường hợp tử vong. Đối với tỉnh Ninh Bình, từ đầu năm đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh ghi nhận 17 trường hợp mắc bệnh SXH; trong đó huyện Kim Sơn 6 trường hợp, huyện Nho Quan có 3 trường hợp, Hoa Lư 2 trường hợp, 2 ca mắc ở huyện Yên Khánh, còn tại các địa phương còn lại, mỗi nơi 1 trường hợp mắc bệnh. Hiện tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh đều đã xuất hiện các ca mắc SXH, trong đó có 1 trường hợp phát bệnh nội sinh tại xã Kim Chính, huyện Kim Sơn. Với ca bệnh nội sinh, được phát hiện mắc bệnh từ giữa tháng 9/2018, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Y tế Kim Sơn, Trạm y tế xã Kim Chính phun hóa chất diệt côn trùng tại nhà bệnh nhân và các hộ xung quanh, hiện bệnh nhân đã khỏi và ra viện. Các trường hợp mắc khác, bệnh nhân chủ yếu đi từ Hà Nội và các tỉnh phía Nam về.
Tại huyện Nho Quan, địa bàn thường xuyên xảy ra úng lụt, việc chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH được quan tâm thường xuyên. Theo đồng chí Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Nho Quan, để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa mưa bão nói chung, bệnh SXH nói riêng, Trung tâm đã chỉ đạo Trạm y tế các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh tới các tầng lớp nhân dân với mục tiêu nâng cao nhận thức cho người dân trong việc chủ động phòng chống các loại dịch bệnh; phát hiện sớm, khống chế và kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; giảm tỷ lệ mắc, tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất…
Hiện trên địa bàn huyện Nho Quan đã phát hiện 3 ca mắc SXH, nguyên nhân lây bệnh do ngoại lai, đi làm ăn, công tác ở nơi khác lây bệnh về, nhưng Trung tâm không chủ quan, lơ là, chỉ đạo các địa phương có các trường hợp mắc bệnh thực hiện theo dõi, giám sát, kiểm tra, khoanh vùng… nếu lây lan rộng có phương án xử lý, dập dịch. Đồng thời yêu cầu các địa phương chuẩn bị sẵn sàng về thuốc men, phương tiện, hóa chất khử trùng và các vật dụng để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh bùng phát theo phương châm: "Dự phòng toàn diện và có trọng điểm, ưu tiên phòng, chống các bệnh truyền nhiễm phát sinh theo mùa".
Bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Mặc dù trên địa bàn tỉnh số ca mắc SXH không nhiều, lại là những ca bệnh ngoại lai, nhưng ngành Y tế Ninh Bình không chủ quan. Đặc biệt trước tình hình mắc bệnh SXH Dengue đang có dấu hiệu ngày càng tăng tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước, nguy cơ có thể lây lan thành dịch, ngành Y tế tỉnh đã chỉ đạo các cán bộ, y bác sĩ làm công tác phòng chống dịch bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện, các trung tâm y tế huyện, thành phố… tích cực thông tin tuyên truyền, phòng chống dịch bệnh tại cộng đồng. Đồng thời, với những bệnh nhân đã mắc bệnh, ngành Y tế tổ chức điều tra đối tượng mắc bệnh, đối tượng tiếp xúc với người bệnh, khoanh vùng, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, chỉ đạo các đội phòng chống dịch phun thuốc tiêu độc, xử lý, kiểm soát chặt chẽ các ổ dịch cũ, nơi có nguy cơ cao, tránh xuất hiện các ca bệnh nội sinh, không để lây lan bệnh ra cộng đồng.
Cũng theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, virus gây bệnh SXH luôn tồn tại trong cộng đồng. Đây là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính, có sức lây lan mạnh. Bệnh do siêu vi trùng tên là Dengue gây ra. Bệnh lây do muỗi vằn hút máu truyền siêu vi trùng từ người bệnh sang người lành thông qua vật trung gian là muỗi vằn. Bệnh chưa có vắc xin phòng ngừa và chưa có thuốc điều trị. Bệnh rất dễ phát triển thành dịch, nhất là khi gặp điều kiện thuận lợi như vào mùa mưa, cống rãnh tù đọng nước, muỗi có điều kiện sinh trưởng thì dịch bệnh càng có cơ hội để bùng phát một cách nhanh chóng. Tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh, đặc biệt tập trung vào đối tượng chính là trẻ em do khả năng đề kháng của cơ thể còn yếu. Người nhiễm bệnh SXH thường có những biểu hiện như sốt cao đột ngột từ 2-7 ngày, xuất huyết dưới dạng chấm rải rác trên da hoặc bầm, chảy máu cam, nôn ra máu. Ngoài ra, người bệnh còn bị sốc với mạch nhanh, nhẹ, huyết áp giảm hoặc không đo được, chân tay lạnh, bứt rứt…, kèm theo một số triệu chứng không đặc trưng như: chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng. Bệnh SXH có khả năng dẫn đến trụy tim mạch, rất dễ gây ra tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Để chủ động phòng chống các loại dịch bệnh, trong đó có bệnh SXH, ngành Y tế Ninh Bình duy trì công tác giám sát dịch, chủ động phát hiện sớm ca bệnh, giám sát chặt chẽ tại các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế phường, xã, các trường mầm non và tại cộng đồng. Phân công cán bộ trực tiếp nhận thông tin và kiểm tra thông tin các ca bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện để triển khai các hoạt động điều tra, xử lý kịp thời. Đặc biệt chỉ đạo các cán bộ y tế xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức bằng việc vệ sinh phát quang bụi rậm, chủ động ngủ màn, phun hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước.
Cùng với đó, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong do bệnh truyền nhiễm SXH, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn mửa, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn… để sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Thêm vào đó, tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương giám sát, phát hiện, có các biện pháp dự phòng đối với bệnh SXH; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời nếu xuất hiện nhiều ca bệnh và lây lan thành dịch…
Mỹ Hạnh