Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm nay toàn tỉnh đạt gần 48.316 tỷ đồng, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước, vượt 3,1% kế hoạch năm. Các sản phẩm công nghiệp 11 tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ: xe ô tô lắp ráp đạt hơn 41,4 nghìn chiếc, gấp 2,3 lần; kính xây dựng đạt 247 nghìn tấn, gấp 3,2 lần; xi măng và clanhke đạt hơn 10,3 triệu tấn, tăng 5,5%; phân lân nung chảy đạt 166,1 nghìn tấn, tăng 26,6%; giày, dép vải đạt gần 18,8 triệu đôi, tăng 25,6%...
Giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình tăng cộng với các chính sách thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh những năm gần đây đã tạo nên "lực hút" đối với các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, đối với ngành CNHT cho ngành công nghiệp điện tử, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 6 doanh nghiệp đầu tư dự án và đi vào hoạt động đó là Công ty TNHH Mcnex Vina tại KCN Phúc Sơn với công suất từ 100-150 triệu sản phẩm camera modul và linh kiện điện tử khác/năm; Công ty TNHH Beauty Surplus Intl Việt Nam tại KCN Khánh Phú, sản xuất thiết bị quang học, công suất 7,2 triệu sản phẩm/năm; Công ty TNHH Electronics Việt Nam; Công ty TNHH YG Vina tại KCN Gián Khẩu sản xuất dây tai nghe điện thoại; Công ty TNHH Sanico Việt Nam sản xuất bản dẫn vi mạch; Công ty TNHH Goryo Việt Nam sản xuất núm tai nghe điện thoại tại CCN Gia Vân.
Đối với ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, đến nay tỉnh đã thu hút được 2 dự án sản xuất công nghiệp hỗ trợ: Dự án sản xuất, lắp ráp thiết bị ô tô của Công ty TNHH ADM 21 tại KCN Khánh Phú, Công ty cổ phần Sejung sản xuất ống xả, linh kiện ống xả, động cơ, khuôn mẫu phục vụ sản xuất ống xả, công suất 570.500 sản phẩm/năm tại CCN Cầu Yên.
Ngành công nghiệp hỗ trợ may mặc đã có một dự án nhà máy sợi của Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại Lam Giang tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình với sản phẩm sợi cọc, công suất 12.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 530 tỷ đồng. Nhà máy đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2017, dự kiến sản lượng đạt 5.500 tấn.
Ngoài các nhóm ngành CNHT chính, trên địa bàn tỉnh còn một số doanh nghiệp có hoạt động CNHT, sản xuất các vật tư, linh kiện, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho hoạt động sản xuất của một số ngành như: Công ty TNHH giày Athena Việt Nam sản xuất đế giày, mũ giày cung cấp cho một số doanh nghiệp trong nước; Công ty TNHH Đổi Mới, Quang Minh sản xuất khung sắt sơn tĩnh điện phục vụ hàng thủ công mỹ nghệ; Công ty TNHH MTV Cơ khí Đại Phú, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Thành Nam... sản xuất vật liệu xây dựng bi, con lăn, máy nghiền, băng tải phục vụ cho sản xuất xi măng...
Mặc dù đã có bước phát triển nhất định nhưng cơ bản ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh còn sơ khai. Số lượng doanh nghiệp vẫn còn ít, rải rác ở một số lĩnh vực, giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ, khả năng cạnh tranh kém. Bên cạnh đó, các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn nghèo nàn về chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu. Nuồn nhân lực phục vụ phát triển CNHT chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng.
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh, kể cả doanh nghiệp CNHT cũng sử dụng nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công sản phẩm, trong khi đó nguyên vật liệu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu
Các doanh nghiệp CNHT chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn đến tìm hiểu, thuê mặt bằng đầu tư xây dựng nhà xưởng, thuê lao động để gia công sản xuất sản phẩm. Các doanh nghiệp trong nước do hạn chế về nguồn vốn, năng lực nên chưa đủ điều kiện hoặc chưa đủ tự tin để đầu tư trong lĩnh vực CNHT.
Để hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển CNHT, tạo tiền đề và định hướng cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh, qua đó thu hút được các doanh nghiệp quan tâm, đầu tư tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đồng thời giúp giảm giá thành một số sản phẩm hàng công nghiệp tiêu dùng như ô tô, may mặc, giày da, điện tử...
Bên cạnh các chính sách của bộ, ngành Trung ương, tỉnh Ninh Bình đã ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút đầu tư như: Quyết định 35/2014/QĐ-UBND về Quy định chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển CNHT đối với ngành sản xuất lắp ráp ô tô trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Quyết định 1751/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình phát triển CNHT của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025; Quyết định số 20/2018/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình phát triển CNHT trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...
Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động trong việc phân tích xu hướng và nắm bắt cơ hội kịp thời để định hướng đầu tư hợp lý. Thường xuyên đầu tư, nâng cấp công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất. Quan trọng nhất, doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ phải thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với nhà sản xuất chính mới có thể tham gia lâu dài vào chuỗi cung ứng.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm