Từ đầu năm đến ngày 7/8, toàn tỉnh có 92 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. Riêng trong tháng 7/2017, có 52 trường hợp và từ đầu tháng 8 đến nay đã có 27 trường hợp mắc bệnh phải điều trị tại các cơ sở y tế.
Trong tổng số bệnh nhân sốt xuất huyết vào điều trị tại các cơ sở y tế, thì chủ yếu là các bệnh nhân vãng lai từ một số địa phương lân cận chuyển về với 87 trường hợp, trong đó chủ yếu là thành phố Hà Nội, chỉ có 5 bệnh nhân phát hiện sốt xuất huyết nội tỉnh. Tất cả các bệnh nhân khi phát hiện bệnh đều được nắm tình hình sức khỏe, theo dõi nguồn lây để có phác đồ điều trị. Hiện toàn tỉnh chưa có bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết.
Xã Gia Trung (Gia Viễn) là một trong 2 địa phương trong tỉnh vừa xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết mới với 2 bệnh nhân (trước đó xuất hiện một ổ dịch tại xã Như Hòa (Kim Sơn)), ngành Y tế đã tích cực triển khai công tác phòng chống dịch bệnh nhằm tránh lây lan sang các địa phương khác.
Theo đó, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh đã nhanh chóng cử cán bộ phối hợp với trung tâm y tế huyện và trạm y tế xã, tiến hành ngay việc phun thuốc phòng dịch sốt xuất huyết tại các hộ dân và môi trường sống xung quanh. Công tác giám sát quy trình xử lý ổ dịch và triển khai những biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cũng đã được tăng cường.
Đồng thời huy động người dân làm vệ sinh các lu, vại chứa nước tại gia đình, phun xịt hóa chất diệt muỗi, diệt loăng quăng trên diện rộng; khuyến cáo người dân khi phát hiện mắc các triệu chứng bệnh sốt xuất huyết phải nhanh chóng đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất tình trạng lây lan và tử vong do bệnh sốt xuất huyết.
Toàn tỉnh có 6 ổ dịch, trong đó có 4 ổ dịch cũ tại các xã Văn Phú (Nho Quan), xã Ninh Hải (Hoa Lư), phường Trung Sơn (thành phố Tam Điệp), thị trấn Ninh (Yên Khánh) và 2 ổ dịch mới là xã Như Hòa (Kim Sơn) và xã Gia Trung (Gia Viễn). Tất cả các ổ dịch cũ và mới đều đã được xử lý theo quy trình phòng chống dịch bệnh.
Theo bác sỹ Lê Chính Chuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trước tình trạng lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng cao, để tích cực, chủ động và nâng cao chất lượng công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã bố trí tăng thêm phòng bệnh, giường bệnh; đồng thời tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế tại các khoa, phòng, nhất là khoa nhiễm khuẩn về nội dung chuẩn đoán, điều trị bệnh.
Hiện nay Bệnh viện đang điều trị cho 22 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, các bệnh nhân đều được theo dõi, chăm sóc theo đúng quy trình, quy định. Trước đó đã có hàng chục lượt bệnh nhân được điều trị bệnh sốt xuất huyết ổn định và xuất viện.
Bệnh viện cũng đã chuẩn bị đầy đủ các điểu kiện về nhân lực, trang thiết bị, thuốc, dịch truyền, máu và các chế phẩm của máu, các phác đồ xử trí để cấp cứu người bệnh, sẵn sàng thu dung, điều trị người bệnh khi có dịch xảy ra và hỗ trợ các cơ sở y tế tuyến dưới khi có yêu cầu.
Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh trên cả nước, để chủ động phòng, chống dịch bệnh, UBND tỉnh cũng đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các vùng trọng điểm, vùng có nguy cơ cao mà dịch có khả năng bùng phát như: các công trường đang xây dựng, khu vực tập trung dân cư, thiếu nước sạch, điều kiện vệ sinh kém… và có biện pháp xử lý triệt để khi phát hiện các ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.
Triển khai khẩn trương, quyết liệt các hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy duy trì hàng tuần, hàng tháng tùy theo mức độ ở các khu vực có chỉ số muỗi cao hay thấp và chủ động trong công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại địa phương.
Đặc biệt chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt chú ý các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị và mạng lưới cộng tác viên về nội dung hướng dẫn giám sát, phòng, chống dịch, chuẩn đoán điều trị, quản lý mô hình cộng tác viên, quản lý chương trình phòng, chống sốt xuất huyết.
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, tập trung kiểm tra các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ các địa phương khắc phục các tồn tại, giải quyết khó khăn, vướng mắc để có biện pháp chỉ đạo kịp thời và phù hợp. Yêu cầu người dân khi có dấu hiệu sốt của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời, không tự ý điều trị tại nhà…
Theo bác sĩ Lê Hoàng Nam, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, bệnh sốt xuất huyết Dengue là một bệnh truyền nhiễm gây dịch do một loại vi-rút thuộc họ Flaviviridae gây nên. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng số mắc nhiều nhất vẫn tập trung vào thời điểm nắng nóng, mưa nhiều - là điều kiện lý tưởng cho muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Hiện dịch bệnh đang có chiều hướng phức tạp, với trách nhiệm của mình, ngành Y tế tiếp tục chủ động các điều kiện để kiểm soát dịch bệnh. Trong đó phân công cán bộ trực tiếp nhận thông tin và kiểm tra thông tin các ca bệnh truyền nhiễm mới xuất để triển khai các hoạt động điều tra, xử lý kịp thời.
Tăng cường công tác lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm để chẩn đoán xác định ca bệnh. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của bệnh bằng việc chủ động ngủ màn, diệt muỗi, lăng quăng, làm sạch các vật dụng chứa nước.
Đồng thời, để hạn chế số ca bệnh diễn biến phức tạp và tử vong do bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt liên tiếp, nôn mửa, đi ngoài nhiều, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn… và sớm đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị kịp thời.
Cùng với đó, ngành Y tế cũng tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương giám sát, phát hiện, xử lý ổ dịch, có các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị bệnh sốt xuất huyết; bảo đảm đủ phương tiện, vật tư, trang thiết bị, sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời khi dịch lây lan ra diện rộng…
Dịch sốt xuất huyết hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị. Do đó, giải pháp hiệu quả nhất để đối phó với dịch bệnh là cần nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, nhất là tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao.
Cùng với sự chủ động, trách nhiệm của ngành y tế, mỗi người dân cũng cần nêu cao ý thức, dọn dẹp vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy trong gia đình và ngoài môi trường sống, nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hạnh Chi