► Tại Kim Sơn: Ngày 11/9, Ban chỉ huy PCLB & TKCN huyện Kim Sơn đã họp triển khai các biện pháp đối phó với bão số 7 và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên xuống địa bàn được phân công để kiểm tra, nắm tình hình và chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư phục vụ phòng chống bão. Huyện đã phối hợp với Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Ninh Bình đã triển khai tuần tra, kiểm soát chặt chẽ ngăn không cho tầu thuyền ra khơi và thông báo cho các phương tiện tầu thuyền đang hoạt động ngoài khơi vào khu vực tránh bão. Đến 16h ngày 11/9, đã kêu goi 74 tầu thuyền vào bờ tránh bão và tiến hành di chuyển gần 2.000 lao động đang nuôi trồng thuỷ sản ngoài đê Bình Minh 2 và Bình Minh 3 vào nơi trú ẩn an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ. Huyện cùng chỉ đạo các ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, trang thiết vị và cơ số thuốc đáp ứng yêu cầu cứu, khám, chữa bệnh cho nhân dân khi có bão lũ lụt xảy ra. Triển khai chằng chồng nhà cửa đảm bảo an toàn trường lớp cho giáo viên và học sinh. Tiến hành tiêu kiệt nước đệm trong hệ thống và chuẩn bị sẵn sàng phương án chống úng cho lúa và vùng nuôi trồng thuỷ sản. Tổ chức trực ban 24/24h. Tăng cường lực lượng kiểm tra đê kè cống, đặc biệt là những công trình phòng chống lụt bão đang thi công.
► Tại Nho Quan:
Để chủ động phòng, chống lụt bão, hạn chế thiệt hại do cơn bão số 7 có thể gây ra huyện Nho Quan đang gấp rút chuẩn bị tốt các điều kiện về nhân lực, vật lực sẵn sàng phòng chống mưa lũ. Từ sáng 11/9 Ban chỉ huy PCLB-TKCN huyện đã ra công điện khẩn số 08-CĐ/PCLB để chỉ đạo các cấp các ngành trong huyện sẵn sàng đối phó.
Nông dân Nho Quan thu hoạch nhanh lúa tránh bão số 7. Ảnh: Minh Tâm
Theo đó, UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 7 nhằm chủ động đối phó với những tình huống xấu có thể xảy ra. Nho Quan đã phân công các thành viên trong ban PCLB tăng cường triển khai kiểm tra các công trình thuỷ lợi, các công trình phòng, chống lụt bão trên địa bàn nhất là những vị trí xung yếu tại các tuyến đê Đức Long-Gia Tường, Năm Căn.... Đội KTCCTTL sử dụng tối đa hệ thống máy bơm trên địa bàn tích cực bơm tiêu kiệt nước trên đồng, phối hợp với các xã, HTX tiến hành khơi thông dòng chảy đảm bảo an toàn cho các hồ chứa nước, diện tích lúa, vùng nuôi thủy sản khi có mưa lớn. Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB-TKCN, diện tích lúa đã chín của Nho Quan ước khoảng 1.400 ha, hiện huyện đang tích cực chỉ đạo bà con nông dân khẩn trương thu hoạch theo phương châm xanh nhà hơn già đồng. Bên cạnh việc chủ động phòng chống úng lụt, huyện cũng đang tích cực chỉ đạo các xã vùng cao như Kỳ Phú, Cúc Phương, Thạch Bình ... chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó trong trường hợp sảy ra sạt lở đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản của nhân dân.
► Tại Gia viễn:
Để chủ động phòng chống lụt bão, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hạo do mưa bão gây ra, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Gia Viễn đã tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống mưa bão trên địa bàn. Ban chỉ huy PCLB và TKCN huyện đã có công điện yêu cầu thành viên Ban Chỉ huy PCLB và TKCN huyện, các xã, thị trấn, các đơn vị chuẩn bị đầy đủ các điều kiện chống bão đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhà nước, nhân dân, nhất là các công trình phòng chống lụt bão đang còn dở dang. Tập trung tổ chức hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn trên các bến đò và kiểm tra các phương án phòng chống lụt bão ở những khu vực có nguy cơ bị sạt lở do mưa lớn. Đối với các tuyến đê điều, âu, kè, cống, Ban Chỉ huy yêu cầu các lực lượng phải thường xuyên tuần tra, canh gác và xử lý ngay các sự cố, đặc biệt là các điểm xung yếu như cống Gia Tiến, cống Cầu Thần, cống Đồng Chưa. UBND các xã, thị trấn tổ chức phát quang cây xanh làm ảnh hưởng đến an toàn hệ thống điện, hệ thống đường giao thông khi có bão. Đội khai thác công trình thuỷ lợi phối hợp với UBND các xã, thị trấn chủ động triển khai khơi thông dòng chảy, huy động hệ thống máy bơm với 120 máy của 19 trạm bơm và 40 máy bơm của các HTX sẵn sàng bơm tiêu kiệt nước và chống úng, bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, tài sản của nhân dân. Đối với những diện tích lúa chín, các đơn vị đã khẩn trương huy động lực lượng thu hoạch với phương châm "xanh nhà hơn già đồng".
► Tại Hoa Lư:
Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Hoa Lư đã khẩn trương đi kiểm tra các vị trí, trọng điểm xung yếu trên địa bàn và công tác chuẩn bị ứng phó của các địa phương. Qua kiểm tra cho thấy: đoạn đê hữu sông Vạc thuộc địa phận xã Ninh An dài 3.330m do đang trong quá trình thi công nâng cấp, hiện có khoảng 50 m bị sụt lở, nên không đảm bảo an toàn chống lũ. Ngoài ra còn một số công trình khác như: cống Chi Phong, cống Cam Giá cũng đang có hiện tượng sụt lún… Để khắc phục huyện đã yêu cầu địa phương và đơn vị thi công huy động máy móc, phương tiện nhanh chóng nâng cấp, gia cố đoạn bị sạt trượt, sụt lún; chuẩn bị sẵn sàng đất đá, bao tải, cọc tre dự phòng và có phương án phối hợp với lực lượng xung kích, bộ đội để kịp thời đối phó khi có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chỉ đạo Đội KTCTTL nhanh chóng triển khai các biện pháp chống úng, vận hành tất cả các trạm bơm tiêu kiệt nước đệm trong đồng. Ở những khu vực xã công trình đầu mối thì huy động máy bơm dầu, bơm điện để bơm tát kịp thời. Một số địa phương còn để hiện tượng đăng, đó, vó, bèo lấn chiếm, làm cản trở dòng chảy phải nhanh chóng giải tỏa đảm bảo cho việc tiêu thoát nước. Huyện lưu ý các xã cần rà soát, xem xét lại các đối tượng chính sách, các hộ neo đơn, các gia đình khó khăn có nhà cửa sập xệ để giúp đỡ họ chằng chống nhà cửa; nếu cần thiết thì di chuyển đến nơi an toàn, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người.
Hiện nay một phần diện tích lúa mùa thuộc các xã: Ninh Thắng, Ninh An… đã chín được 80-90% nhưng do ngay từ chiều 11/9 trời đã đổ mưa nên tiến độ thu hoạch còn chậm.
Nhóm PV Kinh tế