Theo báo cáo của Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh, để chủ động PCLB năm 2014 nói chung và bão số 2 nói riêng, tỉnh ta đã xây dựng, triển khai các phương án PCLB & TKCN đảm bảo chi tiết, cụ thể, hợp lý, khoa học, phù hợp cho từng vùng, đối phó với bão (theo các cấp độ); phòng chống lũ sông Hoàng Long; phòng chống úng, lụt; phương án cứu trợ, khắc phục hậu quả, bão lũ, khôi phục sản xuất; các phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu đê sông, đê biển; phương án vận hành tràn Lạc Khoái; phương án xả lũ tại tràn Đức Long - Gia Tường; phòng, chống úng; hợp đồng lực lượng.
Các huyện, thị xã, thành phố đã tiến hành tập huấn kỹ thuật hộ đê phòng chống lụt bão cho cán bộ cơ sở, cán bộ kỹ thuật, lực lượng quản lý đê... Tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương chuẩn bị đủ vật tư dự phòng, hệ thống phương tiện, trang thiết bị và lực lượng PCLB của tỉnh. Ngoài lực lượng xung kích, thường trực PCLB của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố, các xã, còn huy động thêm lực lượng cơ động của quân đội để tăng cường cho các địa phương thường trực, bảo vệ các trọng điểm PCLB trên địa bàn toàn tỉnh.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2. Đến 13h ngày 18/7, đã kêu gọi 109 tàu thuyền với 253 ngư dân vào nơi tránh bão an toàn. Còn lại 20 tàu thuyền với 43 ngư dân đang hoạt động khu vực ven biển từ Nam Định đến Thanh Hóa đang tiếp tục kêu gọi vào nơi tránh trú bão.
Các trạm kiểm soát đã ngăn chặn không cho 23 tàu, thuyền với 45 ngư dân của Thanh Hóa ra khơi; đã thông tin kêu gọi được 13 phương tiện với 27 ngư dân của tỉnh Nam Định và Thanh Hóa vào nơi trú bão an toàn. Đến chiều ngày 18/7, huyện Kim Sơn đã phối hợp với các ngành tổ chức phương án di dời toàn bộ số lao động nuôi trồng thủy sản gồm: 392 lao động khu vực Cồn Nổi, ngoài đê Bình Minh III và 894 lao động từ khu vực từ ngoài đê BM2 đến đê BM3 vào nơi trú bão an toàn.
Các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền về diễn biến của bão, mưa lũ và các chỉ đạo của cơ quan chức năng để các địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Sở Nông nghiệp và PTNT, các địa phương và Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã đã chủ động triển khai ngay biện pháp chống úng; tổ chức vận hành 21 trạm bơm máy với 41 máy bơm tiêu các loại, mở 18 cống dưới đê để tiêu nước đệm trong hệ thống; tiến hành rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ chứa trong đó đặc biệt là hồ Yên Quang, hồ Yên Đồng, hồ Thường Xung. Công ty Điện lực Ninh Bình đã chủ động triển khai biện pháp chống úng, đảm bảo cung cấp điện phục vụ PCLB.
Các ngành: Giao thông Vận tải, Công an, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, thành phố Ninh Bình, thị xã Tam Điệp… chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Các huyện, thị xã, thành phố đã tập trung chỉ đạo tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện …để đảm bảo an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân. Các chủ đầu tư tạm ngừng các công trình đang thi công dở dang và triển khai các biện pháp phòng chống lụt bão và bảo vệ công trình đang thi công.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa, lũ; chủ động tiêu thoát nước tại các đô thị và khu dân cư; chủ động tiêu úng ở các vùng trũng thấp và có biện pháp chống ngập để bảo đảm cho lúa mùa mới gieo cấy, diện tích nuôi trồng thủy sản.
Khẩn trương hoàn thành phương án di dân; đồng thời tập trung ổn định, đảm bảo an toàn cho nhân dân tại nơi tránh trú bão; tiếp tục rà soát, đảm bảo không còn người tại khu vực nguy hiểm. Tăng cường kiểm tra và triển khai ngay các biện pháp bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập, các trọng điểm xung yếu theo phương án đã được phê duyệt. Chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án đảm bảo an toàn cho các công trình đang thi công. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu. Khẩn trương tổ chức chằng chống nhà cửa, công trình, kho tàng, trường học, bệnh viện… để đảm bảo an toàn tài sản của nhà nước và nhân dân.
Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ cứu nạn để kịp thời ứng cứu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường bị ngập sâu, khu vực ngầm tràn qua sông, suối, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Đồng thời thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau bão. Bố trí trực ban 24/24h, thường xuyên theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của cơn bão số 2 để có biện pháp đối phó và xử lý kịp thời các tình huống.
Thanh Chiên