Theo Hiệp định Geneve, sông Bến Hải, vĩ tuyến 17 chỉ là giới tuyến quân sự tạm thời giữa 2 vùng tập kết quân sự, đến tháng 7-1956 sẽ tiến hành Tổng tuyển cử thống nhất nước nhà! Nhưng ngay sau khi Hiệp định được ký kết, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã ra sức phá hoại Hiệp định, hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng lập ra chính quyền Ngô Đình Diệm, đàn áp đẫm máu nhân dân ta để "tố cộng, diệt cộng". Cùng với nhân dân cả nước, nhân dân tỉnh nhà sục sôi căm thù Mỹ- Diệm, kiên quyết đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương, miền Nam tiến hành đồng khởi. Miền Bắc vừa bắt tay xây dựng CNXH, vừa hướng về miền Nam thân yêu. Theo chủ trương của Trung ương, ngày 23-1-1960 Tỉnh ủy, UBHC, Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức trọng thể lễ kết nghĩa Ninh Bình- Bạc Liêu tại trụ sở Tỉnh ủy do bác Phan Điền, Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, cùng với đại diện tỉnh Bạc Liêu gồm bác Trần Văn Sớm, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Trần Văn Đại, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, Ngô Thị Huệ, đại biểu Quốc hội khóa I, nguyên Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Bạc Liêu, Lê Khắc Xương, nguyên Phó ty Thương binh-Cựu binh, Trưởng Ban tập kết tỉnh Bạc Liêu, tập kết ra miền Bắc, công tác ở các cơ quan trung ương về dự trong tình cảm đầm ấm, thân thương.
Do điều kiện lịch sử lúc bấy giờ rất thiếu thông tin nên thực ra cán bộ, nhân dân trong tỉnh hiểu biết rất ít về Bạc Liêu (bao gồm cả tỉnh Cà Mâu hiện nay), chỉ biết đó là tỉnh ở tận cùng Tổ quốc, trên vùng bán đảo đất mũi Cà Mau, có truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất từ trước Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đang đấu tranh quyết liệt với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Song với tinh thần kết nghĩa, ngay từ đầu mọi người đều cảm thấy Ninh Bình, Bạc liêu rất gần gũi, thân thương, ruột thịt, kết nghĩa keo sơn, gắn bó nghĩa tình thể hiện qua câu ca truyền miệng:
" Bạc Liêu kết nghĩa Ninh Bình,
Keo sơn gắn bó nghĩa tình Bắc Nam!"
Trong điều kiện khi ấy, hai tỉnh không thể liên lạc, thông tin trực tiếp với nhau, chủ yếu theo dõi qua đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam và báo chí. Các bác Hai Sớm, Tám Đại, Bẩy Huệ, Mười Sương cùng các cán bộ, học sinh, sinh viên Bạc Liêu tập kết đang ở miền Bắc hoặc từ Bạc Liêu ra thường xuyên về thăm Ninh Bình kết nghĩa với tình cảm thân thương, gần gũi, chia ngọt, sẻ bùi, đồng cam cộng khổ, cùng chung vui trước những chiến thắng oanh liệt trên chiến trường Bạc Liêu thân yêu, trên tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng và trong xây dựng, bảo vệ hậu phương lớn ở Ninh Bình, ở miền Bắc.
Tình cảm kết nghĩa ruột thịt, keo sơn ấy đã biến thành những hành động thiết thực, những việc làm, những kết quả cụ thể, từ đó cho đến ngày Bạc Liêu, miền Nam hoàn toàn giải phóng và những năm sau đó.
Mở đầu bằng đẩy mạnh sản xuất đông- xuân 1960 mang tên "Chiến dịch Hòn Khoai- Quang Trung" (ghi nhớ 2 chiến thắng ở Bạc Liêu và Ninh Bình chống thực dân Pháp trước đây) được cán bộ, nhân dân trong tỉnh nhiệt liệt hưởng ứng, tạo khí thế mạnh mẽ và tình cảm sâu đậm bằng những kết quả, dấu ấn cụ thể trong lao động, sản xuất ở khắp nơi trong tỉnh.
Nhiều công trình giao thông, thủy lợi, văn hóa được xây dựng mang địa danh của Bạc Liêu ở khắp nơi trong tỉnh vẫn còn đến bây giờ như: trạm bơm Vĩnh Lợi, cống Biện Nhị, cầu Chà Là, kênh Trần Văn Thời, kênh Giá Rai, đường và kênh Cà Mau, khu đồng Năm Căn, Cánh đồng Long Điền, trường cấp II Ninh Bình- Bạc Liêu, rạp hát Kim Mau...
Khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhân dân Kim Sơn đã dùng bổi cói xếp cao trên cống Biện Nhị quyết không để máy bay Mỹ phá hoại công trình biểu tượng của tình cảm kết nghĩa Ninh Bình- Bạc Liêu!
Với tinh thần "Tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Bạc Liêu kết nghĩa, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược" cùng với ra sức đẩy mạnh sản xuất, góp phần xây dựng CNXH và bảo vệ miền Bắc, cán bộ, nhân dân Ninh Bính quyết tâm thực hiện " Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người" để chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam, cho Bạc Liêu kết nghĩa.
Tất cả các đợt thực hiện nghĩa vụ lương thực và tuyển quân hàng năm đều vượt chỉ tiêu. Lớp lớp thanh niên tình nguyện nhập ngũ ra chiến trường, vào miền Nam, vào Bạc Liêu đánh Mỹ.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, hai đồng chí Cương, Huệ, cán bộ Ty Văn hóa- Thông tin đã tình nguyện nhận nhiệm vụ "vác" máy chiếu phim vượt chặng đường trên 2000 cây số trực tiếp vào phục vụ quân dân Bạc Liêu ruột thịt.
Cán bộ nhân dân trong tỉnh luôn sục sôi căm thù mỗi khi nghe tin đồng bào Bạc Liêu, đồng bào miền Nam bị kẻ thù tàn sát, khủng bố và hết sức phấn khởi trước những chiến thắng vang dội của quân, dân Bạc Liêu, của tiền tuyến lớn miền Nam anh hùng.
Các tin tức về Bạc Liêu, về các hoạt động kết nghĩa đều được đăng kịp thời, trân trọng trên Báo Ninh Bình. Trong chiến tranh phá hoại, mỗi khi có chiếc cầu hay đoạn đường bị giặc Mỹ ném bom phá hoại, quân dân trong tỉnh lại tập trung, khẩn trương sửa chữa với tinh thần "Địch đánh ta sửa ta đi", " Địch đánh ta cứ đi"; " Xe chưa qua nhà không tiếc" bất chấp bom đạn, hy sinh, đảm bảo chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn, cho Bạc Liêu kết nghĩa.
Thi đua và phối hợp với chiến trường Bạc Liêu, với miền Nam, quân dân Ninh Bình đã bắn rơi 90 máy bay của giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nghệ sỹ Phạm Hy Lượng, cán bộ Ty Văn hóa-Thông tin đã xung phong theo các đoàn quân vào đến tận Bạc Liêu để ghi lại những hình ảnh chiến đấu giải phóng quê hương của quê hương kết nghĩa tại huyện Trần Văn Thời, sông Ông Đốc, hòn Đá Bạc và đất mũi Cà Mau!
Ngay sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn đại biểu của tỉnh do đồng chí Vũ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBHC tỉnh làm trưởng đoàn đã vào thăm cán bộ và nhân dân Bạc Liêu trong niềm vui chiến thắng. Sau đó cán bộ, nhân dân tỉnh nhà vô cùng phấn khởi và xúc động được đón tiếp đoàn đại biểu tỉnh Bạc Liêu do đồng chí Nguyễn Văn Đáng, Phó Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng đoàn ra thăm Ninh Bình sau 15 năm kết nghĩa keo sơn trong tình cảm thắm thiết nghĩa tình, cùng chung vui chiến thắng, như những người anh em ruột thịt trở về nhà!
Sau ngày nước nhà thống nhất, từ năm 1976, tỉnh Ninh Bình hợp nhất với tỉnh Nam Hà thành tỉnh Hà Nam Ninh và qua điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Bạc Liêu thành tỉnh Minh Hải. Theo chủ trương của Trung ương, hai tỉnh Hà Nam Ninh- Minh Hải lại tiếp tục kết nghĩa cùng nhau xây dựng, phát triển sau chiến tranh cùng cả nước tiến lên CNXH.
Nhiều cán bộ của Hà Nam Ninh, trong đó có bác Tạ Quang, nguyên Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, đang là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Ninh sẵn sàng vào Minh Hải làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng nhiều trưởng phó ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và cán bộ chuyên môn từ Hà Nam Ninh vào công tác tại Minh Hải. Hàng nghìn gia đình từ Hà Nam Ninh vào Minh Hải xây dựng và gắn bó lâu dài với quê hương mới được Đảng bộ, nhân dân Minh Hải nhiệt tình tiếp nhận, hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện để hội nhập, sớm ổn định đời sống, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng Minh Hải, Bạc Liêu, Cà Mâu phát triển về mọi mặt từ đó đến nay...
Còn nhớ, trong một lần về thăm bác Tạ Quang khi đang nghỉ hưu tại quê nhà xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, bác Mười Kỷ, Bí thư Tỉnh ủy Minh Hải đã xúc động nói: "Mối tình kết nghĩa Ninh Bình- Bạc Liêu, Hà Nam Ninh - Minh Hải là mối tình cách mạng, mối tình từ mỗi trái tim, từ những tấm lòng yêu nước, nghĩa đồng bào trong gian khổ, hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc và CNXH, sâu nặng lắm, thiết thực lắm. Cần làm cho thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau biết giữ gìn và tiếp tục phát huy…".
Cũng với tinh thần ấy, mới đây Đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bùi Văn Thắng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã vào thăm và làm việc tại tỉnh Bạc Liêu. Lãnh đạo hai tỉnh đã thông báo tình hình mỗi tỉnh, thông qua bản ghi nhớ nội dung liên kết giữa hai tỉnh trong thời gian tới.
Qua các hoạt động liên kết, hợp tác, trong đó có việc xây dựng các công trình văn hóa, lưu niệm, ghi lại truyền thống gắn bó giữa hai tỉnh để tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng và nghĩa tình gắn bó trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giữa hai địa phương cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân hai tỉnh, nhất là thế hệ trẻ, củng cố, thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa hai đảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh trong thời gian tới.
Nguyễn Thanh Túc