Đồng chí Trần Mạnh Hữu, cán bộ địa chính, giao thông, thủy lợi và xây dựng cơ bản xã Ninh An cho biết: Bước vào thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ninh An đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã hiểu và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện tốt phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ. Làm tốt việc huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, khai thác các nguồn thu tại địa phương tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng thuộc nhóm không có hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời phát huy tốt quy chế dân chủ, thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát.
Sau gần 5 năm triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ninh An đã huy động trên 177 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới, trong đó nhân dân đóng góp chiếm 34,82% gồm các nguồn lực tự đầu tư sản xuất, chỉnh trang nhà cửa, kết cấu hạ tầng công cộng, góp trên 6.600 công lao động, hiến trên 23 nghìn m2 đất…Tạo thêm động lực, điều kiện thuận lợi để xã triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, diện mạo nông thôn mới Ninh An có nhiều thay đổi. Trong đó xã đã cơ bản xây dựng được cơ sở hạ tầng, là nền tảng để phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân, hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng cao thu nhập của người dân.
Đồng thời tạo bước đột phá về chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế một cách toàn diện, vững chắc, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tăng cường cơ sở vật chất cho các công trình phúc lợi và làm tốt công tác an sinh xã hội.
Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân là nhiệm vụ trọng tâm được xã Ninh An quan tâm. Trong đó việc phát triển kinh tế hộ gia đình và phát triển tiểu thủ công nghiệp đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân và giữ vững tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Để làm được điều này, thời gian qua xã Ninh An đã quy hoạch vùng sản xuất, tổ chức thành công mô hình cánh đồng mẫu lớn, vận động bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng sản xuất theo hướng hàng hóa.
Là xã thuần nông, ngoài việc duy trì và mở rộng diện tích các vùng trồng lúa có giá trị kinh tế cao, xã Ninh An đã thực hiện quy hoạch 17 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại.
Các hội, đoàn thể phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi và tạo điều kiện để người dân tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư sản xuất.
Đến hết tháng 9 năm nay, dư nợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là trên 12 tỷ đồng cho 578 hộ gia đình vay phát triển sản xuất. Từ đó, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng mô hình chăn nuôi cho thu nhập cao như mô hình nuôi lợn nái, gà thả vườn, trồng nấm...
Hiện toàn xã có gần 200 mô hình kinh tế thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm, đặc biệt 5 mô hình kinh tế trang trại, gia trại có thu nhập bình quân từ 160 đến 300 triệu đồng/năm.
Để từng bước phá vỡ thế thuần nông, trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, xã Ninh An đã tạo mọi điều kiện thu hút được 130 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư hoạt động trên các lĩnh vực may mặc, xây dựng, thủ công mỹ nghệ, mộc, đá mỹ nghệ, giải quyết việc làm ổn định cho trên 1.000 lao động với mức thu nhập bình quân 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/năm, tăng 19 triệu đồng so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện nay còn 5,7% (theo tiêu chí mới). Bộ mặt nông thôn của Ninh An ngày càng khởi sắc, đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao rõ rệt.
Được biết, hiện xã Ninh An vẫn tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có nhiều hoạt động thiết thực duy trì, củng cố phát triển bền vững 19 tiêu chí xã nông thôn mới.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, thời điểm này, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Ninh An đang khẩn trương hoàn thiện các tiêu chí còn "yếu", đó là: tiếp tục đầu tư, xây dựng chợ Cầu Yên với 2.600m2, với kinh phí ước trên 2,7 tỷ đồng; hoàn thiện Trung tâm văn hóa, thể thao với diện tích 8.100 m2, giá trị đầu tư gần 800 triệu đồng, xây dựng Trạm y tế xã, kinh phí đầu tư gần 700 triệu đồng...
Bài, ảnh: Nguyễn Minh