Thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về những chiến sỹ công tác nơi biển, đảo, chúng tôi được đến thăm, động viên và chia sẻ những khó khăn, vất vả của thân nhân gia đình các chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam. Đa số thân nhân của các chiến sỹ cảnh sát biển trên địa bàn tỉnh ta đều là những người nông dân chất phác nhưng sâu đậm tình yêu với biển đảo. Mỗi gia đình là một câu chuyện cảm động về ý chí, đức hi sinh của các bậc làm cha, làm mẹ, sự vất vả, thiệt thòi của những người vợ cảnh sát biển. Vượt lên trên mọi khó khăn, vất vả, họ trở thành hậu phương vững chắc, ngày đêm hướng ra biển khơi, dõi theo mỗi chiến công, mỗi thành tích của các anh...
Một ngày chớm hạ, chúng tôi tới thăm gia đình thương binh Nguyễn Văn Tòng ở thôn Lạc Khoái, xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn. Mặc cho không khí oi nồng đến khó chịu của cái nắng đầu hạ, thương binh Tòng và vợ vẫn miệt mài quốc sới lại mảnh vườn trước nhà để trồng rau. Cạnh đó, là chiếc radio nhỏ xíu đang phát chương trình nói về các chiến sỹ nơi biển đảo. Lau giọt mồ hôi trên trán, người thương binh già tự hào: mỗi lần nghe các chương trình về biển, đảo quê hương tôi càng thương, càng khâm phục ý chí, nghị lực và tình yêu quê hương của các chiến sỹ nơi đảo xa. Đặc biệt, tôi càng thêm tự hào vì trong lực lượng cảnh sát biển anh dũng ấy có 4 người con của vợ chồng tôi. Ông Tòng dẫn chúng tôi vào nhà, đó là một ngôi nhà nhỏ, ngăn nắp. Gia đình ông dành vị trí trang trọng nhất của phòng khách để treo nhiều giấy khen và các bức ảnh của 4 người con đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Tòng tự hào "Gia sản lớn nhất của vợ chồng tôi là 4 người con này đấy. Cả 4 đứa đều phục vụ trong quân đội. Hiện nay, cả 4 người con của tôi đều đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc. Tiếng là có tới 8 đứa con cả dâu, rể, song chưa có cái Tết nào gia đình tôi được đoàn tụ đủ đầy, bởi các cháu đều phải làm nhiệm vụ trực Tết".
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Tòng, thương bố mẹ vất vả nên ngay từ nhỏ các con ông đã biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, có trách nhiệm trong việc dạy dỗ, bảo ban nhau học hành. Tuy làm nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn, song vợ chồng ông Tòng cũng hết sức tạo điều kiện để các con có điều kiện học hành đến nơi đến chốn. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, tốt nghiệp THPT, các con ông Tòng đều lần lượt đăng ký dự thi và đỗ vào trường Học viện Hải quân, chuyên ngành cảnh sát biển. Đến nay, các con ông đều đã trưởng thành trong quân đội. Đó là, Đại úy Nguyễn Văn Đức, Trung úy Nguyễn Văn Nam, Thượng úy Nguyễn Văn Hà. Riêng cô con gái duy nhất của ông học cao đẳng y tế, hiện cũng đang phục vụ trong quân đội. Con rể của ông cũng là một cảnh sát biển. "Trong 4 đứa con, mỗi đứa một tính cách. Giống tôi nhất, là đứa con thứ 3, đó là Thượng úy Nguyễn Văn Hà, thuyền trưởng tàu 8001, VCSB3"- ông Tòng chia sẻ. Rồi ông Tòng tự hào kể cho chúng tôi nghe về người con trai thứ 3 của mình. Hà gan góc từ nhỏ và học giỏi nhất nhà. Ngày Hà làm hồ sơ thi đại học, cha mẹ gợi ý cho anh dự thi vào một trường dân sự bởi trong gia đình đã có hai anh trai của Hà vào quân đội. Nhưng cuối cùng, Hà vẫn chọn thi vào Học viện Hải quân. Hà tâm sự với bố mẹ rằng, con quyết định thi vào Hải quân không hẳn vì sợ bố mẹ không nuôi được con học các trường dân sự mà vì con thực sự yêu thích và tự hào khi được khoác lên mình màu áo lính.
Ngày Hà có kết quả thi Đại học, bà con lối xóm đến chung vui bởi kết quả thi của Hà khá cao, ai cũng mừng và tự hào về Hà. Sau 5 năm miệt mài học tập, Hà ra trường và được điều động ra nhận công tác ở VCSB3. "Khi con có lệnh ra nhận nhiệm vụ ở ngoài đảo, gia đình tôi cũng thương con lắm. ở nơi đầu sóng, ngọn gió ấy liệu con có đủ sức mạnh, nghị lực để tròn trách nhiệm với quê hương? Nhưng trái với tâm trạng của gia đình, Hà rất phấn khởi. Hà nói rằng, con rất yêu biển. Biển sẽ là nhà, là quê hương, là người thân ruột thịt của con"- ông Tòng xúc động.
Và, sau vài năm công tác, đến nay, Thượng úy Nguyễn Văn Hà đã được tin tưởng giao trọng trách là thuyền trưởng của tàu 8001- con tàu trong biên đội tàu của lực lượng cảnh sát biển có nhiệm vụ áp sát và yêu cầu lực lượng bảo vệ và giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc rời khỏi lãnh hải Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tòng kể lại, trong giờ phút hiếm hoi trên bờ, Hà chỉ kịp gọi điện về hỏi thăm và động viên gia đình. Trong câu chuyện ấy, chàng cảnh sát biển trẻ kể nhiều về sự gan dạ, thông minh, sáng tạo của đồng đội trong quá trình làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Dù đã từng đứng giữa cái lằn ranh sinh-tử, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, nhưng trong những ngày Biển Đông dậy sóng, ông Tòng vẫn phải vững vàng, cố gắng cầm lòng mà động viên con, động viên gia đình.
"Mỗi ngày, các con của tôi vẫn theo tàu ra khơi làm nhiệm vụ. Trước mỗi chuyến đi, như một thói quen, các con đều điện về nhà cho bố mẹ. Qua những phút giây trò chuyện ngắn ngủi, vợ chồng tôi chỉ muốn tiếp thêm cho con sức mạnh, thêm nghị lực để vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc"- ông Tòng xúc động nói.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng