Gian nhà ông Phạm Văn Thông (bố đẻ Đại úy Phạm Văn Thạo) rộn rã tiếng cười, nói, mỗi người mỗi câu chuyện rất đỗi tự hào về người chiến sỹ đã 2 lần vinh dự được ra công tác tại đảo Trường Sa.
Kỷ niệm mà cả gia đình ông Thông nhớ nhất chính là lần đầu tiên năm 2009 khi cậu con trai, đại úy Phạm Văn Thạo ra công tác tại đảo Sinh Tồn. Khi ra đến đảo anh mới gọi điện về thông báo với gia đình anh ra đảo công tác. Bất ngờ, ngạc nhiên nhưng ông bà Thông rất hiểu tính con trai mình nên cả gia đình tôn trọng lựa chọn của con và vui vẻ động viên con yên tâm công tác. Ông Phạm Văn Thông cho biết: Dẫu biết con công tác ngoài đảo sẽ khó khăn hơn trong đất liền nhưng là chiến sỹ thì ở đâu Tổ quốc cần mà con mình sẵn lòng để cống hiến trí lực thì đó là niềm tự hào của gia đình.
Trong câu chuyện về Đại úy Phạm Văn Thạo, gia đình anh rất vui khi kể về kỷ niệm của anh với cái duyên quân đội. Năm 1994 anh nhập ngũ thực hiện nghĩa vụ quân sự với Tổ quốc, rồi trở thành quân nhân chuyên nghiệp công tác tại Trung tâm 47, Bộ Tham mưu Hải quân. Từ năm 2009 đến nay, anh đã 2 lần ra công tác tại đảo Sinh Tồn và đảo Nam Yết.
Ông Phạm Văn Thông cho biết thêm: Cái được lớn nhất của gia đình tôi khi có con công tác tại đảo chính là bồi đắp tình yêu nước, yêu biển, đảo thân yêu của Tổ quốc cho gia đình, con cháu trong họ. Đặc biệt đã giáo dục trực tiếp đối với người con trai Thạo, cháu Phạm Long Đô. Hàng ngày qua các cuộc điện thoại, Thạo đã kể cho con những câu chuyện về cuộc sống, sinh hoạt của mình và các chiến sỹ ngoài đảo, từ đó giúp con hiểu được công việc của người lính đảo, qua đó giáo dục và hình thành tình yêu của con với biển đảo. Tuy hiện nay Đô mới lên lớp 6 nhưng lúc nào cháu cũng ước được trở thành lính hải quân như bố.
Từ ngày có con công tác ngoài đảo, thói quen sinh hoạt không thể thiếu hàng ngày của gia đình ông Thông chính là việc trao đổi thông tin của gia đình với con qua điện thoại: Từ chuyện mùa gặt, cấy cày, sức khỏe của mọi người trong gia đình đến chuyện học hành, sinh hoạt của cậu thiếu niên Phạm Long Đô...
Qua điện thoại, Đại úy Phạm Văn Thạo cho biết: Do đặc thù công việc xa nhà, nhưng tôi rất yên tâm công tác vì đã có hậu phương vững chắc phía gia đình. Bố mẹ đã thay tôi chăm sóc gia đình, con cái, quán xuyến mọi việc. Tôi thường động viên bố mẹ, gia đình, con cái yên tâm về công việc tôi đang đảm đương cũng như cuộc sống ngoài đảo. Đầu năm 2014, một niềm vui vô bờ bến khi tôi được tiếp Đoàn cán bộ tỉnh Ninh Bình gồm lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Thông tin- Truyền thông, Công đoàn Nhà máy Đạm Ninh Bình... Tuy khoảng thời gian thăm hỏi của Đoàn công tác không nhiều, nhưng niềm vui được gặp đồng hương đã để lại một kỷ niệm đẹp, quý giá không thể quên đối với cuộc đời lính đảo như tôi.
Hồng Vân