Mặc cho không khí oi nồng đến khó chịu của cái nắng mùa hạ, thương binh Mùi và vợ vẫn hối hả phơi phóng lại số lạc mới thu hoạch xong. Bà Phương- vợ thương binh Mùi lau vội giọt mồ hôi nói với chúng tôi: Cố gắng thu hoạch lạc sớm vì sắp tới cả hai vợ chồng tôi sẽ vào Nha Trang để thăm con, cháu (vợ, con của Trung úy Nguyễn Hữu Thiều). Nghỉ hè rồi, bố thì công tác ở đảo xa,mẹ thì bận rộn với việc dạy hè ở trường mầm non, thành ra ông bà nội lại bị "triệu tập" vào trông cháu. Là nói cho vui vậy, chứ chuyến đi thăm con dài ngày này ông bà Mùi đã mong chờ từ lâu rồi.
Ông Mùi dẫn chúng tôi vào nhà, đó là một ngôi nhà nhỏ, đơn sơ. Trong nhà chẳng có tài sản gì đáng giá. Ông Mùi đưa cho tôi xem tấm hình chụp 4 người con của ông rồi hóm hỉnh: Của để dành nhà tôi đây này. Gia sản lớn nhất của vợ chồng tôi là 4 người con này đấy. Cả 4 đứa đều phục vụ trong quân đội. Hiện nay, cả 4 người con của tôi đều đã lập gia đình và có cuộc sống hạnh phúc.
Trong 8 đứa con cả dâu, rể thì có đến 5 người là lính đảo. "Tiếng là có tới 8 đứa con cả dâu, rể, song chưa có cái Tết nào gia đình tôi được đoàn tụ đủ đầy, bởi các cháu đều phải làm nhiệm vụ trực Tết. Tháng trước, vết thương tái phát nên tôi phải nằm viện tới cả tháng trời. Con cái đều đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa nên tôi dặn bà ấy không được báo tin cho con, sợ chúng lo lắng mà lơ là nhiệm vụ. Vậy là gửi nhà cửa cho người cháu họ trông chừng, vợ chồng tôi đưa nhau vào viện.
Nhiều lúc thấy bà ấy đã già mà vẫn một mình phải vất vả thức đêm, thức hôm trông chừng tôi, tôi cũng bùi ngùi lắm, nhưng vẫn phải động viên bà ấy kiên cường để các con yên tâm làm tròn nhiệm vụ với Tổ quốc"- thương binh Nguyễn Văn Mùi xúc động.
Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Mùi, thương bố mẹ vất vả nên ngay từ nhỏ các con ông đã biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, có trách nhiệm trong việc dạy dỗ, bảo ban nhau học hành. Sức khỏe yếu, ông Mùi không giúp được gì cho vợ trong công việc đồng áng,mọi gánh nặng mưu sinh đặt cả lên vai bà Phương. Hiểu hoàn cảnh gia đình mình, sau khi tốt nghiệp THPT, các con ông đều đăng ký dự thi và đỗ vào các trường thuộc khối quân sự.
Đến nay, các con ông đều đã trưởng thành trong quân đội, làm nhiệm vụ ở Vùng 4 Hải quân. Trong 4 đứa con, mỗi người một tính cách. Với đứa con nào vợ chồng ông Mùi cũng dành tình yêu thương như nhau. Nhưng cậu con trai út Nguyễn Hữu Thiều lại là người để lại cho bố mẹ nhiều xúc động nhất. Rồi ông Mùi tự hào kể cho chúng tôi nghe về người con trai út của mình. Thiều sống tình cảm lắm. Là con út trong nhà, nhưng Thiều sống tự lập từ rất sớm. Ngày nhỏ, ngoài giờ học, Thiều còn giúp mẹ việc đồng áng.
Học xong cấp ba, Thiều tình nguyện nhập ngũ. "Nó định hết nghĩa vụ sẽ về nhà để phát triển kinh tế và chăm lo cho bố mẹ.Nhưng sau 2 năm nghĩa vụ, nó nặng tình yêu với cuộc đời binh nghiệp nên quyết định dự thi vào trường Sỹ quan chỉ huy kỹ thuật thông tin. Ngày nhận được kết quả đã thi đỗ vào trường, Thiều mừng đến phát khóc.
Ngày tạm biệt cha mẹ để lên trường, Thiều chỉ đau đáu nỗi lo cha mẹ về già mà không có ai chăm sóc. Tôi nén xúc động, vỗ mạnh tay vào ngực rồi nói: Bố và bao đồng đội đã đi qua gian khổ của một thời máu lửa. Bây giờ con trai bố lại lên đường để bảo vệ sự bình yên cho Ttổ quốc, cho biển đảo đó là niềm tự hào lớn của bố. Con cứ mạnh mẽ lên đường, ở nhà bố mẹ đã có họ hàng, làng xóm chăm lo"- ông Mùi xúc động nhớ lại. Sau 5 năm miệt mài học tập, Thiều ra trường và được điều động ra nhận công tác ở đảo Trường Sa E.
Năm 2011, Thiều lập gia đình với một cô giáo mầm non quê ở Phú Yên. Hạnh phúc ấy trọn vẹn khi tròn năm sau ngày cưới, vợ chồng anh được đón cậu con trai đầu lòng. "Mỗi ngày, các con của tôi vẫn theo tàu ra khơi làm nhiệm vụ. Trước mỗi chuyến đi, như một thói quen, các con đều điện về nhà cho bố mẹ. Qua những phút giây trò chuyện ngắn ngủi, vợ chồng tôi chỉ muốn tiếp thêm cho con sức mạnh, thêm nghị lực để vững vàng tay súng, bảo vệ vững chắc vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc"- ông Mùi xúc động nói.
Bài, ảnh: Nguyễn Hùng