Phát triển các khu công nghiệp tạo dư địa thu hút đầu tư
Ninh Bình có 5/7 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 90%. Các KCN đã thu hút được 120 dự án thứ cấp. Năm 2022, doanh thu của các doanh nghiệp trong KCN đạt 73.260 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 14.000 tỷ đồng. Với kết quả trên, các doanh nghiệp trong KCN đã trở thành nhân tố đắc lực nâng cao chỉ số phát triển công nghiệp và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để công nghiệp thực sự là động lực cho sự phát triển, trong thời gian tới, bên cạnh các giải pháp trước mắt như: tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì, ổn định, phát huy hết quy mô, công suất theo dự án được chấp thuận, ví dụ như: ô tô, camera modul, linh kiện điện tử…; tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án chậm tiến độ trong các khu, cụm công nghiệp để sớm có thêm sản phẩm, giá trị sản xuất mới; kiên quyết thu hồi các dự án đã gia hạn nhiều lần, không đủ điều kiện gia hạn để tạo quỹ đất thu hút dự án mới..., tỉnh cần phải đổi mới mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động của các KCN tập trung. Triển khai xây dựng khung tiêu chí và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển các KCN sinh thái, thông minh, khu đô thị công nghiệp-thương mại-dịch vụ.
Đặc biệt, Ninh Bình cần lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư phù hợp với chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực, địa bàn trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển.
Cùng với đó, tỉnh cần đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hoàn thiện các tuyến đường huyết mạch kết nối các KCN với các trung tâm đô thị của tỉnh và kết nối với vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng cao với các vùng khác trong tỉnh đảm bảo phát triển đồng bộ, bền vững. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng, phát huy hiệu quả các KCN, cụm công nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/ TU ngày 11/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; xây dựng hoàn thiện KCN Gián Khẩu trở thành Khu công nghiệp-đô thịdịch vụ đầu tiên của tỉnh. Quy hoạch, thu hút đầu tư và tiếp tục xây dựng Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Phú Long, Khu công nghiệp-đô thị-dịch vụ Yên Bình…
Tích cực tham gia giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội
Trước thềm Xuân mới, cán bộ, hội viên cựu chiến binh chúng tôi rất vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu rất quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đạt được năm qua. Có thể nói, các thế hệ cựu chiến binh Ninh Bình - những người đã cống hiến công sức, trí tuệ của mình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khi trở về địa phương vẫn luôn gương mẫu, giữ vững và phát huy truyền thống tốt đẹp, phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", nhiều người tiếp tục tham gia công tác trong các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, thực sự là những cán bộ, hội viên gương mẫu, những tấm gương sáng để các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo.
Đặc biệt, các cán bộ, hội viên đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị; cùng chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ; tham gia giải quyết những vấn đề phức tạp nảy sinh từ cơ sở, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.
Bước sang năm mới 2023, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, cán bộ, hội viên Cựu chiến binh thành phố Ninh Bình sẽ tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Ninh Bình lần thứ XX; tích cực tham gia giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao
Thời gian qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ vậy cuộc sống của đồng bào đã khởi sắc, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền. Thôn Khánh Ninh, xã Yên Sơn (thành phố Tam Điệp) có khoảng 130 hộ, trong đó có 80 hộ là đồng bào dân tộc Mường sinh sống.
Điều mà đồng bào chúng tôi cảm nhận rõ nét nhất, đó là sự phát triển vượt bậc trong sản xuất nông nghiệp. Từ chỗ chỉ trông vào diện tích nhỏ cấy lúa, mà lại thường xuyên ngập lụt do đồng ruộng Yên Sơn chủ yếu là ruộng trũng, khó tiêu úng, nay thì mọi chuyện đã khác. Nông dân Yên Sơn đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn từ chủ trương "dồn điền, đổi thửa" và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đối với diện tích ruộng trũng đã được chuyển đổi sang mô hình lúa - cá, cho thu nhập cao.
Ngoài ra, đồng bào dân tộc thiểu số còn nhận được sự quan tâm từ cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện về vốn để phát triển kinh tế; được tham gia các lớp tập huấn ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, tham quan các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả… Kinh tế phát triển, điện, đường, trường, trạm ở nông thôn cũng từng bước được đầu tư xây dựng khang trang. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, bảo tồn văn hóa dân tộc Mường được quan tâm gìn giữ, góp phần nâng cao mức hưởng thụ về văn hóa của đồng bào. Đó là điều hết sức phấn khởi.
Từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số cũng nhận thấy cần phải phấn đấu hơn nữa để cùng nhau xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong những năm qua, với sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở, đến nay, huyện Yên Khánh đã đạt được những kết quả tương đối toàn diện, nổi bật; diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đạt 62 triệu đồng/người/ năm. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của các xã đã cơ bản được đầu tư, xây dựng tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện, đường giao thông ở các xã được bê tông hóa, nhựa hóa.
Đồng thời, huyện tập trung chỉ đạo tiếp tục huy động các nguồn lực nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện và xã đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng các khu dân cư kiểu mẫu. Triển khai Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Yên Khánh giai đoạn 2021- 2025, đến hết năm 2022, huyện có thêm 3 xã Khánh Công, Khánh Thủy, Khánh Mậu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 68 thôn, xóm đạt chuẩn "Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu"; bình quân các xã còn lại đạt 15,3/19 tiêu chí.
Kết quả đạt được trong xây dựng nông thôn mới năm 2022 là tiền đề, động lực để huyện Yên Khánh tiếp tục phấn đấu hoàn thiện những tiêu chí, đặc biệt là những tiêu chí khó như thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường… Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn với tiêu chí "Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn", xây dựng ít nhất 50% tuyến đường giao thông nông thôn kiểu mẫu (đường đạt chuẩn, trồng cây xanh, điện thắp sáng, không rác thải). Phấn đấu năm 2023, huyện Yên Khánh được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Mong muốn cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nữ
Trong năm qua, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tuy nhiên tôi rất lạc quan, phấn khởi trước những kết quả về phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đã đạt được. Sau khi xã Trường Yên (Hoa Lư) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, cuộc sống của hội viên, phụ nữ và người dân có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc.
Năm 2022, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp, hội viên, phụ nữ xã đã gương mẫu, đi đầu trong công tác xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương với các công trình, phần việc cụ thể như: tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh du lịch; thành lập và duy trì các câu lạc bộ "Phụ nữ với văn hóa du lịch", "Phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm", "Tổ liên kết kinh doanh dịch vụ du lịch văn minh"; thực hiện mô hình "Nhà sạch, vườn đẹp"; xây dựng 8 tuyến đường bích họa với 65 bức tranh tường nhằm tạo cảnh quan môi trường, thu hút khách du lịch…
Là cán bộ Hội Phụ nữ cơ sở, tôi mong muốn trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác cán bộ nữ. Các cấp Hội, cán bộ, hội viên và phụ nữ trong toàn tỉnh nỗ lực, đoàn kết, phát huy tính chủ động sáng tạo đưa Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội Phụ nữ các cấp đi vào cuộc sống; tiếp tục thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ trong giai đoạn mới.
Cải cách hành chính là động lực để doanh nghiệp phát triển
Những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình khuyến khích doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, mang lại sự thay đổi hiệu quả tại các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư - xây dựng - đất đai - môi trường. Việc cải cách hành chính đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt thủ tục hành chính từ khi tham gia đấu thầu, các thủ tục triển khai dự án để tiến hành thi công và cả việc rút ngắn tiến độ giải ngân các nguồn vốn...
Điều này có tác dụng tích cực không kém một "gói cứu trợ" cho doanh nghiệp trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay. Không những thế, theo đánh giá của cá nhân tôi, việc đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực xây dựng, đất đai giúp các dòng vốn đầu tư nhanh chóng đi vào hoạt động, tạo đà để nền kinh tế của tỉnh phục hồi nhanh hơn. Đây là giải pháp hỗ trợ ý nghĩa nhất mà doanh nghiệp luôn mong đợi.
Phát huy vai trò "cầu nối" giữa thanh niên Công giáo với Đảng, với Đoàn
Mùa xuân năm nay là mùa xuân đặc biệt, vì tròn một năm tôi được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Được trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là quá trình dài nỗ lực, phấn đấu của bản thân tôi, luôn xung kích, tiên phong, nhiệt huyết trong mọi hoạt động, từ công việc ở thôn xóm đến đoàn thể của địa phương.
Là một đảng viên, với chức trách là Bí thư chi đoàn xóm và cũng là người có đạo, tôi hiểu sứ mệnh của mình là tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống đạo đức, lối sống và ý thức pháp luật cho đoàn viên, thanh niên địa phương, khơi dậy các phong trào để thanh niên đóng góp trí và lực cùng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Hiện nay, đoàn viên thanh niên có nhiều thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin, trong đó có cả những thông tin tích cực và tiêu cực. Vì vậy, hơn ai hết, mỗi đảng viên trẻ phải là những người tiên phong, đi đầu trong việc sàng lọc thông tin, thường xuyên cập nhật những thông tin mới để kịp thời tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên; tạo diễn đàn để đoàn viên, thanh niên được nói lên tiếng nói của mình. Ngoài ra, với đặc thù địa bàn xã Cồn Thoi nói chung và xóm 7a Tây nói riêng có đông đồng bào Công giáo, hoạt động của thanh niên rất sôi nổi.
Vì vậy trong thời gian tới, tôi mong muốn mình sẽ là "cầu nối" giữa thanh niên Công giáo với tổ chức Đoàn, thi đua học tập, lao động tốt, phấn đấu trở thành người công dân tốt của xã hội. Đồng thời tiếp tục "truyền lửa" cho thanh niên Công giáo để tu dưỡng, phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhóm PV