Sinh ra và lớn lên tại làng nghề mộc Quỳnh Phong, ngay từ nhỏ Hùng đã được tiếp xúc với môi trường toàn gỗ và gỗ, văng vẳng bên tai là những tiếng đục đẽo, tiếng máy cưa, máy xẻ. Và cũng chẳng biết từ bao giờ Hùng đã yêu cái nghề mộc của ông cha mình để lại. Ngay từ khi còn nhỏ, sau những buổi đi học về Hùng lại nhặt nhạnh những mảnh gỗ thừa để đục đẽo thành những món đồ chơi cho riêng mình. Nhận thấy người con trai có năng khiếu, bố Hùng là ông Vũ Mạnh Thọ quyết định hướng anh theo nghề truyền thống.
Năm 2000, ở cái tuổi 23, sau khi đã nắm vững những kỹ năng của nghề mộc truyền thống, Hùng khăn gói lên đường học nghề mộc thủ công mỹ nghệ tại trường chế biến gỗ Trung ương (Phủ Lý, Hà Nam). Trong qua trình học tập, Hùng luôn tỏ ra là một người xuất sắc và nhận được nhiều học bổng của trường. Điều đó càng khiến Hùng say nghề, yêu nghề hơn và có nhiều ý tưởng sáng tạo. Hùng nhớ lại: "Những ngày đầu mới đi học cũng có nhiều khó khăn, bỡ ngỡ nhưng về cơ bản tôi đã nắm được những kỹ năng trong nghề mộc nên chỉ mất một thời gian ngắn là đã có thể tiếp thu được những kiến thức ở trường. Sau những giờ học trên lớp, tôi về nhà tự tìm tòi và sáng tác ra những tác phẩm có kích cỡ nhỏ theo trí tượng tượng của mình".
Sau khi ra trường, Hùng tiếp tục lặn lội nhiều nơi để học thêm nghề, cứ nghe đâu có thầy giỏi là Hùng lại tìm đến xin học. Chính sự đam mê, chí tiến thủ khiến Hùng học hỏi được nhiều những kỹ năng độc đáo của các nghệ nhân giỏi. Điều đó giúp Hùng rất nhiều cho công việc sau này cũng như mở rộng các mối quan hệ, tìm đầu ra cho sản phẩm.
Năm 2003, Hùng chính thức mở xưởng chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Trải qua nhiều thăng trầm, đến nay, những tác phẩm của Hùng đã tạo dựng được thương hiệu riêng, những đơn đặt hàng cũng ngày một nhiều hơn, những tác phẩm có giá trị cũng ngày một dày dặn hơn.
Đối với nghề chạm khắc gỗ, ngoài đôi bàn tay khéo léo, sự cần cù, tỉ mẩn trong từng chi tiết nhỏ thì cần có sự đam mê và quan trọng nhất là những rung cảm với nghề. Hùng tâm sự: "Làm nghề này cần sự kiên trì, khiếu thẩm mỹ, óc sáng tạo thì mới cho ra những sản phẩm độc đáo, mới lạ. Bên cạnh đó, phải có kiến thức lịch sử về nguồn gốc, xuất xứ, thân thế của những nhân vật mà mình tạo ra thì mới có thể thổi hồn vào tác phẩm. Làm ông thần tài thì phải toát ra được sự hào sảng, làm Quan Vân Trường phải có được sự dũng mãnh oai nghiêm, đó chính là hồn tác phẩm..." Theo Hùng, chất liệu chế tác gỗ chỉ là điều kiện cần, còn nghệ nhân phải tự tìm tòi cách thể hiện, tạo dáng thế cho nhân vật theo trí trưởng tượng của riêng mình sao cho bức tượng thêm phần sinh động. Mỗi bức tượng có rất nhiều chi tiết cần đến sự tinh xảo, tỉ mẩn mới có thể thực hiện một cách chính xác. Để làm được một bức tượng cao hơn 1m cũng phải mất từ 15 đến 20 ngày làm việc chăm chỉ.
Hiện nay, tại cơ sở sản xuất của Hùng, ngoài những thành viên trong gia đình, anh cũng nhận thêm 5 người làm để truyền nghề. Hùng cũng đang ấp ủ mong muốn mở một lớp dạy nghề miễn phí cho những trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn nhằm góp một phần sức lực xây dựng quê hương giàu đẹp.
Với sự kiên trì, niềm đam mê và cả tài năng thiên bẩm, Hùng đã tạo dựng được cho mình một thương hiệu riêng. ở tuổi 32, Hùng đã có một cơ ngơi khang trang, một gia đình hạnh phúc. Ngoảnh nhìn lại tuổi đời, tuổi nghề của mình, Hùng hoàn toàn có thể mỉm cười, tự hào với những gì mình đã làm được. Anh xứng đáng là một tấm gương sáng cho thanh niên học tập và noi theo.
Bài, ảnh: Đàm Văn Nghị