Ông đã gắn bó với nghề làm báo 36 năm, được nhiều giải thưởng báo chí của tỉnh, được tặng nhiều Bằng khen của UBND tỉnh, của Chính phủ và Huân chương Lao động hạng Ba … về những kinh nghiệm trong hoạt động báo chí.
Phóng viên: Thưa ông, ông có thể cho biết, cơ duyên nào đưa ông đến với nghề báo?
Ông Tạ Khôi: Tôi vào nghề làm báo như một duyên phận. Bởi, hồi nhỏ tôi học các môn tự nhiên khá hơn các môn xã hội. Năm 1966, tôi được vào học khóa đầu tiên lớp chuyên Toán (lúc ấy gọi là lớp đặc biệt) của Trường Lương Văn Tụy. Trong cái nôi đấy, chúng tôi luôn mơ ước sau này có sự nghiệp về ngành Toán.
Khi học xong cấp III (nay là THPT), cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Lớp tôi có 4 người đi bộ đội, trong đó có tôi, còn hầu hết các bạn đi du học. Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị tôi được điều vào bổ sung quân số cho Sư đoàn 5, chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Cuộc sống chiến đấu gian lao, khốc liệt, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác luôn bổ sung vào đầu người lính những phương án tác chiến hiệu quả, kỹ, chiến thuật mới, tôi luyện thêm tinh thần chiến đấu ngoan cường để sống và chiến thắng.
Phóng viên Đài PT-TH Ninh Bình tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Phạm Trường
Những công thức toán, những bài quỹ tích huyền diệu, niềm say mê của tuổi học trò bây giờ chẳng biết làm gì. Giữa hai chiến dịch, chúng tôi hay được về các căn cứ an toàn để bổ sung quân, học chính trị, tập kỹ, chiến thuật mới. Tôi thường được phân công làm báo cáo sơ, tổng kết, báo cáo thi đua cho đơn vị.
Tôi nhận ra chữ nghĩa được dùng nhiều, dùng thường xuyên hơn là các công thức toán. Cũng từ đây tôi bắt đầu học viết tin, võ vẽ tập làm thơ gửi cho Bản tin Trung đoàn do Ban Tuyên huấn Trung đoàn in ấn.
Có lẽ nghề viết báo của tôi manh nha từ đấy. Sau này gặp mấy nhà báo ở chiến trường, xông xáo, nhanh nhẹn, máy ảnh luôn đeo bên người, chụp ảnh ban đêm có đèn phát sáng luôn làm tôi nhớ và yêu thích.
Năm 1972, tôi được tin người bạn cùng lớp, cùng nhà trọ với tôi là anh Hoàng Cao Cương, quê Ninh Khánh, học Đại học Tổng hợp Văn, nay đang làm phóng viên chiến trường. Lúc này tôi đã cảm thấy tự tin nếu mình được làm báo.
Năm 1973, tôi bị thương nặng ở đầu. Năm 1974, được ra Bắc về Đoàn 540 ở Gia Sinh an dưỡng. Lúc này các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp trong tỉnh rất ưu tiên sắp xếp công ăn việc làm cho thương binh, bộ đội xuất ngũ. Tôi có người thân ở ngành Ngoại thương, Thương nghiệp và Ty Thông tin Ninh Bình. ở đâu cũng sẵn sàng nhận, bố trí công việc và cho đi học. Không hề do dự, tôi chọn ngay Đài Phát thanh Ninh Bình thuộc Ty Thông tin.
Vậy là từ tháng 9-1974, tôi trở thành phóng viên Đài Phát thanh Ninh Bình.
Từ đó đến khi về hưu tôi gắn bó với nghề làm báo 36 năm, ở 4 cơ quan báo chí: Đài Phát thanh Ninh Bình, Đài Phát thanh Hà Nam Ninh, báo Hà Nam Ninh và Báo Ninh Bình. Trong quá trình công tác cũng có nhiều cơ hội chuyển sang nghề khác nhàn hơn, nhưng tôi đã không đi.
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ ngày đầu bước vào nghề?
Ông Tạ Khôi: Kỷ niệm về những ngày đầu làm báo với tôi là những ngày hạnh phúc. Từ trong khói lửa của rải thảm bom B52, pháo bầy… của những chiến dịch dài như thế kỷ, chỉ mong sao ngày chiến thắng còn sống, về nhà, được cày bừa, gặt hái trên cánh đồng quê. Vậy mà bây giờ mình đã trở thành nhà báo, sự thật hiện hữu rồi mà vẫn tưởng là mơ. Hơn nữa, 6 năm trời nơi rừng xanh, hầm sâu, máy bay, bom đạn gầm réo là vậy mà vẫn khát khao nhìn thấy bóng dáng của một người con gái (Ai chưa trải nghiệm chắc không thể hiểu được nỗi khát khao này). Nay đi đâu, vào làng nào cũng thấy con gái quê mình xinh quá?
Về nghề nghiệp thì thật khó khăn. Chẳng được học một ngày nào về nghề làm báo, về nhận công tác là đi viết tin, bài luôn. Tôi được phân công vào tổ phóng viên nông nghiệp gồm 3 người, cùng với anh Lợi, anh Xuân Trình. Anh Lợi thì đã làm văn nghệ trong quân đội, đã có nhiều truyện ngắn. Anh Xuân Trình cũng mới về Đài nhưng đã có mấy năm làm phóng viên ở Đài truyền thanh Gia Viễn.
Chỉ có tôi chưa biết một tí gì về nghề. Hàng ngày tôi đọc tin, bài của các anh, các chị trong Đài để học tập rồi tập viết. Tôi và anh Xuân Trình hay đi công tác với nhau. Nhiều khi chúng tôi đi suốt đêm, ngày nào cũng đi, ngày đi - đêm viết. Anh Trình giúp đỡ tôi rất nhiều về cách khai thác tài liệu và viết tin, bài.
Công việc của Đài cũng rất khẩn trương. Sáng ở Ninh Bình đi, đeo bên người một máy ghi âm to như hòm cắt tóc, đến Nho Quan hay Kim Sơn phỏng vấn xong là đạp xe về ngay. Nói đến giai đoạn này nhiều người kêu ca về điều kiện vật chất như đi xe "cố vấn", ăn bo bo, lúc nào trong túi cũng phải có tem gạo 225g và 3 hào, không có thì đói… Nhưng với tôi lúc ấy chỉ lo làm sao để hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ không mấy khi nghĩ đến sự vất vả, vì thật sự so với ở chiến trường, sự vất vả này chẳng thấm gì.
Chiều đi làm về, tôi hay lang thang trên cánh đồng quê, vừa tìm lại ký ức tuổi thơ vừa suy nghĩ về nghề. Trong những buổi chiều như vậy tôi nhận ra, không lăn lộn với thực tiễn, không đọc, không học liên tục sẽ không làm được nghề. Thế là tôi cần mẫn suốt ngày, suốt đêm, dần dà quen đi rồi cũng làm được. Bốn tháng sau tôi có bài ký: Màu xanh Yên Liêu thượng, được mọi người khen tôi tự tin hẳn lên.
Phóng viên: Với kinh nghiệm 36 năm làm báo, xin ông trao đổi đôi điều với thế hệ làm báo hiện nay?
Ông Tạ Khôi: Sau 36 năm làm báo tôi rất thấm thía với nhận xét: Nghề làm báo là nghề khắc nghiệt, thống khổ suốt đời.
Quả là vậy, ít có nghề nào mà cần cả thể lực, trí lực như nghề làm báo. Đi nhiều, viết nhiều, vừa đi vừa viết. Nắng lửa, mưa dầm, rét buốt, bão gió vẫn phải đi. Nhiều trường hợp làm việc với cường độ rất cao, trách nhiệm nặng nề. Không mấy nghề như nghề làm báo, cần một phông kiến thức rộng, toàn diện. Khi viết chuyên đề, điều tra thì cần kiến thức sâu sắc. Viết xong bài này thì bài khác thúc ép. Cả đời mắc nợ. Muốn xả hơi cũng khó. Sản phẩm làm ra, mọi người phán xét. Nên nghề làm báo cũng là nghề không thể dối trá được. Làm việc hời hợt, thiếu nghiêm túc là bạn đọc biết luôn, vì tin bài nhạt, vô bổ, văn phong rườm rà. Nếu lấy tài liệu cẩu thả, hay viết theo kiểu võ đoán mà sai, thì là một tai họa.
Vì vậy, tôi muốn nói với các bạn đồng nghiệp trẻ rằng: Đã mang cái nghiệp vào thân thì suốt đời phải cần mẫn, đừng phàn nàn. Đọc và học liên tục. Lăn lộn không mệt mỏi với thực tiễn. Nếu không cập nhật kiến thức là lạc hậu luôn. Muốn bài viết có chất lượng, góp phần cổ vũ phong trào thi đua, định hướng tư tưởng, ngoài việc nắm chắc tinh thần các Nghị quyết của Đảng, điều tra lý giải sâu sắc thực tiễn còn phải am hiểu xu thế phát triển của thời đại và tình hình trong nước.
Bên cạnh đáp ứng tuyên truyền thời sự do cơ quan phân công, mỗi người theo sở trường cũng phải ấp ủ mấy đề tài mang tính thời đại, hay những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Lấy tài liệu, đọc sách báo tham khảo, tranh thủ ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, suy ngẫm sâu sắc rồi mới viết.
Có thể "thai nghén" bài viết vài tháng, thậm chí cả năm, chọn thời điểm thích hợp mới đưa lên mặt báo. Thí dụ, nếu tôi còn làm phóng viên lúc này tôi sẽ nung nấu 2 đề tài: Xây dựng nông thôn mới và Du lịch.
Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, xuyên suốt một thời gian dài, giải quyết toàn diện, sâu sắc vấn đề nông nghiệp, nông thôn, nông dân, là động lực phát triển bền vững, vừa khai thác tốt nhất tiềm năng đất đai, tài nguyên, lao động, vừa bảo đảm an sinh xã hội. Hàng loạt vấn đề cần nung nấu, tích lũy và đi tìm điển hình tiên tiến như: Đào tạo nguồn nhân lực, quy hoạch, cơ chế, chính sách, xây dựng chính quyền, đoàn thể, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển ngành nghề, dịch vụ…Trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và nguồn nhân lực. Đây là vấn đề khó, cần thời gian và là điều kiện then chốt để nông thôn biến đổi về chất, tránh tình trạng Nhà văn hóa, trạm xá, trụ sở to… mà không phát huy được tác dụng.
Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch to lớn. Tỉnh ta đã có những bước tiến dài trong lĩnh vực này, song so với tiềm năng thì kết quả chưa tương xứng. Khó khăn ở đâu, hạn chế ở khâu nào cần được lý giải. Người làm báo ở Ninh Bình cũng phải tham gia vào trọng trách này.
Sắp tới, Quần thể Danh thắng Tràng An của tỉnh chắc sẽ được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới thì Du lịch Ninh Bình lại thêm một cơ hội nhảy vọt.
Người làm báo Ninh Bình ngay từ bây giờ cũng cần đón đầu sự kiện này. Bên cạnh việc theo sát các mục tiêu chiến lược của tỉnh về đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng cơ sở… chúng ta cũng cần nhìn nhận chính xác về năng lực quản lý, nghệ thuật kinh doanh của các lực lượng làm du lịch.
Đặc biệt, cần tuyên truyền để xây dựng nếp sống ứng xử, văn hóa trong kinh doanh dịch vụ của người dân, để hình ảnh, tâm hồn người Ninh Bình tương xứng với cảnh quan… Điều này là rất khó nhưng không làm được sẽ tổn hại rất lớn cho Du lịch Ninh Bình.
Đối với những bài báo công phu, khi bắt tay vào viết cũng nên chuẩn bị chu đáo. Các cụ đồ xưa trước khi viết thường tắm gội, ăn chay 3 ngày. Với người làm báo không phải kỹ như thế, nhưng ngoài chuẩn bị tốt tài liệu, trước khi viết cũng không nên uống bia rượu, không nên ăn no… tạo cho mình một tinh thần thoải mái, như vậy sẽ có cảm hứng để viết với tốc độ nhanh hơn, khi viết sẽ có nhiều ý tưởng mới lạ hơn…
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mỹ Hạnh (Thực hiện)