Đã qua một tháng thực hiện biểu giá điện mới. Xung quanh vấn đề này đã có nhiều ý kiến của khách hàng muốn biết rõ hơn về cách tính nội suy lượng điện tiêu thụ trong tháng qua? Giá điện sinh hoạt tính theo biểu giá nào? Làm thế nào để xác định được lượng điện tiêu thụ vào giờ thấp điểm, cao điểm và giờ bình thường?
Trao đổi với ông Trần Tựa, Trưởng Phòng kinh doanh (Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình), chúng tôi được biết: Thông thường, đối với điện sinh hoạt mỗi tháng ghi chỉ số công tơ một lần vào một ngày quy định. Với lượng khách hàng lớn (hơn 200.000 khách hàng) cho nên các đơn vị quản lý, kinh doanh điện không thể ghi cùng trong 1 ngày được mà phải ghi rải ra trong nhiều ngày: Có chi nhánh ghi trong 10 ngày, có chi nhánh tới 15 ngày (Chi nhánh thành phố Ninh Bình)...
Nguyên tắc của việc ghi chỉ số công tơ là ngày này tháng này ghi chỉ số công tơ ở một khu vực thì cũng ngày đó tháng sau đến ghi chỉ số công tơ ở khu vực ấy. Với khách hàng mà ngày ghi chỉ số công tơ đúng ngày mồng 1 thì cứ thế tính theo biểu giá điện mới. Với khách hàng ghi chỉ số công tơ vào ngày mồng 2 và như vậy tháng 2 có 28 ngày thì 27 ngày tính theo giá cũ, 1 ngày tính theo giá mới.
Tương tự với khách hàng ngày ghi chỉ số công tơ là 25 hàng tháng thì trong tháng 3 có 5 ngày theo giá điện cũ và 26 ngày theo biểu giá điện mới... Cách tính này được lập trình trên máy vi tính và khi nạp dữ liệu chỉ số vào là máy tự tính toán được tỷ lệ chính xác đến từng giờ; xác định rõ số ngày phải chịu giá mới, số ngày phải chịu giá cũ... Đó là cách tính mà người ta gọi là nội suy.
Về giá điện sinh hoạt, áp dụng biểu giá bậc thang thống nhất chung trong cả nước, đối với mọi loại hình, tổ chức kinh doanh bán lẻ điện khi vùng đó được cấp điện từ lưới điện quốc gia. Theo đó, có 7 bậc thang: 50 KWh đầu tiên từ số 51-100 KWh; từ 101-150 KWh; từ 151-200 KWh; từ 201-300 KWh; từ 301-400 KWh và từ 401 KWh trở lên. ứng với mỗi bậc thang trên là đơn giá cho 1 KWh điện tiêu thụ.
Giá bán điện theo thời gian sử dụng trong ngày (bán điện theo hình thức ba giá) được áp dụng đối với các đối tượng: Bên mua điện sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ và được cấp điện qua máy biến áp chuyên dùng từ 25 KVA trở lên, hoặc có sản lượng điện sử dụng trung bình 3 tháng liên tục từ 2.000 KWh/tháng trở lên.
Bên mua điện sử dụng vào mục đích bơm nước tưới, tiêu phục vụ nông nghiệp. Hình thức bán điện 3 giá này không áp dụng cho lượng điện tiêu thụ trong sinh hoạt mà chỉ áp dụng cho các đối tượng khách hàng sản xuất, kinh doanh dịch vụ (những khách hàng này thường tiêu thụ lượng điện lớn và có máy biến áp riêng). Tại các đơn vị này, Công ty và các chi nhánh điện đã lắp công tơ điện tử, trong đó có cài chế độ giá và thời điểm theo quy định. Cứ đến thời điểm nào thì công tơ tự chuyển về bội số tương ứng. Ví dụ giờ thấp điểm từ 22 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau, các ngày trong tuần thì cứ đến thời điểm đó công tơ điện tự chuyển về đơn giá cho 1 KWh điện tương ứng...
Theo quy định mới: Giờ cao điểm, thấp điểm và bình thường có sự thay đổi so với trước đây... nên khi bước vào thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Công ty TNHH MTV Điện lực Ninh Bình đã bố trí cán bộ, nhân viên đến từng cơ sở, khách hàng sử dụng điện theo hình thức 3 giá cài đặt lại chế độ giờ và bội số tương ứng trong công tơ điện tử trước sự chứng kiến của khách hàng.
Đinh Chúc