Thành công từ mô hình sản xuất nông nghiệp sạch
Sau một thời gian phục vụ trong quân ngũ, chàng thanh niên Phạm Văn Hợp, ở xóm 13, xã Khánh Thành (Yên Khánh) trở về quê hương và đứng trước hai lựa chọn: một là đi học nghề và làm việc tại các nhà máy trong các khu công nghiệp, hai là lập nghiệp tại chính mảnh đất quê hương.
Phạm Văn Hợp chia sẻ: Hồi còn trong quân ngũ, tôi luôn có suy nghĩ, sau khi xuất ngũ mình phải chọn công việc gì để không những mình có việc làm mà còn giúp các thành viên trong gia đình và có thể là thêm một vài thanh niên trong xóm nữa cũng có việc làm. Sau khi xuất ngũ, được sự động viên, khích lệ của người thân, bạn bè, gia đình và nhận thấy tiềm năng phát triển nông nghiệp của địa phương, tôi đã quyết định lập nghiệp ngay tại quê nhà.
Với suy nghĩ, nếu không có cách đi riêng thì sẽ khó có thể chiếm lĩnh được thị trường, bởi vậy Phạm Văn Hợp đã quyết lựa chọn và xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng sạch. Để có quỹ đất canh tác, Phạm Văn Hợp chủ động đăng ký đấu thầu diện tích 0,7 ha đất 5% của xã và đã được chấp thuận. Việc huy động vốn cũng được chính quyền địa phương và anh em bạn bè ủng hộ.
Đặc biệt, Phạm Văn Hợp đã được Tỉnh đoàn tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm cho thanh niên. Có đất, có vốn, anh tiến hành đào ao nuôi cá và trồng các loại rau, quả như mướp Nhật, bí xanh, bí đỏ, rau cải các loại…
Khi bắt tay vào triển khai mô hình trồng rau quả sạch, Phạm Văn Hợp đã gặp rất nhiều khó khăn, do đây là mô hình mới, chưa có nhiều kinh nghiệm. Mặt khác, do sản xuất nông nghiệp sạch đòi hỏi chi phí đầu tư cao, giá thành sản phẩm cao, trong khi đó thói quen sử dụng sản phẩm sử dụng nông sản sạch của người tiêu dùng chưa nhiều.
Nhưng với nỗ lực vượt khó và ý chí quyết tâm theo đuổi mô hình, Phạm Văn Hợp đã không ngừng tìm tòi, học hỏi để vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời nghiên cứu thị trường nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu người tiêu dùng.
Anh chủ động liên hệ với đầu mối thu mua nông sản và cam kết sản xuất các sản phẩm bảo đảm tiêu chuẩn sạch, an toàn. Từ đó, thị trường tiêu thụ của trang trại không ngừng được mở rộng, khẳng định đây là hướng đi đúng đắn và khích lệ chàng thanh niên Phạm Văn Hợp không ngừng cố gắng vươn lên.
Nhờ mạnh dạn đổi mới, ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất không chỉ đem lại năng suất cao cho sản phẩm mà chất lượng sản phẩm sản xuất ra tại mô hình cũng được đảm bảo, được khách hàng tin tưởng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch đã đem lại thu nhập cho Phạm Văn Hợp hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Không những thế, hiện nay mô hình này còn tạo việc làm cho từ 3-5 đoàn viên thanh niên trong xã với thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng.
Giàu lên nhờ trang trại chăn nuôi tổng hợp
Không chỉ là cán bộ năng nổ, nhiệt tình trong công tác Đoàn mà Đinh Công Thường còn là một thanh niên biết làm giàu trên mảnh đất quê hương. Anh cũng là một trong những tấm gương điển hình trong phong trào lập thân, lập nghiệp ở xã Gia Phong (Gia Viễn).
Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp thủy sản Bắc Ninh, Đinh Công Thường quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và mong muốn được áp dụng những kiến thức đã được học trong trường, Đinh Công Thường đã mạnh dạn đấu thầu hơn 10 ha ruộng trũng của xã để đầu tư mô hình chăn nuôi tổng hợp.
Đinh Công Thường cho biết: Bước đầu khi mới phát triển nghề thủy sản, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn vốn thì hạn chế, những kiến thức về nuôi trồng thủy sản từ trong sách vở học được không đáp ứng yêu cầu thực tiễn hàng ngày trong công tác nuôi trồng bởi dịch bệnh phát sinh, khó lường.
Nhưng với quyết tâm khắc phục khó khăn, tôi tích cực học hỏi kinh nghiệm thêm từ mạng Internet, từ các mô hình thực tế, đồng thời tự đúc rút kinh nghiệm chăm sóc cũng như cách phòng dịch bệnh cho từng loại thủy sản.
Sau rất nhiều khó khăn và cả thất bại, cuối cùng Đinh Công Thường cũng đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp. Anh đã tạo dựng được một cơ ngơi khang trang, góp phần giải quyết việc làm cho 3 - 4 lao động thường xuyên là thanh niên tại địa phương.
Năm 2015, nắm bắt được chủ trương của xã Gia Phong về chuyển đổi diện tích đất canh tác xấu sang mô hình chăn nuôi trang trại theo hướng công nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế ở địa phương, một lần nữa, Đinh Công Thường thử sức trẻ của mình trong mô hình mới.
Anh đã xin mở rộng mô hình trang trại thêm 2 ha nữa để chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp. Hiện nay, mô hình chăn nuôi gà thịt đã đi vào hoạt động hiệu quả, với hơn 3 lứa gà/năm, giải quyết việc làm cho 2 lao động theo mùa vụ. Nâng tổng thu nhập của trang trại lên khoảng 150 triệu đồng/năm.
Thành công trong lao động sản xuất đã giúp Đinh Công Thường từng bước khẳng định bản thân với gia đình và xã hội. Năm 2013, anh được đoàn viên, hội viên thanh niên trong xã tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Đoàn xã, Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên xã Gia Phong.
Trên cương vị là thủ lĩnh thanh niên, Đinh Công Thường không ngừng học hỏi kỹ năng điều hành, lãnh đạo để có thể quy tụ thanh niên địa phương tích cực tham gia các phong trào, các hoạt động của Đoàn, Hội. Anh không chỉ cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động tại cơ sở mà còn thường xuyên giúp đỡ, hướng dẫn cho các ĐVTN trong xã xác định hướng đi, trong học nghề, tìm việc làm cũng như trong sinh hoạt thường ngày.
Nhiều năm qua, Đinh Công Thường đã cùng BCH Đoàn xã, Hội LHTN xã triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh niên, đưa Đoàn xã Gia Phong là một trong những đơn vị vững mạnh của huyện Gia Viễn.
Đức Nghĩa