1. Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết về Biển Đông và biển Hoa Đông Sáng 4/12 (theo giờ Việt Nam), với số phiếu ủng hộ tuyệt đối, Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết nhấn mạnh sự cần thiết tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, cho các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hạ viện Mỹ thông qua một nghị quyết liên quan tới vấn đề Biển Đông và Hoa Đông.
Nghị quyết mang mã số H.Res-714 lần đầu tiên được thông qua tại Hạ viện, với sự ủng hộ tuyệt đối, cho thấy mối quan tâm ngày càng sâu sắc của các nhà lập pháp Mỹ đối với tình hình diễn biến ngày càng phức tạp trong khu vực, trong đó có Biển Đông. Nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Chính phủ Mỹ đối với các nỗ lực tìm giải pháp hòa bình, trên cơ sở các nguyên tắc luật pháp quốc tế đã được các nước công nhận đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông. Nghị quyết cũng một lần nữa khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với tự do hàng hải, sử dụng các vùng biển và vùng trời ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương theo luật pháp quốc tế. Nghị quyết H.Res-714 lên án mọi hành động cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực gây cản trở các quyền tự do tại các vùng biển và không phận quốc tế. Nghị quyết kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các đồng minh, bạn bè của Mỹ và các nước có tranh chấp cùng nhau nỗ lực tìm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, thông qua việc yêu cầu các bên thực thi đầy đủ Tuyên bố về các ứng xử của các bên (DOC), tiến tới thiết lập một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
2. Các chính đảng tại Nhật Bản khởi động chiến dịch tranh cử
Ngày 2/12, các chính đảng tại Nhật Bản đã bắt đầu bước vào chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 12 ngày trên quy mô cả nước nhằm chuẩn bị cho cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào ngày 14/12 tới.
Theo một bộ luật được Nhật Bản thông qua vào năm 2012, số ghế trong Hạ viện của Nhật Bản trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới sẽ được giảm xuống từ 480 còn 475 ghế nhằm xóa bỏ sự chênh lệch về vùng miền trong Hạ viện. Đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản tiến hành Tổng tuyển cử kể từ thời điểm ông Abe nhậm chức Thủ tướng vào tháng 12/2012.
Giới phân tích cho rằng, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra vào trung tuần tháng 12/2014 được xem là "liều thuốc thử" về sự đánh giá của người dân Nhật Bản đối với chính sách kinh tế "Abenomics" do Thủ tướng Abe khởi xướng trong bối cảnh nền kinh tế nước nhà liên tiếp phải đối mặt với dấu hiệu sụt giảm trong thời gian gần đây.
3. Tổng thống Nga tuyên bố Moscow không thể tiếp tục dự án "Dòng chảy phương Nam"
Ngày 1/12, AFP dẫn thông báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết hiện nước này không thể tiếp tục xây dựng đường ống "Dòng chảy phương Nam" để vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu sau khi Bulgaria cản trở công việc xây dựng đường ống dưới biển.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Ankara với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, ông Putin nêu rõ: "Đến nay chúng tôi vẫn chưa được phía Bulgaria cấp phép, nên chúng tôi tin rằng trong hoàn cảnh hiện tại Nga không thể tiếp tục thực hiện dự án này".
Ông Putin chỉ trích Ủy ban châu Âu (EC), cho rằng cơ quan này đã khuyến khích Bulgaria ngăn cản việc thực hiện dự án. Ông đồng thời cảnh báo Nga có thể giảm lượng khí đốt cung cấp cho châu Âu. Nhà lãnh đạo này cho biết thêm Moscow đã đồng ý tăng lượng khí đốt xuất khẩu tới Thổ Nhĩ Kỳ thêm 3 tỷ m3 với mức giá giảm 6%.
4. Các phe phái đối lập tại miền Đông Ukraine nhất trí ngừng bắn vào ngày 9/12 tới
Chính quyền Kiev và hai Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk thuộc miền Đông Ukraine, ngày 4/12, đã nhất trí thực thi lệnh ngừng bắn vào ngày 9/12 tới nhằm hướng tới việc chấm dứt một trong những cuộc xung đột được xem là "đẫm máu" nhất tại châu Âu trong nhiều thập kỷ qua.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ với các quan chức quân sự hàng đầu của Ukraine, ngày 4/12, Tổng thống Petro Poroschenko đã tuyên bố áp dụng "ngày yên lặng" tại miền Đông Ukraine, bắt đầu từ ngày 9/12 tới. Quyết định này được ông Poroschenko đưa ra nhằm mục tiêu cứu vãn các thỏa thuận ngừng bắn trước đó, được các bên liên quan thông qua tại Minsk (Belarus) hồi đầu tháng 9/2014 song giờ đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ.
Phản ứng ngay sau tuyên bố trên của ông Poroschenko, các nhà lãnh đạo Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk nhấn mạnh họ "sẵn sàng chấp nhận đề xuất của chính quyền Kiev". Tuy nhiên, đại diện các khu vực đòi ly khai tại miền Đông Ukraine cũng tỏ ra nghi ngờ về khả năng lực lượng chính phủ sẽ tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Ria Novosti, một đại diện của Donetsk cho biết, thỏa thuận về "ngày yên lặng" đã được các lực lượng đối lập tại Ukraine thông qua mà không đi kèm theo bất cứ điều kiện sơ bộ nào. Các điều khoản ngừng bắn trong thỏa thuận này sẽ được thảo luận trong một phiên họp diễn ra tại Minsk (Belarus) vào tuần tới, dù cho tới nay sự kiện này vẫn chưa được ấn định thời điểm cụ thể.
5. Bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Ebola
Ngày 1/12, phát biểu tại một cuộc hội thảo của các nhà nghiên cứu miễn dịch châu Phi diễn ra tại Nairobi, ông Adrian Hill, Giám đốc Viện Jenner thuộc Đại học Oxford cho biết, hai loại vaccine Ebola đã chứng tỏ hiệu quả đáng kể trên những người tham gia thử nghiệm và không gây tác dụng phụ. Trước đó, ngày 26/11, Viện Y tế quốc gia Mỹ (NIH) thông báo đã thu được những kết quả khả quan ban đầu trong thử nghiệm vaccine phòng virus Ebola. Vaccine do Viện dị ứng và các bệnh truyền nhiễm (NIAID) thuộc NIH và hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK) của Anh đồng nghiên cứu, phát triển nhằm giúp cơ thể con người sản xuất kháng thể phòng Ebola. Giới y tế kỳ vọng đây sẽ là phương thức hữu hiệu chống lại các chủng Sudan và Zaire của virus Ebola.
Cũng trong ngày 1/12, Trưởng Phái đoàn Liên hợp quốc hành động khẩn cấp chống lại Ebola (UNMEER) Anthony Banbury đã tuyên bố hoan nghênh những thành công đã ghi nhận trong cuộc chiến chống lại đại dịch nguy hiểm này tại 3 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là: Guinea, Liberia và Sierra Leone. Tuy nhiên, Trưởng Phái đoàn Liên hợp quốc hành động khẩn cấp chống lại Ebola cũng cảnh báo rằng tình hình vẫn rất nghiêm trọng tại Guinea, Liberia và Sierra Leone. "Đây vẫn còn là một cuộc khủng hoảng rất phức tạp, đa chiều" - ông nói. "Trong khi chúng ta đang có thể hạ thấp các con số, chúng ta phải tập trung nỗ lực vào việc truy tìm thêm những người bị lây nhiễm, giám sát, và khả năng phản ứng nhanh chóng".
…Và một số vấn đề quốc tế đáng chú ý khác * Theo hãng tin Tân Hoa Xã, cựu Bộ trưởng Công An Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã chính thức bị bắt giữ và khai trừ khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC). Tân Hoa Xã cho biết, quyết định khai trừ đảng đối với ông Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, được đưa ra tại "một cuộc họp ngày 5/12 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc". Ông Chu Vĩnh Khang cũng đồng thời "bị điều tra pháp lý", động thái mở đường cho việc khởi tố quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc kể từ sau vụ "bè lũ bốn tên" xét xử năm 1980.
* Ngày 5/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đề cử cựu Thứ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, 60 tuổi, làm Bộ trưởng Quốc phòng mới thay ông Chuck Hagel, người đã từ nhiệm hồi cuối tháng trước. * Vào đúng 12h trưa ngày 4/12 (theo giờ Moscow, tức 16h Việt Nam), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đọc Thông điệp Liên bang trước Quốc hội Nga. Thông điệp của Tổng thống Putin nhấn mạnh đến tinh thần và sức mạnh của LB Nga trong việc tiếp nhận và vượt qua mọi thách thức hiện tại, khẳng định quan điểm duy trì và mở rộng quan hệ đối tác của Nga với các nước cả phương Tây và phương Đông. Đồng thời, nhà lãnh đạo Nga cũng đề xuất nhiều biện pháp cụ thể để hỗ trợ nền kinh tế trong điều kiện bất lợi hiện nay.
* Trung tâm giám sát các trang web Hồi giáo SITE của Mỹ ngày 4/12 thông báo cho biết, trong một đoạn băng video vừa được công bố, chi nhánh Al-Qaeda ở bán đảo Ả Rập (AQAP) đã đe dọa hành quyết một con tin người Mỹ. Trong video, Nasser bin Ali al-Ansi, một thủ lĩnh của AQAP, đe dọa hành quyết con tin trong vòng 3 ngày sau khi phát hành đoạn băng, nếu Mỹ không đáp ứng các yêu cầu của lực lượng này. Thủ lĩnh của AQAP không công bố chi tiết các đòi hỏi nhưng nói rằng Washington "biết" điều đó. "Nếu không, con tin người Mỹ mà chúng tôi bắt giữ sẽ có một số phận không thể tránh khỏi" - Nasser bin Ali al-Ansi nêu rõ.
* Ngày 3/12, người phát ngôn Bộ Chỉ huy các chiến dịch an ninh nội địa Thái Lan Banpot Phunpian cho biết, nước này sẽ thành lập 3 ủy ban, bao gồm: Ủy ban Chỉ đạo Đối thoại Hòa bình, Ban Đối thoại Hòa bình và Nhóm Công tác phối hợp liên cơ quan tại khu vực. Các ủy ban này sẽ có nhiệm vụ làm việc với các cấp độ khác nhau, nhằm lập lại hòa bình thông qua đàm phán với các nhóm nổi dậy ở khu vực miền Nam nhiều bất ổn. Người phát ngôn Banpot Phunpian cũng cho biết, tiến trình hòa giải sẽ được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 là các cuộc đàm phán và thúc đẩy sự hiểu biết, sự tin tưởng. Giai đoạn 2, các bên đàm phán nhất trí về bộ quy tắc ứng xử nhằm giảm đối đầu và chấm dứt bạo lực. Giai đoạn 3 là giai đoạn hai bên thiết lập lộ trình giải quyết xung đột thông các các biện pháp hòa bình.
* Ngày 3/12, đại diện 60 nước trên thế giới, gồm các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các nước Ả rập đã tham gia phiên họp cấp Bộ trưởng đầu tiên do Mỹ triệu tập tại Brussels (Bỉ) nhằm đưa ra cam kết tiếp tục tăng cường nỗ lực trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
* Theo Tân Hoa xã, ngày 3/12, người đứng đầu chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu đã từ chức Chủ tịch Quốc dân Đảng (KMT) cầm quyền sau thất bại nặng nề của đảng này trong cuộc bầu cử địa phương ngày 29/11.
Theo Dangcongsan.vn