Mô hình trồng đinh lăng quy mô lớn đầu tiên ở Ninh Bình
Anh Trần Việt Phú bên vườn cây đinh lăng của mình. Ảnh: Xuân Trường
Đinh lăng là một trong những loại cây dược liệu quý, được sử dụng ngày càng nhiều trong các sản phẩm nam dược hay thực phẩm chức năng. Chính vì vậy, trong vài năm trở lại đây, nông dân một số tỉnh như: Nam Định, Thái Bình, Bắc Giang...
đang mở rộng diện tích loại cây trồng này, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nắm bắt được điều đó, anh Trần Việt Phú ở xóm 8, Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn mạnh dạn cải tạo đất đầu tư trồng đinh lăng với quy mô gần 4 mẫu. Có thể nói, đây là mô hình trồng đinh lăng quy mô lớn đầu tiên ở Ninh Bình.
Tiếp đón ngay ngoài ngõ, anh Phú dẫn chúng tôi đi xem khắp trang trại, gồm 1 khu ao thả cá truyền thống mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 1 tấn cá thương phẩm, thu lãi 30-40 triệu đồng; khu trồng rau mùa hè thì bí xanh, mướp đắng, dưa lê, còn mùa thu đông anh trồng bắp cải, su hào sớm.
Tới vườn đinh lăng, ánh mắt anh ngời sáng: "Đã có thương lái về trả tôi 1 tỷ đồng cho vườn đinh lăng 3 tuổi này. Nhưng tôi không bán. Tôi cứ để đó, để càng lâu càng có giá, hơn nữa, tôi còn tận dụng thu lá và lấy giống trồng gối vụ".
Anh Phú cho biết: Lúc đầu tôi cũng có chút lo lắng vì lần đầu tiên tiếp xúc với loại cây trồng mới này. Nhưng sau khi tìm hiểu trên mạng, sách, báo được biết nhiều vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương tự Kim Sơn như ở Nghĩa Hưng, Giao Thủy (Nam Định) hay ở Tiền Hải (Thái Bình) họ cũng đã thực hiện mô hình này, hiệu quả kinh tế rất cao, nhiều nơi lập thành trang trại chuyên trồng cây đinh lăng. Vì thế, tôi yên tâm đặt mua hơn 20 nghìn cây giống về trồng thử nghiệm.
Quả thực, vùng đất ven biển này rất lý tưởng cho cây đinh lăng, chỉ một năm đầu cây đã cao gần 80 cm và ra khá nhiều nhánh. Tận dụng những cành cắt tỉa, tôi nhân rộng và mở rộng diện tích ra với trên 30 nghìn gốc. Anh Phú tính toán: Với giá thu mua toàn bộ rễ, gốc, thân lá tại thị trường huyện hiện nay từ 20.000-25.000 đồng/kg, nếu trồng 1 sào, 3 năm sau cho thu nhập 30-45 triệu đồng/sào; chi phí giống 1,5-2 triệu đồng và phân bón từ 400-500 nghìn đồng/sào.
Hiện thị trường tiêu thụ cây đinh lăng rất lớn và giá đinh lăng từ hơn 10 năm nay luôn giữ ổn định. Do vậy, cây đinh lăng hoàn toàn có thể trở thành cây làm giàu cho nhiều nông dân.
Nuôi cá trắm đen thu tiền tỷ
Ông Nguyễn Văn Dụng-chủ một khu trang trại rộng lớn. Ảnh: Xuân Trường
Ở vùng chuyển đổi của cánh đồng thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn có một mô hình nuôi cá trắm đen mang lại hiệu quả kinh tế cao của ông Nguyễn Văn Dụng được nhiều người trong vùng biết đến. Nhờ tinh thần ham học hỏi, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, hiện nay ông là chủ một khu trang trại rộng lớn và là tấm gương tiêu biểu về phát triển kinh tế của địa phương.
Đầu năm 2014, khi UBND xã có chủ trương khuyến khích, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng các mô hình trang trại, ông Dụng đã bàn bạc với vợ con dồn đổi hơn 2 ha đất để mở rộng mô hình nuôi thủy sản của gia đình. Lúc bấy giờ, nhiều người trong xã cho rằng gia đình ông quá "liều" khi bỏ ra hàng tỷ đồng đổ xuống khu đất mà bao lâu nay có cho cũng không ai dám làm.
Nhưng với niềm tin và sự ủng hộ của người thân, sự giúp đỡ của bạn bè, ông bắt tay vào cải tạo khu đất thành khu trang trại khang trang với những vuông ao được xây bê tông, hệ thống cống tưới, tiêu nước, quạt gió đầy đủ, trên bờ trồng cây cảnh, cây ăn quả xanh mát, xung quanh là hệ thống tường bao, điện và camera bảo vệ nghiêm ngặt. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm ao, ông Dụng vừa tranh thủ cho cá ăn.
Từng đàn cá tung tăng quẫy vùng, tranh nhau đớp thức ăn, nhìn thật vui mắt. Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá trắm đen, ông Dụng cho biết: Để nuôi cá trắm đen đạt hiệu quả kinh tế cao, cần lưu ý cá có nhu cầu ôxy cao hơn các loài cá khác. Nếu không đủ ôxy, cá chậm phát triển, dễ bị bệnh và chết.
Do đó, môi trường ao nuôi luôn sạch, bề mặt ao thoáng. Mực nước trong ao luôn giữ khoảng 1,5-2m, khi cá lớn hơn 2 kg cần duy trì mức nước sâu trên 2m. Hàng tuần bơm thêm nước mới để kích thích sinh trưởng và thay nước nếu thấy cần thiết. Để cá thả có tỷ lệ sống cao, người nuôi phải chú ý ngay từ khâu chọn con giống có chất lượng tốt, kỹ thuật đưa cá từ ao giống ra ao nuôi, mật độ thả 4 con/m2.
Trong đó, quan trọng nhất là khâu phòng bệnh cho cá, vệ sinh ao nuôi thường xuyên như tiến hành phơi ải, rắc vôi khử trùng sau mỗi vụ thu hoạch... Nếu biết cách thì cá trắm đen cũng khá dễ nuôi, thức ăn của cá trắm đen được tận dụng từ ốc, cám công nghiệp, con gion, dắt biển…
Cá trắm đen có ưu điểm thịt chắc ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao hơn các loại cá khác. Là thức ăn tốt cho người già, trẻ em. Vì vậy, thịt cá trắm đen rất được ưa chuộng trên thị trường. Cứ vào mùa thu hoạch, thương lái đến tận nhà ông để mua. Do có kinh nghiệm nuôi cá trắm đen từ nhiều năm nay, nắm chắc kỹ thuật nên đàn cá của gia đình ông Dụng hiếm khi nào bị bệnh, lớn nhanh. Với 3 ha ao nuôi trắm đen kết hợp với cá chép, mỗi năm gia đình ông thu về trên 50 tấn cá thương phẩm, doanh thu hơn 3 tỷ đồng.
"Mát tay" nuôi trồng, nông dân vùng cao thu tiền tỷ
Ông Trần Minh Sơn và vườn táo đang chuẩn bị cho thu hoạch trái vụ. Ảnh: Xuân Trường
Nói đến những nông dân có thu nhập "khủng", không thể không kể đến ông Trần Minh Sơn, 54 tuổi, ở thôn 10, xã Phú Long, huyện Nho Quan.
Hơn 20 năm trước, ông Sơn đưa gia đình đến Phú Long "xây dựng cơ đồ". Ông thuê đất nông trường Đồng Giao với thời hạn 49 năm, dự tính là sẽ xây dựng mô hình "vườn du lịch". Không lâu sau dự án phá sản vì không có vốn, ông buộc phải chuyển nhượng phần lớn diện tích đất thuê, chỉ giữ lại 6 ha để làm VAC. Tuy nhiên mô hình này cũng chỉ cho thu nhập "đủ ăn"-theo cách nói của ông Sơn.
Bước ngoặt đến với gia đình ông tính từ năm 2011, trong một lần về thăm quê ở Hà Nam, ông được bà con giới thiệu mô hình trồng chuối tiêu hồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông mạnh dạn mang hơn 700 cây giống về trồng thử trên diện tích 0,6 ha. Ngay năm đầu tiên, gia đình ông thu lãi hơn 200 triệu đồng. Đến năm thứ 2, ông Sơn mở rộng diện tích trồng chuối lên 2,4 ha và năm đó cây chuối cho ông 600 triệu đồng tiền lãi.
Có vốn, ông đầu tư sang các loại cây ăn quả khác như nhãn, táo, hồng giòn, mít tố nữ, ổi không hạt, đu đủ Thái Lan... Điểm đặc biệt là tất cả những loại cây ăn quả này đều được xử lý để cho ra quả trái vụ. Ông Sơn chia sẻ: Nông sản trái vụ thường bán được giá cao, có khi gấp đôi nông sản chính vụ, lại không bị ép giá… Mấy năm qua, các loại cây ăn quả này đều đặn cho gia đình ông thu lãi trên dưới 300 triệu đồng. Hiện diện tích trồng chuối của ông Sơn đã mở rộng lên 8ha; trang trại của ông cũng đã mở rộng với hơn 13 ha.
Mát tay, thành công từ chuối tiêu hồng, cây ăn quả trái vụ, ông Trần Minh Sơn còn rất có duyên chăn nuôi gia súc, gia cầm. Năm vừa qua ông thu được hơn 200 triệu đồng tiền lãi từ bò, gà, cá, lợn. Ông Sơn nhẩm tính, cả năm lao động, tiền lãi thu được từ các loại cây, chủ lực là chuối tiêu hồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm... gia đình đã thu về hơn 1,1 tỷ đồng.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, ông Sơn còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động, chưa kể lao động theo thời vụ với mức thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
Ghi nhận đóng góp của ông Trần Minh Sơn đối với sự phát triển kinh tế tại địa phương, hai năm liền (2013 và 2014), ông được UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đặc biệt, ông đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Mới đây nhất, ông là đại diện của tỉnh Ninh Bình được nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2015".
Nguyễn Lựu - Xuân Trường