Đây thực sự là phong trào cách mạng sâu rộng trong thời kỳ đổi mới, thu hút hàng vạn nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và nội lực của mỗi gia đình. Cũng từ đó đã xây dựng được đội ngũ nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. ở mỗi đơn vị xã, thị trấn ngày càng có nhiều điển hình hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cách đây vài năm, thời điểm được coi là khó khăn đối với nhiều làng quê khi đa số thanh niên tìm cách đi làm ăn xa do trình độ nhận thức còn hạn chế và do thiếu việc làm ở địa phương. Ở Định Hướng, xã Kim Định (Kim Sơn) không phải là một ngoại lệ. Khi đó cả làng có tới gần 70% số gia đình có người nghiện ma túy mà nguyên nhân chủ yếu từ những thanh niên đi đào đãi vàng trở về địa phương. Tìm cách giải quyết việc làm là hướng đi đúng đắn được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện, tuy nhiên cũng cần phải huy động sự nỗ lực của mỗi cá nhân.
Anh Phạm Ngọc Nhuần - một thanh niên vừa trở về từ bãi đào vàng đã nung nấu ý tưởng phát triển ngành nghề mang tính chất ổn định và có thể thu hút được số lao động trẻ, khỏe tại địa phương. Sau quá trình mày mò, vừa học vừa làm cùng với sự giúp đỡ của gia đình, anh Nhuần mạnh dạn đứng lên tập hợp tổ thợ xây dựng.
Ban đầu đội thợ chỉ nhận những công trình nhỏ, đơn giản của bà con trong các xóm. Khi tay nghề đã vững và bước đầu tạo dựng được uy tín, công việc của anh Nhuần phát triển thuận lợi, mở rộng phạm vi sang các địa bàn lân cận. Vào những lúc cao điểm, tổ thợ phải huy động tới hàng trăm nhân công trực tiếp làm việc. Nhưng do thiếu vốn nên ý tưởng phát triển tổ thợ gặp nhiều khó khăn.
Sau khi được Hội nông dân xã tạo điều kiện vay vốn, anh Nhuần tiếp tục đầu tư thêm phương tiện làm việc và tăng cường nguồn nhân lực. Năm 2003, tổ thợ có 100 lao động với mức thu nhập 50 nghìn đồng/người/ngày, đến nay số nhân công được duy trì ổn định, ngày công bình quân đạt 65 nghìn đồng/người/ngày (chưa kể tiền tăng ca và làm ngoài giờ phục vụ tiến độ thi công). Ước tính tổng thu nhập hàng năm của đội thợ lên tới hơn 1 tỷ đồng, một nguồn thu lớn mà sản xuất nông nghiệp đơn thuần khó có thể đạt được.
Anh Nhuần chia sẻ: Để công việc tiến triển thuận lợi, trước hết cần có sự phân công cụ thể, nhìn người xếp việc, mỗi người phụ trách 1 khâu (chuyên làm sắt, chuyên về kỹ thuật xây…). Và quan trọng hơn cả là đội thợ cùng đoàn kết giúp đỡ nhau trong công việc cũng như hỗ trợ trong cuộc sống hàng ngày. Từ năm 2003 đến nay, đội thợ của anh đã giải quyết việc làm, giúp 30 hội viên nông dân thoát nghèo. Điều đáng ghi nhận nhất ở người nông dân này có lẽ là tinh thần dám nghĩ, dám làm cùng với lối tư duy thể hiện sự năng động, sáng tạo trong công việc.
Được sinh ra và lớn lên ở làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm (Ninh Hải), chị Vũ Thị Hồng Yến, chủ Doanh nghiệp tư nhân Minh Trang đã được thừa hưởng và phát huy nghề truyền thống của cha ông để lại. Chị tâm sự: Nếu không được dạy nghề theo hệ thống và chỉ làm với quy mô nhỏ lẻ sẽ khó đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Những ngày đầu làm nghề, khi số vốn và kinh nghiệm còn hạn chế, cách thức mà chị áp dụng là tập hợp những người thợ trên địa bàn nhưng chia theo nhóm từ 5-10 người để tiện cho việc theo dõi kỹ thuật, quản lý chất lượng.
Khi thành lập Doanh nghiệp, ban đầu cũng chỉ có 6 công nhân làm việc trực tiếp tại xưởng còn 50 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân từ 600.000 - 700.000 đồng/người/tháng. Năm 2004, được sự quan tâm của chính quyền địa phương chị đã thuê được khu đất với diện tích 3.400 m2 để xây dựng nhà xưởng, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Từ đó đến nay, Doanh nghiệp có 20 lao động thường xuyên và 350 lao động làm ở các làng nghề.
Đặc biệt sau khi có Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về "Phát triển nghề thêu ren, sản xuất và chế biến cói, chế tác đá mỹ nghệ", được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn, Trung tâm dạy nghề Minh Trang (trực thuộc doanh nghiệp) đã được thành lập. Mỗi năm Trung tâm mở được từ 3-4 lớp dạy nghề thêu ren, khâu chăn bông xuất khẩu cho 100-150 học viên là nông dân ở địa phương. Hiện nay, thu nhập bình quân của thợ làm việc tại Doanh nghiệp là 1,2 triệu đồng/người/tháng.
Được nhìn nhận là một người khá nhạy bén với thị trường, chị Yến đã tích cực tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế để tìm hợp đồng mới, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, tạo ra mẫu mã đa dạng cho sản phẩm… Chính vì vậy, Doanh nghiệp vẫn tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập cho bà con nông dân trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, Doanh nghiệp luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng và hoạt động tình nghĩa tại địa phương.
Tỉnh Ninh Bình hiện có 42.236 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi, số hộ đạt thu nhập 100 triệu đồng trở lên/năm là 352 hộ. Để góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mới rất cần đến những người nông dân năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm như thế.
Duy Hiền