Đến thăm HTX Gốm Gia Thủy (xã Gia Thủy, Nho Quan), người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là nghệ nhân Đinh Quang Hà. Ông Hà là một trong những người thợ tài hoa và có tuổi nghề lớn nhất hiện vẫn còn đang làm ở HTX Gốm Gia Thủy. Không còn trẻ để xông xáo, sáng tạo mà những sản phẩm của ông Hà dần đi vào nét tinh tế, sâu lắng như thể chứa đựng "tình người" trong mỗi nét vẽ trên sản phẩm. Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm, bời vậy mà tình yêu mà ông Đinh Quang Hà dành cho nghề cũng tự nhiên, gần gũi và gắn bó như thể đó là máu thịt của mình. Làm nghề gốm có nhiều công đoạn, ở mỗi công đoạn, nghệ nhân Quang Hà đều dành thời gian nghiên cứu, học hỏi để có cách làm tốt nhất. Và ông gắn bó nhất với công đoạn chế tác hoa văn trên từng sản phẩm. Nhìn các sản phẩm do ông chế tác, ai cũng thấy gần gũi, thân thương bởi đó là những hình ảnh rất đỗi bình dị đối với bà con thôn quê. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, hàng ngàn sản phẩm gốm có dấu ấn đôi bàn tay của nghệ nhân Hà đi khắp nơi trong và ngoài nước, được khách hàng đặc biệt yêu thích. "Bóng dáng của gốm tràn ngập khắp nơi: từ những dãy dài chum vại, ấm chén đến những hàng rào tường gạch được điểm tô bởi muôn vàn mảnh gốm vụn đủ hình thù, màu sắc. Và mặc cho những chuyến xe lớn nhỏ đến chở hàng đi khắp nơi, không khí trong lò gốm vẫn nhịp nhàng, bình yên. Nó trật tự ngay cả từ cách xắp xếp sản phẩm mới. Cái còn ướt màu đất, cái đã phơi màu bạc phếch, cái đã qua lò khỏe khoắn, phong trần màu cánh gián… Những hình ảnh thân thương ấy đã trở thành tình yêu, máu thịt của tôi"- nghệ nhân Quang Hà nói. Nghệ nhân Hà nói rằng, làm nghề gốm vất vả lắm. Lúc nào cũng lấm lem bùn đất, chứ không được "sang" như nhiều nghề khác. Vậy nhưng, vẫn có nhiều bạn trẻ yêu thích và gắn bó với nghề gốm. Giờ đây, niềm vui lớn nhất của ông là đã trao được niềm đam mê đối với nghề gốm ấy cho nhiều thế hệ học trò.Với những kiến thức đã được học, thế hệ trẻ Gia Thủy hôm nay cũng đang say sưa thổi hồn vào đất. Họ không ngừng sáng tạo và phát triển những tinh hoa của nghề gốm. Nhìn những người thợ trẻ thoăn thoắt vuốt nặn gốm bên bàn xoay, hay miệt mài, tỷ mẩn từng nét vẽ trang trí sản phẩm, chúng tôi hiểu rằng tình yêu tha thiết với gốm đã giúp tâm hồn họ thăng hoa.
Rời làng gốm Gia Thủy, chúng tôi tìm đến làng Mộc Quỳnh Phong, xã Sơn Hà (Nho Quan) để gặp nghệ nhân Vũ Văn Chung. Xưởng mộc của gia đình ông Chung khá rộng. Bước vào xưởng mộc là ngổn ngang những thân gỗ xoan, mít… to bằng một người ôm đã được bật mực, chuẩn bị xẻ làm nhà. Ông Chung dừng tay, phủi vội lớp bụi bám dày vào quần áo để tiếp chúng tôi. Năm nay đã 70 tuổi, nhưng ông Chung vẫn nhanh nhẹn, đôi mắt còn tinh anh. Cái nghề mộc này đã giúp ông ổn định cuộc sống nơi đất khách, và có điều kiện chăm lo cho gia đình một cuộc sống đủ đầy. Với ông Chung, nghề mộc không chỉ là cơm, là áo nữa mà nó là tình yêu, là niềm đam mê mãnh liệt.
Ông Chung tự hào, làm mộc là nghề gia truyền của làng Quỳnh Phong. Cũng có lúc làng nghề thăng trầm, nhưng cha truyền con nối, các thế hệ người dân nơi đây không ngừng nỗ lực gìn giữ nghề truyền thống của làng để rồi có sự khởi sắc như hôm nay. Là xưởng mộc lớn trong làng, lại chuyên làm những mặt hàng tinh xảo nên nhiều thanh niên trong và ngoài xã tìm đến ông Chung để học nghề. Cả 3 người con trai của ông cũng nối nghiệp ông làm nghề mộc và cũng thuộc hàng thợ có tiếng tăm. Có người đến học nghề hay qua những câu chuyện đàm đạo về nghề với bạn bè, ông Chung không hề giấu nghề. Những người đến học nghề đều được ông chỉ bảo, đào tạo chu đáo. Đến nay, ông Chung đã truyền nghề cho 50 con, cháu trong làng. Sau khi vững tay nghề, có người ở lại làm việc cho ông, cũng có người mở xưởng riêng. Với ông Chung, niềm vui không chỉ sau khi hoàn tất một tác phẩm giàu nghệ thuật mà trên tất thảy, đó còn là niềm vui, tự hào khi được góp sức duy trì và phát triển nghề mộc truyền thống. Đặc biệt, tác phẩm cuốn thư của ông Chung đã dự thi và được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh. Bản thân ông Chung được công nhận là nghệ nhân thủ công mỹ nghệ.
Cụ Vũ Thị Kề, xã Gia Trung (huyện Gia Viễn) đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm. Mặc dù con cái đã trưởng thành, chăm lo chu đáo cho cụ cái ăn cái mặc song chẳng lúc nào cụ chịu rời cái nghề đan lát. Cụ bảo, mỗi ngày cụ không được ngửi cái mùi ngai ngái của tre mới, không được tự tay cạp cái thúng tròn vành vạnh ấy là cụ không chịu được. Với cụ, giờ đây nghề đan thúng không chỉ là cơm ăn, áo mặc mà còn là trách nhiệm, là cách để tỏ lòng tri ân với một nghề truyền thống đã giúp bao thế hệ người dân An Thái no lòng.
Vừa thoăn thoắt tay đan, cụ Kề vừa bỏm bẻm nhai trầu rồi kể cho chúng tôi nghe về những khó khăn của làng nghề. Những năm gần đây, sản phẩm từ tre đã bị "lép vế" trên thị trường bởi sự ra đời của hàng loạt những sản phẩm từ nguyên liệu khác tiện lợi, đẹp mắt như nhôm, inox, nhựa…bởi vậy mà các mặt hàng của làng nghề kém phong phú, đa dạng. Đối mặt với nhiều khó khăn, song tình yêu nghề, lòng nhiệt huyết và mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông đã "giữ lửa" cho làng nghề An Thái. Đều đặn mỗi ngày, hàng trăm sản phẩm từ mây, tre chứa đựng tình người của người quê vùng chiêm trũng được đưa ra thị trường. Thời buổi kinh tế thị trường cũng đã mở ra cho người dân An Thái nhiều cơ hội để tìm một việc làm "sang" hơn và với thu nhập cao hơn, song ở An Thái vẫn rất nhiều người chọn nghề đan thúng để làm kế sinh nhai mặc dù nếu làm chăm chỉ, thì tiền công cũng chỉ được 35-40 nghìn/ngày. Tuy không bị thương lái đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng, song người dân An Thái đều tự bảo nhau không thể làm ẩu để giữ uy tín cho sản phẩm mây tre đan An Thái. Bởi thế, mà mối quan hệ mua-bán ấy diễn ra nhẹ nhàng, mang đậm sự tin tưởng tuyệt đối. Tuy không mang lại được sự giàu có cho các hộ làm nghề, song nó cải thiện đáng kể cuộc sống cho người dân nơi đây…
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có hơn 70 làng nghề truyền thống với hàng trăm nghệ nhân cao tuổi. Không chỉ sở hữu đôi bàn tay tài hoa, kho tàng kinh nghiệm quý và tình yêu mãnh liệt đối với nghề, những "lão nghệ nhân" đó vẫn ngày đêm cần mẫn truyền nghề và "lửa nghề" cho thế hệ trẻ. Có lẽ, chính sự giao thoa, kế thừa giữa các thế hệ đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho các làng nghề hôm nay.
Bài, ảnh: Đào Hằng