Nhà người thợ điêu khắc gỗ tài hoa Tống Đức Dục nằm yên bình trong con ngõ nhỏ ở thôn Yên Thủy, xã Yên Quang, huyện Nho Quan. Từ hơn chục năm nay, bất kể là ngày nắng hay ngày mưa, tiếng đục, tiếng gọt vẫn vang lên nhịp nhàng từ ngôi nhà đó. Đức Dục năm nay mới ngoài 30 tuổi, nhưng nhìn anh chững chạc hơn tuổi rất nhiều.
Đức Dục bảo, đối với nghề điêu khắc, không phải tạo ra những sản phẩm đẹp về đường nét, kỹ thuật đã được coi là thành công, mà quan trọng nhất là phải tạo ra thần thái cho những nhân vật mình tạo hình. "yêu thích hoặc đặc biệt chú ý đến đặc tính thú vị của con vật nào thì tôi sẽ làm nổi bật yếu tố đó. Bởi vậy, những con vật mình tạo ra, tôi thấy nó sống động, rất có hồn"- Đức Dục bật mí.
Tròn 20 tuổi, Đức Dục quyết định xin bố mẹ xuôi tàu vào miền Nam để lập thân, lập nghiệp. Trong suốt cuộc hành trình "Nam tiến" ấy, anh bảo vẫn chưa biết mình sẽ học nghề gì, làm việc gì… khi đặt chân đến miền đất mới. "Xuống ga tàu, tôi đi lang thang qua vài con phố, bất chợt nhìn thấy một quán ven đường có treo bán những món đồ chơi được làm từ gỗ rất đẹp. Những con vật nhỏ xinh mà sống động, đầy thần thái. Một thời gian sau, tôi tìm hiểu và quyết định xin vào vừa làm, vừa học việc tại một cơ sở sản xuất hàng gỗ mỹ nghệ"- Tống Đức Dục nói.
Chưa có nền tảng kiến thức về nghề mộc, bởi vậy mà ban đầu việc học của Dục khá khó khăn. Hì hục, "đánh vật" với những bài học đơn giản đầu tiên như cách cầm đục, cầm bào, cầm gọt đến những bài học phức tạp hơn, nhưng càng học, Dục lại càng cảm thấy yêu thích cái nghề điêu khắc ấy. Anh Dục nhớ lại: "Khi tôi đưa sản phẩm đầu tay cho thầy giáo "chấm", người thầy không khỏi ngạc nhiên trước sự tiến bộ của học trò. Thầy bảo, tuy đường nét, kỹ thuật của tôi chưa được điêu luyện, vẫn có chỗ còn vụng về thế nhưng người xem lại cảm nhận được cái hồn, cái thần thái của từng con vật trong từng sản phẩm của tôi". Vậy là Đức Dục lại có thêm nghị lực để chinh phục nghề điêu khắc gỗ. Anh Dục bảo, thực ra, sau khi học khoảng gần 1 năm là người thợ đã có thể tự làm nghề được. Nhưng để trở thành một người thợ điêu khắc giỏi thì đòi hỏi nhiều yếu tố hơn. Đối với nghề chạm khắc gỗ, ngoài đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ, cần cù thì quan trọng nhất là phải có niềm đam mê và có một sự nhạy cảm đặc biệt. Nếu người thợ chăm chỉ một cách "cơ học", nghĩa là lặp đi lặp lại công việc của mình mà thiếu ngọn lửa đam mê thì dù có làm nghề cả đời, người ấy cũng chỉ là một người thợ thạo việc mà thôi.
Tạm biệt người thợ điêu khắc gỗ Tống Đức Dục, mang theo niềm tin vào khát vọng của những người trẻ tuổi, chúng tôi tìm đến thôn Hệ, xã Ninh Vân (huyện Hoa Lư) gặp người thợ đá Đinh Đình Giang. Tiếng ồn đinh tai nhức óc đang phát ra từ hệ thống các máy cắt, mài đá. Tiếng kin kít, rèn rẹt khi các lưỡi cắt chạm vào đá, tóe lửa… Vậy mà với Giang hay mỗi người làm đá ở đây, thì những âm thanh nhức óc này lại là thứ âm thanh vui vẻ, sống động nhất bởi nó báo hiệu làng nghề vẫn còn sống, nghề vẫn nuôi được làng và mỗi người thợ nơi đây.
Đinh Đình Giang sinh năm 1986. Mới gần 30 tuổi, Đình Giang đã trở thành chủ một doanh nghiệp chế tác đá mỹ nghệ có tiếng. Giang cười hiền: Cuộc sống vốn dĩ rất công bằng. Có lẽ, một tuổi thơ nghèo khó đến mức… dữ dội ấy đã khiến tôi trưởng thành sớm hơn. Tôi không có bố, mẹ tôi bị bệnh tim nên đau yếu quanh năm. Ngày tôi học lớp 6, sau cơn đau nặng thì mẹ cũng rời bỏ tôi mà đi. Tôi sống trong sự bao bọc của ông bà ngoại. Học hết lớp 9 thì tôi xin ông bà ngoại cho tôi nghỉ học. Tôi học cũng vào loại khá của lớp, nhưng ông bà ngoại cũng già rồi, cưu mang mình mãi sao được, phải lăn lộn với cuộc sống mà tìm cách đi lên thôi. Vậy là Giang tìm đến nhà nghệ nhân Đào Văn Ưng để xin học nghề chế tác đá mỹ nghệ. "Quê tôi có truyền thống làm nghề đá. Nhìn đôi bàn tay khéo léo của những người thợ khi biến khối đá thô sơ thành những sản phẩm tinh tế, có hồn, tôi rất thích. Năm tôi 15 tuổi, thầy Ưng đồng ý cho tôi bắt đầu học nghề làm đá. Đầu tiên, thầy chỉ bảo cho tôi cách mài dao, đục, nhưng không phải chỉ 1, 2 ngày đâu mà cả tháng đó tôi chỉ làm duy nhất một nhiệm vụ này. Lúc đó tôi rất buồn vì nghĩ rằng thầy đang "làm khó" mình. Sau này, khi đã trở thành một thợ đá lành nghề, tôi mới hiểu, muốn trở thành một người thợ giỏi, thì trước hết phải giỏi mài dao, mài đục đã"- Đình Giang tâm sự.
Nhìn bàn tay Giang đưa nhẹ nhàng, đều đặn trên khối đá trắng toát khiến người xem có cảm giác đá mềm mại như một miếng đậu phụ khổng lồ. Tuy nhiên, để phiến đá vô tri dần toát ra được vẻ đẹp của cuộc sống, mang tâm hồn của con người với những nét uốn lượn đẹp mắt, người tạo tác phải ghì máy bào thật chắc, tì mạnh vào đá cứng, liên tục trong nhiều giờ, nhiều ngày. Bởi thế mà đôi tay người thợ nào cũng sần sùi, thô ráp. Vậy nhưng đôi tay vẫn là công cụ nhạy bén giúp người thợ cảm giác được đá, hiểu được đá. "Sự tỉ mẩn, cẩn thận trong từng mũi khoan, đục chưa đủ. Chỉ bằng cách chú tâm, kiên nhẫn để "lắng nghe" câu chuyện của từng đường vân đá thầm thì cùng với đôi tay mới giúp chúng tôi thăng hoa, sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật có hồn"- Đình Giang nói vậy.
Giang nói rằng, bất cứ ai khi đến với nghề cũng cốt là để mưu sinh. Nhưng nếu muốn thành công trong nghề, trở thành một người thợ thực thụ thì đừng quá nặng về tính toán thiệt-hơn, lời- lỗ mà phải yêu, phải say thậm chí phải điêu đứng với nó thì thành công mới bền lâu. Ngồi nhấm nháp ly trà thơm mà mạn đàm về thành công thì xem ra rất nhẹ nhàng, nhưng nhìn đôi bàn tay thô ráp, chằng chịt những vết sẹo lớn bé thì mới hiểu được thành công ấy đến với các thợ trẻ như Đức Dục, Đình Giang chẳng phải là ngẫu nhiên.
Bài, ảnh: Thu Hằng