Đó là tâm sự của ông Đào Văn Tá, chủ nhiệm HTX thêu ren (xã Gia Thủy, Nho Quan) về những ngày đầu lập nghiệp. Ông là một trong rất nhiều người lính đã thành công trên "mặt trận kinh tế" đang góp phần đem lại thu nhập và việc làm cho lao động địa phương.
Có một điều khá đặc biệt, ngay cả khi làm kinh tế thì "chất lính" của những người cựu chiến binh đó vẫn được thể hiện rõ nét. Với họ, làm kinh tế không đơn thuần chỉ để kiếm tiền mà quan trọng hơn cả là để giúp đồng đội và con em của họ, những người khuyết tật có thể tự nuôi sống bản thân. Từ ý tưởng đặc biệt dẫn đến những cách làm "không giống ai", thậm chí nhiều người còn tỏ ra hoài nghi.
Năm 1993, khi nền kinh tế nông thôn vẫn còn rất khó khăn, nhiều nhà còn phải chạy ăn từng bữa thì ông Tá lại quyết định dồn hết tiền của, bán một số tài sản có giá trị trong gia đình để thuê giáo viên về dạy nghề thêu cho bà con trong thôn. Ngoài việc mượn được địa điểm là hội trường của UBND xã thì mọi kinh phí đào tạo đều do ông chi trả.Với những trường hợp bị khuyết tật không thể tự đến lớp, ông mời giáo viên đến tận nơi để chỉ bảo.
Nhưng rồi bao nhiêu tâm huyết và hy vọng của ông và mọi người bỗng chốc bị "đổ xuống sông, xuống biển" khi nhiều lô hàng liên tiếp bị trả về, thiệt hại hàng triệu đồng. Nguyên nhân chính do bà con chưa ý thức được việc phải cẩn thận trong từng đường kim mũi chỉ để cho ra những sản phẩm tinh xảo.
Mọi việc trở về điểm xuất phát, ông Tá lại tiếp tục vay mượn để đầu tư và vận động bà con cùng tham gia. Lần này, quy trình đạo tào được tổ chức "dài hơi" và định kỳ theo quý để nâng cao tay nghề cho lao động.
Sau hơn 10 năm duy trì và phát triển, HTX đã được công nhận là "làng nghề thêu ren thôn Chùa" với gần 20 lao động khuyết tật đang làm việc và đều là những "tay kim" giỏi với thu nhập 500-600 nghìn đồng/tháng.
Chị Đinh Thị Thơm (thôn Hoàng Long) là một trong những người đầu tiên gắn bó với công việc này cho biết: tôi bị teo chân bẩm sinh, phải đi lại bằng xe lăn nên để kiếm được công việc có thu nhập ổn định là rất khó, từ khi được học nghề thêu tôi đã có thể tự lo mọi chi phí sinh hoạt của bản thân và giúp đỡ gia đình. Cùng với lực lượng lao động là con em cựu chiến binh bị khuyết tật, HTX còn tạo việc làm cho hàng trăm thanh niên, phụ nữ trong lúc nông nhàn trên địa bàn xã Gia Thủy và một số xã lân cận như: Gia Lâm, Gia Sơn…Tuy thu nhập chưa cao (từ 14-20 nghìn đồng/ngày) nhưng đã góp phần cải thiện đời sống cho bà con.
Không dừng lại ở việc đưa nghề về làng, ông Tá đang ấp ủ những dự định nhân rộng mô hình làm hàng thêu cao cấp, nâng cao uy tín và chất lượng của sản phẩm. Với những nỗ lực không ngừng của mình ông đã được ghi nhận là có thành tích xuất sắc trong phong trào xóa đói, giảm nghèo của địa phương trong thời gian qua.
Cũng được mệnh danh là người đưa nghề về làng nhưng ông Nguyễn Văn An (thôn Cầu Vàng, xã Gia Hòa, Gia Viễn) lại tìm cách tận dụng đồng đất quê hương để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản với quy mô lớn, cho giá trị thu nhập cao.
Nuôi ba ba hiện được nhiều nông dân chọn vì cho hiệu quả kinh tế cao.
Chọn những con nuôi đặc sản như: ba ba, nhím… nên yêu cầu vốn đầu tư lên tới hàng trăm triệu đồng và kỹ thuật chăm sóc hoàn toàn mới. Với một người thương binh, số tiền ấy quá lớn để đầu tư cho một dự án lâu dài và mạo hiểm (phải cần tới 2-3 năm mới cho thu hoạch). Vì vậy, ông quyết định đầu tư theo phương thức lấy ngắn nuôi dài.
Bắt đầu từ chính sách dồn điền đổi thửa của nhà nước từ những năm 2002, gia đình ông có được 1,5 mẫu ao dành nuôi cá thứ phẩm như trôi,mè, trắm… cho thu nhập hơn 10 triệu đồng/năm. Sau nhiều năm tích cóp, cộng với số tiền từ việc thế chấp sổ lương, ông tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thả cá, nuôi nhím, ba ba.
Mặc dù đã đi học hỏi kinh nghiệm và kỹ thuật ở nhiều nơi, thậm chí phải vào tận miền Nam nhưng việc đầu tư vẫn không tránh khỏi thất bại. Hơn 40 triệu đồng tiền giống ba ba bị mất trắng sau đợt rét đậm rét hại hồi đầu năm đã làm cả gia đình điêu đứng. Nhưng ông vẫn tự nhủ "vạn sự khởi đầu nan" rồi lại tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư.
Qua tính toán cho thấy, số tiền mua thức ăn hàng tháng cho gần 10.000 con ba ba tiêu tốn khoảng 18 triệu đồng, do đó cần có nguồn thu nhập để duy trì. Việc cần làm đầu tiên là bán đi đàn nhím thu được 150 triệu đồng dành cho mua ô tô tải làm phương tiện vận chuyển. Sau đó ông nuôi ba ba đẻ, nuôi cá chuối để có thu nhập trước mắt. Dự kiến thời gian tới ông sẽ xuất bán 10 tấn ba ba, cho thu lãi khoảng 800 triệu đồng.
Việc ông "dám nghĩ dám làm" như vậy đã gặp phải sự phản đối của nhiều người, kể cả những người thân trong gia đình. Đến giờ khi công việc đang dần đem lại hiệu quả, ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho bà con và những đồng đội của mình. Ông nói: nhiều anh em cựu chiến binh trong tỉnh đã đến để tham quan, học hỏi mô hình sản xuất này nhưng điều mà tôi muốn chia sẻ đầu tiên chính là quyết tâm và tinh thần không ngại khó, ngại khổ.
Phát huy phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ trong thời bình, nhiều cựu chiến binh đang vươn lên làm kinh tế, đóng góp thiết thực cho công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Duy Hiền