Trong tâm trí của bác Phùng Gia Mỹ (xã Gia Trung - Gia Viễn), nguyên cán bộ Đài Truyền thanh huyện Gia Viễn, năm nay đã gần 80 tuổi, những ngày tham gia công tác tuyên truyền đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống cách đây 35 năm vẫn như mới đây. Bác Mỹ nhớ rất rõ ngay sau ngày nước nhà thống nhất, năm 1975 bác được giao nhiệm vụ về Đài Truyền thanh huyện làm nhiệm vụ của một biên tập viên. Nói là biên tập viên nhưng vì biên chế của Đài huyện không nhiều nên bác Mỹ vừa thực hiện công việc của một phóng viên, về tự biên tập nội dung để làm sao đủ thời lượng phát sóng cho một chương trình thời sự, tin tức khoảng 15 phút. Ngày đó, hệ thống truyền thanh thiếu thốn trăm bề, chỉ có 1 hệ thống đường dây dẫn khoảng 40 km phát cho 26 xã, thị trấn (gồm cả 5 xã thuộc huyện Nho Quan ngày nay). Để hệ thống dây dẫn hoạt động hiệu quả, Đài Truyền thanh huyện thành lập 1 tổ đường dây có nhiệm vụ hàng ngày đi bộ hoặc xe đạp theo tuyến đường dây đến các xã để kiểm tra, xử lý kịp thời các sự cố. Do hệ thống đường dây cũ nên chỉ có những ngày nắng, thời tiết đẹp, việc phát thông tin mới liên tục, thường xuyên. Vào những ngày lũ lụt, hệ thống đường dây dẫn hỏng, bị chập, có khi phải gián đoạn việc truyền thông tin đến vài ngày. Do thời kỳ đó chỉ có duy nhất một "kênh" thông tin từ Đài Truyền thanh nên cả huyện Gia Viễn có 150.000 loa kim gia đình, vài trăm loa công cộng ở các thôn, xóm nên việc tiếp nhận thông tin ở mỗi gia đình khá thuận lợi. Mỗi dịp về các xã, thấy người dân tập trung nghe thông tin từ loa công cộng, những người làm công tác tuyên truyền như bác Mỹ lại thấy vui vì đã góp phần tích cực đưa các chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách kịp thời, thường xuyên.
Múa rồng chào mừng Đại hội TDTT huyện Gia Viễn. Ảnh: Phạm Trường
Tham gia làm công tác văn hóa - thông tin cùng thời với bác Phùng Gia Mỹ, bác Tạ Mạnh Trí (xã Khánh Thủy - Yên Khánh), nguyên cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Khánh năm nay cũng đã 75 tuổi. Đối với bác Trí, những ngày công tác ở ngành Văn hóa - Thông tin là khoảng thời gian vui và đáng nhớ. Công tác thông tin cổ động những ngày đất nước còn trong thời kỳ bao cấp đầy khó khăn, thiếu thốn nhưng cũng là điều kiện giúp cho mỗi cán bộ văn hóa - thông tin có những sáng tạo để làm cho công tác thông tin, cổ động phong phú, đa dạng, hiệu quả. Không có những bộ phim và máy quay như bây giờ, việc tuyên truyền bằng hình ảnh được thực hiện khá thô sơ: vẽ các bức tranh theo từng nội dung rồi sử dụng đèn chiếu, hình đến đâu thì thuyết minh đến đấy. Do là những hình ảnh tĩnh nên đòi hỏi người cán bộ thông tin phải viết lời thuyết minh sao cho rõ ràng, dễ hiểu. Hình thức tuyên truyền tuy thô sơ và đơn giản là vậy nhưng mỗi khi về các xã trong huyện, bà con kéo đến xem rất đông. Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao diễn ra rất sôi nổi. Nhiều chiếu chèo, các đội văn nghệ... ở các thôn, xóm được thành lập và duy trì hiệu quả cho tới ngày nay.
So sánh với hoạt động văn hóa - thông tin những năm gần đây, bác Mỹ, bác Trí đều nhận thấy bây giờ công tác văn hóa, thông tin vừa phong phú, đa dạng về loại hình, thông tin lại nhanh nhạy, kịp thời, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân. Bên cạnh đó, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng có bước phát triển mạnh mẽ với sự hình thành nhiều câu lạc bộ phù hợp với từng đối tượng, độ tuổi, đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân.
Cùng với sự đổi mới, đi lên của đất nước, sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, công tác văn hóa - thông tin luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Hệ thống các thiết chế văn hóa thông tin như: Nhà văn hóa, thư viện, phòng truyền thống, điểm bưu điện văn hóa xã... có mặt ở hầu khắp các xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đặc biệt, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai sôi nổi ở các miền quê trong tỉnh góp phần khơi dậy bản sắc văn hóa của quê hương, dân tộc, gắn kết các tầng lớp nhân dân cùng thi đua lao động sản xuất, học tập xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh.
Bùi Diệu