"Mùa hè đỏ lửa"
Đó là sự ví von, thể hiện nỗi kinh hoàng của Sư đoàn 5 bộ binh chính quyền Sài Gòn vào đầu mùa hè năm 1975. Cái nắng chói chang trên vùng đất đỏ Bazan dường như càng làm cho không khí chiến trường Tây Bắc cửa ngõ Sài Gòn nóng bỏng, ngột ngạt. Với nhiệm vụ bảo vệ an ninh tuyệt đối một vùng rộng lớn giáp ranh biên giới Campuchia, bao gồm các tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long, Sư đoàn 5 là đơn vị trọng yếu của địch. Nhưng trong thời điểm này, đi đến đâu cũng bắt gặp quang cảnh khói bom mù mịt, lửa cháy rợp trời, gieo rắc vào tâm lý ngụy quân sự hoảng loạn tột cùng, buộc Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ, Sư trưởng Sư đoàn 5 bộ binh ngụy ngày 30-4-1975 phải tự sát tại Sở chỉ huy. Những người sống sót sau cuộc chiến phía chính quyền Sài Gòn phải thừa nhận thời điểm này là "Mùa hè đỏ lửa"...
Một trong số những người đã tạo ra nỗi kinh hoàng ấy cho phía địch là chiến sỹ Đặng Khắc Thịnh, hiện là Chủ tịch Hội CCB thành phố Tam Điệp.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Tháng 8-1969, sau khi tốt nghiệp phổ thông, mặc dù có giấy báo vào đại học, nhưng anh Đặng Khắc Thịnh, quê ở xã Gia Tân, huyện Gia Viễn vẫn làm đơn lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện tại Sư đoàn 320B, tháng 12-1969 anh Đặng Khắc Thịnh được bổ sung vào Tiểu đoàn 19, Sư đoàn 312, Quân đoàn I và tham gia một số trận đánh ở cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng (Lào); tham gia Chiến dịch 319, Chiến dịch Z ở Thượng Lào, Quảng Trị và Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975...
Đầu tháng 4-1975, Trung đoàn 312 được lệnh hành quân thần tốc xuyên Đông Dương, qua nước bạn Lào rồi quay về tập kết tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Dương. Hàng ngàn chiếc xe Zin 100 chở quân và vũ khí các loại, mỗi xe cách nhau từ 20-30m, có 2 người lái, chạy 18-20 giờ/ngày. Ngày 29-4-1975, Trung đoàn được lệnh phối hợp cùng Trung đoàn 141 truy kích địch từ Cầu Bàng đến Lai Khê, Bến Cát. Đến 5 giờ chiều, quân địch vội vã rút chạy về Bình Dương.
Đến đêm, trên Quốc lộ 14, hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, xe Zin 100 của ta không cần giữ bí mật, tất cả đèn bật sáng, tạo thành một vệt sáng dài. Trưa ngày 30-4-1975, mặc dù đã biết Tổng thống Dương Văn Minh và toàn bộ nội các của chính quyền Sài Sòn tuyên bố đầu hàng nhưng quân địch ở đây vẫn rất ngoan cố, tìm mọi cách để cố thủ đến cùng. Ngoài một số lính Ngụy cởi áo, quăng súng tháo chạy, một số vẫn cố tình tự thủ, chiếm giữ các điểm trọng yếu. Cuộc chiến diễn ra vẫn rất ác liệt, thương vong cho cả hai bên rất lớn.
Chiều ngày 1-5-1975, trước sự tấn công dồn dập từ nhiều phía của quân ta, quân địch buộc phải gọi cứu viện Bộ Tư lệnh quân đoàn và Sư đoàn 25 bộ binh tại Củ Chi, nhưng không ai trả lời vì đã đầu hàng quân ta từ sáng ngày 29-4. Đến chiều ngày 1-5-1975, Bình Dương thất thủ, Sư đoàn 5 bộ binh - đơn vị trọng yếu của địch đã bị xóa sổ, phải chịu tổn thất nhiều nhất so với các sư đoàn khác của địch...
Sau trận đánh tại Bình Dương, anh Đặng Khắc Thịnh trở về quê hương. Nhưng những ký ức về việc tận mắt tham gia và chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ Sài Gòn, ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối vẫn luôn cháy bỏng trong trái tim người chiến sỹ năm xưa.
"Thần tốc, thần tốc - táo bạo, táo bạo"
Đó là khẩu hiệu hành động xuyên suốt Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của Quân đội ta nói chung và Trung đoàn 18, E18-F325B, Quân đoàn 2 nói riêng ở thời điểm cách đây 41 năm. Trong đó, Trung đội trưởng, thượng sỹ Đoàn Minh Nho, thương binh bậc 4/4, nhiễm chất độc da cam 61% là một trong những chiến sỹ đã có vinh dự thực hiện nhiệm vụ đó và đã hoàn thành xuất sắc, góp phần tạo nên đại thắng mùa xuân năm 1975…
… Khi đang còn học cấp 3, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh Đoàn Minh Nho ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng (Hoa Lư) làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Mặc dù đã gần 18 tuổi, nhưng chỉ cân nặng 38 kg. Sau nhiều lần khám tuyển không đạt, anh quyết định bỏ thêm vật nặng vào túi để đạt sức khỏe B1, đủ tiêu chuẩn lên đường ra trận. Tháng 8-1971, anh được điều động vào Trung đoàn 18, E18-F325B, Quân đoàn 2.
Hơn 3 năm vừa huấn luyện, vừa chiến đấu, đầu năm 1975, Trung đoàn 18 phối hợp với quân chủ lực tham gia giải phóng và chốt giữ Thành cổ Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm. Đầu tháng 3-1975, đơn vị được lệnh ngăn không cho quân địch mở đường máu rút quân từ Huế chạy vào Đà Nẵng, sau đó truy kích quân địch tới đèo Hải Vân, chuẩn bị cho trận đánh giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Cuối tháng 3-1975, Trung đoàn 18 phối hợp với các đơn vị pháo binh và bộ binh được lệnh tấn công Đà Nẵng. Từ đèo Hải Vân nhìn xuống, Đà Nẵng mù mịt trong khói bom. Thực hiện nhiệm vụ: "Thần tốc, thần tốc - táo bạo, táo bạo", Trung đoàn 18 xin ý kiến và được phép sử dụng xe GMC thu được của địch để tiến vào Đà Nẵng. Mỗi xe GMC có thể chở được 20 chiến sỹ với đầy đủ trang bị kỹ thuật, khí tài và nhiều vũ khí hạng nặng. Vì chưa quen sử dụng, nên lúc đầu quân ta phải bắt lái xe của địch chở đi, vừa đi, vừa hướng dẫn quân ta cách sử dụng xe GMC. Do đó, quân ta có thể di chuyển nhanh, chớp nhoáng, làm cho quân địch bất ngờ, bối rối và không dám kháng cự. Chẳng mấy chốc Đà Nẵng thất thủ. Được lệnh thừa thắng xông lên, 4 giờ sáng ngày 28-3, Trung đoàn 18 tiếp tục tấn công giải phóng bán đảo Sơn Trà.
Từ Đà Nẵng, với khí thế tiến công, ngày 8-4 Trung đoàn 18 cũng trên những chiếc xe GMC tiếp tục được lệnh tấn công Quảng Nam, ngày 9-4 đánh chiếm Quảng Ngãi, ngày 10-4 chiếm Quảng Tín, ngày 11 đến 13-4 Trung đoàn tiếp tục tấn công giải phóng Tuy Hòa, Nha Trang và Cam Ranh. Quân địch rút chạy bằng xe cơ giới và xe bọc thép, quân ta truy đuổi bằng xe tăng, xe Zin và xe GMC.
Sau khi giải phóng Cam Ranh, Trung đoàn 18 được lệnh hành quân về Tây Ninh, tập kết tại địa điểm rừng cao su Long Thành. Đêm 28-4, đơn vị được lệnh tấn công Phước Thiềng. Do có sự phối hợp của bộ binh K8, K9, nên ngay đêm hôm đó, quân ta chủ động đánh chiếm Long Thành. Rạng sáng ngày 29-4 Long Thành được giải phóng, quân ta tiếp tục truy kích địch tới ngã ba Tam Hiệp.
5 giờ sáng ngày 30-4-1975, Trung đoàn 18 được lệnh theo xa lộ Biên Hòa - Sài Gòn tiến vào thành phố và tấn công khu Trù Mật (nay gọi là Dinh Độc Lập). Từ ngã ba Tam Hiệp tới cầu Sài Gòn là không khí hỗn loạn, tắc nghẽn. Hai bên xa lộ, xác lính ngụy chất đống như rạ; xe cơ giới, xe bọc thép bị thiêu rụi nằm lỏng chỏng hai bên đường. Các loại súng ống, quân trang, khí tài của địch ngổn ngang trên đường.
Thi thoảng lại bắt gặp vài tên lính ngụy quăng súng, cởi hết quần áo, chỉ mặc độc mỗi chiếc quần xà lỏn, hai tay giơ lên đầu hàng quân Giải phóng. Từ cầu Sài Gòn đi vào thành phố là quang cảnh tắc nghẽn vì dòng người và xe cơ giới, quân ta phải nhích lên từng bước một. Khi hỏi về khu Trù Mật ở đâu thì hầu như người dân đều không biết. Do bị phong tỏa trong khu vực giới nghiêm, bán kính 4km nên người dân ở đây ít biết về địa danh này, phải loay hoay mãi mới tìm ra.
Khi còn cách khu Trù Mật 3 dãy nhà, từ trên tầng 2 của Đại sứ quán Pháp, một tốp cảnh sát áo trắng dùng tiểu liên AR15 bất ngờ bắn xối xả vào quân ta. Hai chiến sỹ Trung đoàn 18 hy sinh tại chỗ, 4 đồng chí bị thương nặng. Ngay lập tức, quân ta triển khai đội hình chiến đấu. Sau khi bắn 2 phát B40 vào cửa sổ tầng 2 và 1 viên đạn khói ĐKZ, anh em phá cửa sắt xông lên, tiến vào truy kích thì quân địch đã rút chạy, bỏ lại 3 xác chết cháy thui. Nhìn đồng hồ, lúc đó gần 11 giờ trưa ngày 30-4-1975.
Tiếp tục lên xe GMC tiến vào khu Trù Mật. Khi tới cổng chính đã thấy xe tăng quân ta tiến vào từ trước. Nhìn lên tầng 2, thấy một chiến sỹ đang giương cao lá cờ giải phóng. Cùng lúc đó, trên Đài Phát thanh vang lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh. Cả Trung đoàn 18 ai cũng nhảy ra khỏi xe, ôm chầm lấy nhau, vỡ òa vì niềm vui chiến thắng...
Xuân Tứ