Những kỷ niệm khó phai
CCB Đỗ Ngọc Ánh năm nay vừa tròn 80 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Hàng ngày, ông vẫn dậy sớm tập thể dục, nghe đài, đọc báo, cập nhật tin tức thời sự. Mọi sinh hoạt của ông từ ăn, nghỉ đến giải trí… đều có lịch cụ thể và khoa học. Ngôi nhà của vợ chồng ông khang trang, sạch đẹp và ngăn nắp. Ông bảo, tất cả những thói quen ấy tôi đều được rèn luyện trong quân ngũ và cũng lan tỏa thành nếp sống của tất cả các thành viên trong gia đình.
Từng tham gia biết bao nhiêu trận đánh lớn, sống dưới làn mưa bom bão đạn, những kỷ niệm sinh - tử với đồng đội dường như chưa một lần phai nhòa trong ký ức CCB Đỗ Ngọc ánh. Ông tâm sự: Đối với tôi, tất cả các trận đánh đều đáng nhớ, nhưng để lại nhiều kỷ niệm nhất là trận đánh làng Vây (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) trong đợt 1 của chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (20-1 đến 15-7-1968). Đây là trận tiến công mà đơn vị của tôi (Trung đoàn 24, Sư đoàn 304) là lực lượng chủ công. Sở dĩ làng Vây được coi là cứ điểm quan trọng, then chốt vì nó là một trong những trọng điểm phòng thủ của địch ở Đường 9 - Khe Sanh. Để bảo vệ cứ điểm, địch cho xây dựng hệ thống công sự, hầm ngầm kiên cố và cử 4 đại đội biệt kích, thám báo Quân đội Sài Gòn đóng giữ. Đánh chiếm được cứ điểm này, quân ta sẽ giành thế chủ động trên chiến trường. Với tính chất quan trọng như vậy, quân ta đã chủ động xây dựng kế hoạch hiệp đồng tác chiến. Theo đó, Trung đoàn 24 có nhiệm vụ phối hợp với Tiểu đoàn bộ binh 2 (Trung đoàn 101, Sư đoàn 325), Tiểu đoàn pháo binh 2 (Trung đoàn 675) tấn công cứ điểm làng Vây. Sau nhiều lần trinh sát, đêm ngày 6-2 quân ta quyết định tấn công cứ điểm. Quân ta đã dùng pháo binh chế áp, kết hợp bộ binh, đặc công, xe tăng đột phá cứ điểm từ 3 hướng (Tây Bắc, Đông Bắc và hướng Nam). Đến đêm ngày 7-2, ta chiếm được khu trung tâm, rồi đánh chiếm các khu vực, tiến hành truy quét, gọi quân địch lẩn trốn trong các hầm ngầm ra đầu hàng. 10 giờ cùng ngày, ta làm chủ cứ điểm, thu toàn bộ vũ khí, trang bị, giải phóng khu vực đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt-Lào, tạo thế vây hãm Tà Cơn và đánh địch phản kích. Trận làng Vây là trận then chốt của chiến dịch Đường 9- Khe Sanh trong đợt 1. Đây là lần đầu tiên quân ta sử dụng xe tăng tiến công, đánh dấu bước phát triển mới về tác chiến hiệp đồng binh chủng của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ…
Kể đến đây, nụ cười chiến thắng của ông ánh chợt tắt, giọng ông chậm rãi: "Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng trận đánh làng Vây mãi như vết thương không thể liền da, chỉ cần chạm đến là tôi cảm thấy tim mình như thắt lại. Bởi trong trận đánh này địch chống trả quyết liệt, Đại đội trưởng của chúng tôi hy sinh, còn chính trị viên thì bị thương nặng, nhiều đồng chí khác cũng đã hy sinh…".
Sau trận đánh làng Vây, ông Đỗ Ngọc Ánh được cấp trên phong hàm từ chuẩn úy lên cán bộ Đại đội và được cử giữ chức Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24. Cũng từ đây, đơn vị của ông đều được cử tham gia nhiều trận đánh lớn như: chiến dịch mùa hè Quảng Trị (năm 1970, 1972); chiến dịch Nam Lào; chiến dịch Hồ Chí Minh… Nhớ lại những năm kháng chiến chống Mỹ, CCB Đỗ Ngọc ánh cho biết: Tất cả các trận đánh, trận nào cũng gay go, vô cùng ác liệt, máu, mồ hôi của biết bao chiến sỹ đã đổ xuống, nhưng với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm, mưu trí, sáng tạo và lòng dũng cảm, tinh thần đoàn kết một lòng, quân ta đã giành chiến thắng. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông (Tiểu đoàn 28- Sư 304) được giao nhiệm vụ huấn luyện cán bộ, đi theo đội hình của Quân đoàn 2 để bổ sung lực lượng cho chiến trường và do vậy ông không trực tiếp cầm súng chiến đấu. Nhưng ngày 30-4-1975, ngày non sông thu về một mối vẫn là những kỷ niệm khó phai. CCB Đỗ Ngọc ánh hồi tưởng: Ngày hôm đó, khi đặt chân đến Sài Gòn ai ai cũng cảm nhận được niềm vui chiến thắng, đồng bào vẫy cờ, hoa chào đón bộ đội, người người dành cho nhau những cái ôm hôn, bắt tay thân thiện, đầm ấm. Hạnh phúc của ngày giải phóng thật khó nói hết bằng lời…
Đường đến Dinh Độc Lập
"Thế là mới được 4 tuổi quân… Nhớ lại ngày đó khi tôi còn đang ngồi học trong mái trường sơ tán, Mỹ ném bom miền Bắc ác liệt, nghe tiếng gầm thét của máy bay, rồi những tiếng bom nổ rền mà trong tim tôi đau nhói, căm hờn giặc Mỹ. Chưa đủ tuổi, tôi tình nguyện nhập ngũ nhưng khám tuyển đến đợt thứ 2 vẫn không đủ sức khỏe vì lúc đó chỉ có 38 kg. Tôi liều buộc thêm cục chì vào người để đủ tiêu chuẩn. Và rồi, một hôm đang ngồi học bỗng tôi nghe tiếng gọi: cậu Nho đâu, về đi bộ đội… Ngày đó vẫn chưa xa nhưng nay tôi và đồng đội của mình đã ở rất gần với chiến thắng, với ngày non sông đoàn tụ..."
Đó là những dòng nhật ký của một người lính đã từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, từng được chứng kiến phút giây lịch sử của dân tộc khi Nam Bắc thống nhất một nhà. Ông là Đoàn Minh Nho, hiện đang sinh sống ở thôn Hành Cung, xã Ninh Thắng (Hoa Lư). Mỗi khoảng lặng, trước mỗi trận đánh lớn, ông thường dành thời gian để ghi nhật ký. Lần này là trước khi tiến quân vào Sài Gòn năm 1975, cũng là thời điểm tròn 4 năm từ ngày ông tình nguyện nhập ngũ. Chúng tôi xin phép ghi chép lại một phần trong những trang nhật ký viết vội kể về hành trình, về con đường tiến vào Dinh Độc Lập của người lính ấy, xen lẫn là những lời kể, những hồi tưởng của ông sau 40 năm. Ông kể: Ngày tôi nhập ngũ là cuối năm 1971, ở đơn vị F325B-Quân đoàn 2, được nhận nhiệm vụ tại trung đội truyền đạt chuyên lo chạy chuyển công văn, mệnh lệnh thông tin liên lạc từ trung đoàn xuống các tiểu đoàn và đại đội trực thuộc. Những trận chiến ác liệt suốt từ Quảng Trị vào Huế, Đà Nẵng khiến chúng tôi ít có thời gian cầm bút vì thế gọi là nhật ký nhưng những trang viết này mới chỉ lột tả được phần nào những gì chúng tôi đã trải qua.
"… Ngày 28-3-1975 cả Trung đoàn 18-F325 đã chốt giữ Đà Nẵng cùng bán đảo Sơn Trà và tạm dừng chân tại đây để học tập chính trị, quán triệt mệnh lệnh chiến đấu của sư đoàn, quân đoàn và Bộ Chính trị mở Chiến dịch Hồ Chí Minh. Mệnh lệnh khẩu hiệu hành động "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa" có ý nghĩa thôi thúc mạnh mẽ mỗi chiến sỹ.
Trước đó, trong chặng đường hành quân qua đèo Hải Vân, cả Trung đoàn 18 của F325 đã gặp khá nhiều những chiếc xe GMC của ngụy quân khi họ bại trận từ Huế chạy vô. Và rồi lại trên chính những chiếc xe ấy do những người lái xe phía bên kia đã tình nguyện chở quân giải phóng. Chúng tôi tiếp tục tiến về Sài Gòn. Chiến tranh là vậy đó, những người lính lái xe cho quân ngụy, họ cũng là người Việt Nam nhưng bị bắt làm lính đánh thuê cho Mỹ, khi chính quyền bù nhìn ngụy quân sụp đổ, họ quay về với chính nghĩa, về với non sông đất nước mà chưa cần tới một giờ học tập cải tạo nào cả.
Trong những ngày tiếp theo, các tỉnh khác liên tiếp được giải phóng. Mỗi tỉnh chúng tôi chỉ dừng chân nấu cơm và chuẩn bị lương khô. Giải phóng đến đâu nhân dân đổ ra chào đón quân giải phóng đến đấy. Khắp mọi nơi cờ xanh đỏ rợp trời, các má, các o mang dừa, hoa quả chất đầy xe chào đón các chiến sỹ giải phóng. Tiếp tục hành quân, những chiến sỹ truyền đạt chúng tôi vượt qua mưa bom, pháo kích của địch, luồn lách dưới tán lá rừng cao su mang công văn hỏa tốc, mệnh lệnh chiến đấu xuống các tiểu đoàn. Cả trung đội truyền đạt bị thương và hy sinh mất 4 đồng chí, còn lại có 7 người. Chúng tôi tiếp tục chiến đấu cùng các đồng đội trong Trung đoàn 18F325-là mũi chính truy kích địch theo hướng xa lộ Biên Hòa-Sài Gòn, đây là cửa ngõ của Sài Gòn nên cuộc chiến thật khốc liệt. Lúc đó là 5h sáng ngày 30-4-1975 địch rút chạy đổ dồn về Sài Gòn. Lính ngụy, xe tăng, xe bọc thép, các loại xe tắc nghẽn từ ngã ba Tam Hiệp. Với khí thế ào ào như vũ bão, các cánh quân giải phóng, xe nối xe thẳng tiến vào thành phố, đến cầu Sài Gòn ngụy quân đã dùng bao cát đắp thành lô cốt dày đặc cản bước tiến bằng cơ giới của ta. Nhưng những xe tăng T54 đã húc tung mở đường cho các xe chở quân vượt qua cầu tiến vào thành phố. Xe tìm hướng đến Dinh Độc Lập, lúc đó được quân ngụy gọi là khu trù mật, bị giới nghiêm phong tỏa 4km nên ngay cả những lái xe của quân ngụy cũng không biết đường…".
Ngừng giở trang nhật ký, ông Nho nghẹn ngào: như tôi vừa nói, trong các trận chiến không phải khi nào chúng tôi cũng có thể ghi chép lại tất cả, nhất là những cảm xúc khi đồng đội vừa ngã xuống. Nhưng đó lại là những sự ám ảnh không nguôi… chỉ trong gang tấc là đến giờ giải phóng hoàn toàn miền Nam mà đồng đội của tôi vẫn phải hy sinh. Đó là trận chiến đấu với bọn cảnh sát áo trắng ngụy khi chúng tôi gần sát Dinh Độc Lập. Lúc ấy trên xe có 25 người, bị bọn cảnh sát áo trắng từ trên lầu 2 bắn xuống mặt đường, bắn vào xe mấy loạt tiểu liên. Xe dừng lại, tất cả nhảy xuống triển khai tác chiến. Cuộc chiến đấu diễn ra chừng 20 phút nhưng 2 đồng chí hy sinh tại chỗ, 4 đồng chí bị thương. Chúng tôi vẫn phải tiếp tục cầm chắc tay súng…
"… Khi chúng tôi dùng B40 bắn vào khóa cổng sắt tung ra, tiến vào truy kích thì bọn địch rút chạy, lúc đó là 11h trưa ngày 30-4-1975. Khi chúng tôi tới cổng Dinh Độc Lập thì cờ giải phóng đã tung bay trước tiền sảnh của Dinh và nghe lời tuyên bố đầu hàng của Dương Văn Minh. Vậy là miền Nam đã được giải phóng, đất nước được hòa bình độc lập, nỗi vui sướng không gì tả nổi.
Trên bầu trời Sài Gòn lúc đó còn hàng mấy chục chiếc máy bay trực thăng của ngụy đang lượn tìm đường chạy. 5h chiều ngày 30-4-1975 bầu trời Sài Gòn đã được trả lại sự yên tĩnh, bình yên. Đơn vị chúng tôi tập kết về chợ xóm Chiếu, quận 4, dừng chân tiếp quản. Đêm Sài Gòn đầu tiên hòa bình, im tiếng súng nổ, điện vẫn sáng. Các má, các chị, các o, các em nhỏ ríu rít vây quanh quân giải phóng, mừng mừng tủi tủi những giọt nước mắt sung sướng, họ ôm chầm lấy chúng tôi như gặp những người con đi xa mới trở về…"
Đó là hành trình đến Dinh Độc Lập, đến ngày chiến thắng qua trải nghiệm của một người lính với những niềm vui vỡ òa, có cả sự ngậm ngùi đã giúp những người trẻ như chúng tôi hiểu rõ hơn về tháng ngày chiến đấu, hy sinh gian khổ của cha anh, về ý nghĩa lớn lao của chiến thắng hôm nay.
Duy Hiền (ghi)
Tự hào vì được tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975
"Tôi là lớp chiến sỹ nhập ngũ vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và được biên chế vào Sư đoàn 316 từ ngày đầu mới nhập ngũ.
Sư đoàn 316 sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở mặt trận Thượng Lào, tháng 12-1973 Sư đoàn được lệnh hành quân về nước đứng chân ở một số huyện thuộc tỉnh Nghệ An. Sau hơn 1 năm được bổ sung quân số và huấn luyện theo hình thức tác chiến mới, ngày 17-1-1975, Sư đoàn nhận lệnh hành quân vào miền Nam nhận nhiệm vụ mới. Cuộc hành quân bằng cơ giới, sau hơn 10 ngày, Sư đoàn đã đến địa điểm tập kết tại Đắc Đam (thuộc tỉnh Đắc Lắc). Tại đây, Sư đoàn được Bộ Tư lệnh chiến dịch giao nhiệm vụ đánh chiếm thị xã Buôn Mê Thuột. Đây là trận đánh then chốt, mở màn của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975. Lúc đó tôi là Trung đội trưởng, sau đó tôi được điều lên làm trợ lý thanh niên của Trung đoàn bộ binh 149.
Ngày 10-3-1975, Sư đoàn 316 cùng với Trung đoàn 198 đặc công và một số đơn vị của Sư đoàn 10 đồng loạt mở 5 mũi tiến công vào thị xã Buôn Mê Thuột. Sau hơn 1 ngày chiến đấu quyết liệt, đến trưa ngày 11-3 ta đã cơ bản giải phóng được thị xã.
Trong nhiệm vụ đánh chiếm vào thị xã Buôn Mê Thuột, Trung đoàn 149 chúng tôi sử dụng Tiểu đoàn 7, Tiểu đoàn 8 tiến công từ hướng nam đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy, sau đó phát triển đánh chiếm Nha cảnh sát và khu kho Mai Hắc Đế. Riêng Tiểu đoàn 9 là hướng mà tôi được phân công đi cùng có nhiệm vụ luồn sâu cùng với lực lượng của Trung đoàn 198 đặc công tiến vào đánh chiếm chi khu quân sự quận lỵ Hòa Bình, sân bay Hòa Bình và căn cứ Trung đoàn 53 Ngụy.
Bước sang ngày 11-3, sau nhiều lần tổ chức tiến công, các mũi của Trung đoàn và Sư đoàn đã đánh chiếm được khu trung tâm Sư đoàn 23 Ngụy vào lúc 10h30. Trước đó, theo nhiệm vụ được phân công trước khi vào trận đánh, ở hướng Tiểu đoàn 7, đồng chí Bùi Văn Vui, Tiểu đội phó được giao nhiệm vụ cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy, nhưng đồng chí Vui đã hy sinh. Lúc này, đồng chí Trần Công Kỳ là Trung đội trưởng của trung đội đồng chí Vui đã tìm được lá cờ của ta và giao cho 3 chiến sỹ tiếp tục cắm lá cờ chiến thắng đó lên nóc Sở chỉ huy Sư đoàn 23 Ngụy. Như vậy, sau hơn 2 ngày liên tục chiến đấu, thị xã Buôn Mê Thuột đã được giải phóng.
Trong lúc này, ở hướng sân bay Hòa Bình, Tiểu đoàn 9 và lực lượng của Trung đoàn 198 đặc công vẫn kiên cường bám giữ sân bay và vây ép địch ở căn cứ Trung đoàn 53 Ngụy. Bước sang ngày 14-3, sau khi thị xã Buôn Mê Thuột được giải phóng, cả Trung đoàn tập trung đánh vào Trung đoàn 53 địch - đây là trung đoàn cơ động mạnh đang bảo vệ sân bay Hòa Bình. Đến 8h sáng ngày 17-3, ta mở đợt tiến công cuối cùng đánh chiếm Sở chỉ huy Trung đoàn 53 và làm chủ được căn cứ này. Trận đánh kết thúc sau gần 8 ngày đêm chiến đấu ác liệt của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 149 và Trung đoàn 66, là hướng mà tôi vinh dự được tham gia.
Buôn Mê Thuột là một mục tiêu hiểm và yếu của địch, vì vậy chiến thắng Buôn Mê Thuột đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử, một thời cơ mới để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Ngày 26-3, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Quân đoàn 3 gồm các Sư đoàn 316, 320 và Sư đoàn 10. Ngày 20-4, Sư đoàn 316 chính thức nhận nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, với nhiệm vụ ngăn chặn không cho quân địch rút chạy từ hướng Tây Ninh về Đồng Dù để co cụm cố thủ Sài Gòn. Trong nhiệm vụ chung đó, Trung đoàn 149 chúng tôi có nhiệm vụ đánh chiếm và chốt chặn quân địch ở quận lỵ Trảng Bàng. Đêm ngày 27-4, Trung đoàn hành quân chiếm lĩnh vị trí xuất phát tiến công. Trận chiến đấu của Trung đoàn khá thuận lợi và mau lẹ. Đến 15h ngày 29-4 ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu quân sự quận lỵ Trảng Bàng, đồng thời tiếp tục đánh tàn quân địch và chốt chặn tại đây.
Cho đến trưa ngày 30-4, sau hơn 2h đồng hồ anh em chúng tôi mới nhận được tin Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vì lúc đó chúng tôi không có đài để nghe. Nghe tin đó tất cả anh em như không tin vào tai, mắt mình, ai cũng mừng vui, tuôn trào nước mắt.
Mỹ Hạnh
(Ghi theo lời kể của CCB Mai Tuấn Sinh)
Niềm vui ngày giải phóng
Sau khi thị xã Phước Long được giải phóng (6-1-1975) thì cục diện chiến trường miền Nam hoàn toàn thay đổi, địch luôn ở thế yếu, thế đối phó, ta luôn bừng bừng một khí thế tiến công, khí thế chiến thắng. Niềm tin "Ta nhất định thắng, địch nhất định thua" đã như nắm chắc. Sau đó ta tiếp tục đánh lên Tây Nguyên, giải phóng Buôn Ma Thuột... Rồi chiến dịch Hồ Chí Minh được mở thì tin chiến thắng cứ sôi động từng giờ, từng phút.
Đơn vị chúng tôi - Quân y viện K-50, một đơn vị nhiều năm là lá cờ đầu của ngành Quân y miền Đông Nam bộ (QK 7), vừa qua một đợt phục vụ lớn (chiến dịch giải phóng thị xã Phước Long). Người nào, người nấy còn vô cùng mệt nhọc, nhưng vẫn mong mỏi từng phút được xuống đường. Vậy mà mãi đến trưa ngày 29-4-1975 mới được lệnh về Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đơn vị được một đoàn xe về chở. Mọi người khẩn trương xuống đường. Đoàn xe tiến theo đường Lệ Xuân.
Đến chiều đơn vị đến một cánh rừng bên bờ sông Đồng Nai. Một cánh rừng rất tươi tốt. Ai cũng thấy thật ngỡ ngàng, ở một nơi bom đạn mà sao rừng vẫn tốt xanh đến thế. Tre cũng nhiều. Những cây tre to như những cây lồ ô trên Phước Long, từng cụm bó bờ, bóng ngả rợp cả bờ sông. Nhìn bóng tre, tôi cũng sực nhớ đến bài tùy bút " Tre Việt Nam" của nhà văn Thép Mới vài năm trước còn học ở trường. Có người còn đọc lên một cách đầy hứng khởi " Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ…lũy tre thân mật làng tôi, đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn…".
Rồi đêm ập đến. Xe bật đèn gầm và không ngừng tiến lên. Nhưng lạ thay, xe nào cũng chỉ chạy được một đoạn chừng vài trăm mét là lại phải né tạt vào rừng. Thì ra là xe phải nhường đường cho xe tăng tiến lên. Đến hàng tiếng đồng hồ xe mới lại ra đường đi tiếp. Nhưng lại cũng chỉ chừng vài chục phút lại phải tạt tránh vào rừng cho đoàn tăng khác đi… Cứ thế không biết bao nhiêu đoàn tăng… Những chiếc xe tăng to lừng lững như những con voi cứ rùng rùng nối nhau, ầm ầm ra trận, trông ai cũng phấn khởi, tràn đầy khí thế… Cho đến tận sáng mà đoàn ô tô chở đơn vị chúng tôi không vượt qua nổi cánh rừng chỉ khoảng vài chục cây số.
Bỗng lại có tin Bà Rịa - Vũng Tàu đã giải phóng. Đơn vị lại được lệnh quay về Xuân Lộc (Long Khánh ).
Đó là buổi sáng ngày 30-4-1975. Tình hình nghe vẫn còn rất sôi sục. Máy bay địch đủ loại vẫn liên tục gầm rít trên bầu trời. Bốn bề tiếng bom, tiếng súng vẫn dậy đất. Anh em lại triển khai đào hầm, đào hào và chuẩn bị lán trại với tất cả tinh thần phục vụ chiến dịch…
Đơn vị đóng sát bờ sông. Lần đầu tiên anh em chiến sỹ được thấy con sông Đồng Nai. Một dòng sông ai cũng từng biết đến qua văn thơ, sách báo, phim ảnh… Có người vui đọc câu ca dao đã thuộc lòng " Làm trai cho đáng nên trai. Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng". Một dòng sông rất lớn, những mảng bè lục bình nối nhau trôi lững lờ trên sông. Nhưng sao ghê quá… nhiều xác giặc không biết từ đâu dạt về mà còn nổi lập lờ trên mặt nước, táp đầy vào bờ. Có tên nằm sấp. Có tên nằm ngửa. Nhiều tên quần áo còn nai nịt, đồng hồ đeo tay vẫn còn chạy tích tắc và nhẫn vàng sáng chóe. Ai cũng thấy ghê, không thèm động đến. Nhưng muốn có nước ăn phải mượn thuyền giao liên, lách xác địch ra tận giữa dòng sông lấy nước.
Anh em thì không lúc nào không tụ tập quanh mấy ông chỉ huy, ghé sát tai vào chiếc đài Oriôngtông theo dõi tin chiến sự.
Đến chừng hơn 9 giờ thì lạ thay trời đất bỗng im ắng vô cùng. Tiếng bom, tiếng súng lặng câm… Cũng không thấy một bóng máy bay địch quần đảo trên trời… Chừng hai tiếng sau thì bỗng tiếng reo hò vang dậy náo loạn cả khu rừng. Nhiều người ôm lấy nhau, hét lên mừng vui:
- Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện rồi… Anh em ơi, các đồng chí ơi … Sài Gòn giải phóng rồi…Miền Nam giải phóng rồi…. Đất nước hòa bình, thống nhất rồi…
Lúc ấy là đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.
Ai nấy vội vã lao đến chỗ tăng võng của mình, chuẩn bị về tiếp quản. Gà, lợn… đơn vị nuôi mang theo cũng đều được anh em phóng thích ra rừng. Quần áo, đồ dùng ai cũng chỉ chọn lấy một bộ mới mang theo… Đến hòm xiểng, đồ dùng nào cồng kềnh cũng bỏ lại rừng hết, ai cũng bảo, có hòa bình rồi sẽ có tất cả…
Trưa ấy, cơm nước khẩn trương xong, đơn vị chúng tôi mới có thuyền giao liên đưa vượt sang bờ bên kia. Và cũng rất nhanh chóng một đoàn ô tô tải được lệnh đến chở đơn vị về Xuân Lộc, Long Khánh.
Đoàn xe chạy nối nhau vun vút, cuốn đỏ bụi đường. Trên xe chiến sỹ lại hò hát vang trời " Sài Gòn ơi… ta đã về đây…" thỏa thuê, mừng vui trước cảnh đất trời đã thực sự yên ả, sạch bóng quân thù…
Thanh Thản
(Nguyên chiến sỹ QGP miền Đông Nam bộ - QK 7)