Về Kim Sơn, một địa phương có thế mạnh về nghề đan cói xuất khẩu với hàng chục nghìn lao động theo nghề, có thu nhập từ nghề, điều dễ nhận thấy là những người làm nghề bây giờ phần lớn là người cao tuổi, tập trung đông nhất vẫn là phụ nữ. Hỏi chuyện bà Trần Thị Xuân (xóm 3 - xã Thượng Kiệm) khi bà đang bận rộn với các sản phẩm khay, làn cói khá tinh xảo và đẹp mắt, bà chia sẻ: Thực ra bây giờ bọn trẻ ngại làm nghề truyền thống của cha ông vì đặc thù công việc đòi hỏi sự kiên trì, tỉ mỉ mà thu nhập lại không cao như một số nghề mới bây giờ. Vì vậy, nghề đan cói truyền thống của địa phương chỉ trông chờ vào lớp người cao tuổi như tôi. Một phần chúng tôi làm vì muốn giữ nghề, phần khác vì nghề phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi của chúng tôi sau khi mùa màng rỗi rãi…
Tìm hiểu ở các làng nghề đan cói truyền thống ở Thượng Kiệm, chúng tôi được biết thêm: Thuận lợi trong phát triển kinh tế ở Thượng Kiệm là xã có 5 làng nghề đan cói được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống gồm: làng nghề đan cói xóm Vinh Ngoại, An Cư, xóm 3, 4, 5, 6. Các làng nghề truyền thống hàng năm thu hút khoảng 80% lao động địa phương thuộc các lứa tuổi tham gia làm nghề với thu nhập ổn định từ 35.000-40.000 đồng/người/ngày. Do là nghề truyền thống nên việc làm nghề và theo nghề của người dân trong xã khá thuận lợi, từ khâu nguyên liệu cho đến bao tiêu sản phẩm.
Tuy nhiên, nếu xét về khía cạnh độ tuổi thì số người có độ tuổi từ trung niên trở lên làm nghề là đông nhất. Thanh niên bây giờ, ngoài số thanh, thiếu niên đang độ tuổi đi học THCS, THPT có giúp bố mẹ làm thêm vào những lúc rảnh rỗi, còn lại số đông thanh niên sau khi tốt nghiệp THCS hoặc THPT đều lựa chọn cho mình con đường lập nghiệp rời xa đồng ruộng như: người thì theo học các trường đại học, cao đẳng, trường nghề, người thì vào làm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp… Do đó, trụ lại với nghề chủ yếu vẫn là người trung và cao tuổi. Để nghề truyền thống không bị mai một và từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường về mẫu mã sản phẩm, các lớp đào tạo nghề cũng được địa phương quan tâm. Trong đó, người giữ vai trò truyền nghề, đào tạo nghề luôn là những người cao tuổi, nhất là những người có tay nghề vững, có nhiều kinh nghiệm.
Nổi tiếng không kém sản phẩm cói Kim Sơn là sản phẩm thêu ren của làng nghề thêu Văn Lâm (xã Ninh Hải - Hoa Lư). Tuy nhiên, xét về độ cầu kỳ và tinh xảo thì những sản phẩm thêu ren vẫn đứng đầu. Do đó, người làm nghề để đáp ứng được các yêu cầu trên đòi hỏi phải là người có bí quyết làm nghề, có kinh nghiệm lâu năm và phải tâm huyết với nghề. Hiện nay, với những người làm nghề thêu ở Văn Lâm, không ai là không nhắc đến tay kim điêu luyện của lão nghệ nhân Chu Văn Lượng. Đã ở vào tuổi "thất thập cổ lai hy" nhưng nghệ nhân Chu Văn Lượng chưa một ngày nghỉ ngơi theo đúng nghĩa. Còn nhớ thời điểm cả làng thêu Văn Lâm tập trung trí lực cho sản phẩm thêu kỷ lục nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, cụ Chu Văn Lượng không chỉ đảm nhiệm những phần công việc đòi hỏi sự cầu kỳ, tinh xảo mà cụ còn chỉ dẫn về đường kim, mũi chỉ cho các thợ thêu trẻ. Những mẫu hoa văn tinh xảo trên nhiều sản phẩm thêu dù hiện nay đã nhiều người thực hiện được, nhưng để sản phẩm đẹp, bắt mắt thì chưa ai qua được nghệ nhân Chu Văn Lượng.
Hỏi chuyện nghệ nhân, chúng tôi còn được biết thêm về cách giữ nghề và truyền nghề khá hay của cụ. Ngoài việc dành nhiều tâm huyết để hoàn thành cuốn sách về nghề thêu truyền thống, trong đó đi sâu vào việc giới thiệu các kỹ thuật làm thêu mà cụ đã dày công nghiên cứu trong nhiều năm liền để truyền thụ lại nghề thêu cho thế hệ trẻ, nghệ nhân Chu Văn Lượng còn thường xuyên đến các gia đình có người làm nghề, nhất là những gia đình có thế hệ trẻ theo nghề để vừa trò chuyện, vừa hướng dẫn, kèm cặp lớp trẻ làm nghề, nâng cao tay nghề cho các thợ thêu trẻ. Ở làng thêu Văn Lâm, ngoài nghệ nhân Chu Văn Lượng, phần lớn người cao tuổi theo nghề thêu hiện nay dù "chân chậm, mắt mờ" nhưng đều cố gắng làm nghề để giữ nghề truyền thống của quê hương cho thế hệ trẻ noi theo…
Hiện trong toàn tỉnh có hơn 1.000 làng nghề tiểu thủ công nghiệp, trong đó có 54 làng nghề được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Đây là những làng nghề có nhiều điều kiện và cơ hội để nghề phát triển, mở rộng thông qua việc các làng nghề thu hút được số đông lao động tham gia và tìm được "đầu ra" cho việc tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Mỗi làng nghề mang những nét đặc sắc riêng với những sản phẩm gắn liền với truyền thống của mỗi làng quê như: thêu ren, đan cói, đan nón, đan thúng, dệt chiếu… Sự tồn tại của các làng nghề được nhìn nhận như một nét văn hóa đặc sắc của nhiều làng quê. Trong đó, lớp người cao tuổi đang theo nghề và làm nghề được ví như những người giữ "linh hồn" của các làng nghề để các thế hệ con cháu nối tiếp, giữ gìn. Điều đó cũng có thể lý giải vì sao mà các làng nghề truyền thống, dù đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm mới, hiện đại nhưng vẫn có sức sống trường tồn.
Bùi Diệu