Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Trên cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp về cơ chế, chính sách trong các Nghị quyết chuyên đề của Ban cán sự Đảng và Kế hoạch thực hiện của UBND tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh, do đó, sản xuất công nghiệp 9 tháng qua của toàn tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Tổng giá trị sản xuất 9 tháng đầu năm nay toàn tỉnh đạt 38.099,8 tỷ đồng, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 81,4% kế hoạch năm. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực có mức tăng trưởng khá từ đầu năm đến nay như: Xe ô tô lắp ráp đạt trên 31,3 nghìn chiếc, gấp 2,4 lần; kính xây dựng đạt 200,9 nghìn tấn, gấp 3,2 lần; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại đạt hơn 13,6 nghìn tấn, gấp 2,4 lần; nước dứa tươi đạt 1.743 nghìn lít, tăng 76,2%; giày, dép vải đạt hơn 15 triệu đôi, tăng 31,7%; phân lân nung chảy đạt 153 nghìn tấn, tăng 29,1%...
Đánh giá về những nguyên nhân, đồng chí Giám đốc Sở Công thương cho rằng: Tuy giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng qua đạt mức tăng trưởng khá, nhưng một số sản phẩm công nghiệp chủ lực cho giá trị lớn trong kế hoạch giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chưa đạt được mức tăng trưởng như: linh kiện điện tử đạt 152 triệu sản phẩm, tăng 6,3% so với cùng kỳ và bằng 54,2% kế hoạch năm; kính nổi đạt 200,9 nghìn tấn, bằng 57% kế hoạch năm...
Nguyên nhân là do biến động của thị trường trong khu vực và trong nước còn gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh, tìm kiếm cơ hội mới. Bên cạnh đó, trong phát triển sản xuất đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận các nguồn lực sản xuất, nhất là vốn, công nghệ còn hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế, ngành Công thương đã tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp như tham mưu UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp trên địa bàn như: Quy chế quản lý và thực hiện Chương trình công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 08-KL/BCSĐ của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/BCSĐ ngày 13/2/2017 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô và công nghiệp linh kiện điện tử trở thành ngành kinh tế chủ lực tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Hoàn thành điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp gửi Bộ Công thương.
Đối với công tác quản lý cụm công nghiệp, Sở Công thương đã hướng dẫn chủ đầu tư các cụm công nghiệp (CCN) lập và hoàn thiện hồ sơ thành lập CCN Xích Thổ, CCN Khánh Hải 2, CCN Gia Lập, CCN Gia Vân và hồ sơ mở rộng CCN Đồng Hướng, trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công thương ban hành Quyết định đưa ra khỏi quy hoạch CCN Gia Thắng - Gia Tiến và bổ sung CCN Gia Lập, huyện Gia Viễn; điều chỉnh tăng diện tích CCN Gia Vân trong Quy hoạch phát triển cụm lên 74,77 ha; điều chỉnh tiến độ của CCN Khánh Hải 2 đến năm 2020 đầu tư toàn bộ 50 ha.
Phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan hoàn thành bàn giao nhiệm vụ quản lý, đầu tư và phát triển 7 CCN từ UBND các huyện, thành phố về Trung tâm Đầu tư phát triển Cụm công nghiệp quản lý.
Hoàn thành xây dựng đề cương dự toán lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của CCN Đồng Hướng trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 4 chủ đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN Khánh Hải I, Khánh Hải II, Gia Lập, Văn Phong và thu hút thêm 3 dự án đầu tư thứ cấp vào CCN Gia Vân, Gia Phú.
Cùng với tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước, ngành Công thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 4 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công Thương, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong đó công bố mới, thay thế 118 TTHC, bãi bỏ, hủy bỏ 96 TTHC. Ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả theo Nghị định của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính.
Từ đầu năm đến nay, đã tiếp nhận và giải quyết kịp thời, đúng thời hạn 5.246 TTHC, đặc biệt Sở đã tiếp nhận và xử lý 1.125 thủ tục hành chính trực tuyến tại Website motcua.ninhbinh.gov.vn, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và chi phí đi lại cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.
Để góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2018, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu cho từng công việc cụ thể. Trong đó tập trung triển khai thực hiện các Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại đã được phê duyệt như: Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp, quy hoạch phát triển điện lực tỉnh và cấp huyện, quy hoạch phát triển nghề và làng nghề gắn với phục vụ du lịch; quy hoạch chợ, quy hoạch xăng dầu, .. tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục phát triển công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư những dự án sản xuất, kinh doanh vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sạch thân thiện với môi trường, các dự án công nghiệp hỗ trợ. Trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương dự toán báo cáo đánh giá tác động môi trường CCN Mai Sơn, CCN Khánh Nhạc.
Hoàn thành dự thảo Quyết định ban hành quy chế quản lý kinh phí khuyến công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trình UBND tỉnh quyết định ban hành. Hoàn thành Kế hoạch về phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch năm 2018, góp phần thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030...
Nguyễn Thơm