Nhận thức được điều đó, thời gian qua Đảng ủy, chính quyền xã Quảng Lạc đã quan tâm làm tốt công tác giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương.
Để khắc phục tình trạng năng suất thu nhập trên 1 ha canh tác thấp, đối với những diện tích thuộc vùng chiêm trũng, Quảng Lạc đã vận động bà con phát triển kinh tế hộ theo hướng gia trại cấy lúa + thả cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm; đối với diện tích vùng cao, chỉ đạo bà con trồng các loại cây công nghiệp như: mía, dứa và chăn nuôi con đặc sản như: ong, hươu, lợn cắp nách… Toàn xã hiện có 6 mô hình kinh tế trang trại cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm và trên 40 gia trại cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng/năm với các con nuôi chủ yếu là lợn cắp nách, ong, dê, hươu, nhím… Bên cạnh đó, vụ đông tiếp tục được duy trì và mở rộng với tổng diện tích gần 140 ha. Cơ cấu cây trồng vụ đông đa dạng, phù hợp với đặc điểm đất đai, khí hậu của địa phương đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên từng ha canh tác. Năm 2010, thu nhập trên 1 ha canh tác ở Quảng Lạc đạt 42 triệu đồng/năm, tăng 5 triệu đồng so với năm 2007, bình quân lương thực đầu người đạt gần 490 kg/người/năm.
Đối với những diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu chuyển sang rừng kinh tế, xã đã giao cho các hộ tự chủ quản lý để tăng thu nhập từ rừng. Đến nay, toàn xã đã chuyển đổi xong 170 ha, việc chuyển đổi quản lý rừng bước đầu đã có hiệu quả, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình trồng rừng có thu nhập cao hơn.
Để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương, Đảng ủy, UBND xã Quảng Lạc đã xây dựng đề án giảm nghèo cụ thể hàng năm, chỉ đạo Ban xóa đói, giảm nghèo xã phối hợp với các đoàn thể triển khai cho các hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi. Đến nay, nguồn vốn dư nợ toàn xã đạt trên 7 tỷ đồng, cho 630 hộ vay phát triển kinh tế gia đình như đầu tư trồng nấm, nuôi bò, nuôi ong, nhím và lợn cắp nách… Nhờ vậy, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Chị Nguyễn Thị Nguyệt là hộ nghèo ở thôn Đồng Thanh do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn. Năm 2009 gia đình chị được vay 20 triệu đồng, có vốn chị đầu tư mua 1 cặp trâu, mở rộng diện tích trồng sắn. Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo. Ngoài ra, các hội, đoàn thể khác cũng đã tích cực trong vận động tạo quỹ cho hội viên vay phát triển kinh tế tiêu biểu như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh… Song song với hoạt động tạo vốn, hoạt động dạy nghề được địa phương xác định là hướng giảm nghèo bền vững, góp phần tăng thu nhập nâng cao đời sống cho người dân. Xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Dạy nghề huyện và các doanh nghiệp, Công ty mở 12 lớp dạy nghề trồng nấm, đan bèo xuất khẩu và may công nghiệp… cho trên 600 lao động thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn xã. Sau học nghề, hiện nay có 300 lao động có việc làm ổn định với mức thu nhập từ 600 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/người/năm. Chị Quách Thị Hường, thôn Đồng Thanh chia sẻ: Gia đình chị có 4 khẩu, trước đây thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, sau khi được tham gia lớp tập huấn kỹ thuật trồng nấm, năm 2009 chị xây dựng lán trại và trồng các loại nấm sò, nấm rơm với tổng diện tích trên 100 m2, mỗi năm gia đình chị thu nhập từ 30-40 triệu đồng từ nấm.
Sau khi thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống còn gần 13%, giảm 21% so với năm 2007. Năm 2011, Quảng Lạc phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 9%.
Duy Hiền