Với những nội dung phong phú, thiết thực, được chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, hoạt động của Đoàn đã góp phần vào thành công của kỳ họp.
Để chuẩn bị tốt các nội dung cho kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri ở các địa phương trong tỉnh, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, tập trung vào các nhóm vấn đề như: Chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dựng trường, lớp, chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ cơ sở, giáo viên mầm non; mức lương tối thiểu khu vực hành chính, sự nghiệp...
Trong các buổi làm việc tại hội trường và tại tổ, các đại biểu trong Đoàn đã tích cực tham gia thảo luận, chuyển tải khách quan tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề mà cử tri quan tâm đến Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Các đại biểu đã đóng góp trên 30 lượt ý kiến vào hầu hết các vấn đề được đưa ra thảo luận tại kỳ họp. Trong đó nhiều ý kiến nhận được sự đồng tình cao của cử tri cả nước, được Ban soạn thảo của Quốc hội ghi nhận và tiếp thu. Góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2012, đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã phân tích những khó khăn trong việc thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2011-2015, trên cơ sở đó, đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc thực hiện việc rà soát, đình hoãn các dự án mới, điều chuyển vốn cho các dự án đem lại hiệu quả tích cực, đồng thời phải quan tâm đúng mức đến các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và những dự án phục vụ cho phát triển nông nghiệp ở những vùng luôn chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai (trong đó có dự án âu Kim Đài của Ninh Bình).
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung những nhiệm vụ, giải pháp về phát triển văn hóa - xã hội nhằm giải quyết triệt để những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm như: ùn tắc và tai nạn giao thông; tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; vấn đề xuống cấp về đạo đức, lối sống trong một bộ phận thanh, thiếu niên; những bất cập trong chính sách tiền lương, khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế... Từ kinh nghiệm thực tế nhiều năm làm công tác tài chính - ngân sách, đại biểu Đinh Trịnh Hải đã thẳng thắn nêu thực trạng các nguồn thu từ các lĩnh vực xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản còn bị thất thoát, gian lận thương mại, trốn lậu thuế vẫn diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn. Từ đó, kiến nghị Quốc hội cần nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý thuế nhằm tăng cường các biện pháp chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Một nội dung rất quan trọng được Quốc hội thực hiện tại kỳ họp lần này là công tác xây dựng luật. Với số lượng lớn các dự án luật được đưa ra lấy ý kiến đóng góp và thông qua tại kỳ họp thứ hai như: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Đo lường, Luật Giáo dục đại học, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Bộ Luật Lao động (sửa đổi), Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Biển Việt Nam, Luật Cơ yếu, Luật Lưu trữ...
Nhằm tham gia đóng góp tốt hơn cho việc xây dựng các dự án luật, trước kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã phối hợp với ủy ban MTTQ tỉnh, các cơ quan tư pháp, Đoàn luật sư, Hội luật gia tỉnh, tổ chức các buổi hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ thực thi pháp luật, cán bộ tư pháp… và các tầng lớp nhân dân đối với dự thảo các dự án luật. Trên cơ sở đó tích cực đóng góp ý kiến xây dựng các dự án luật, đảm bảo sát với điều kiện thực tiễn, đáp ứng được mong đợi của các tầng lớp nhân dân và yêu cầu quản lý của cơ quan Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tham gia đóng góp vào dự thảo Luật Tố cáo tại phiên họp toàn thể tại hội trường, đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng, thực tế có nhiều vụ tố cáo không ghi rõ họ tên, địa chỉ vì người tố cáo sợ bị đe dọa và ảnh hưởng tới người thân, gia đình. Do đó, đề nghị bổ sung vào Điểm 2, Điều 19 thêm quy định trường hợp người tố cáo không rõ tên, không rõ địa chỉ nhưng nội dung tố cáo rõ ràng, có bằng chứng cụ thể, có cơ sở để thẩm tra, xác minh thì đơn tố cáo vẫn phải được các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết.
Mỗi đại biểu với thế mạnh của mình, đi sâu vào từng khía cạnh với nhiều ý kiến xác đáng, thiết thực, có chất lượng, nhận được sự đồng tình cao. Phát biểu về dự thảo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, đại biểu Lưu Thị Huyền đề nghị cần bổ sung các quy định cụ thể nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện xã hội hóa công tác giáo dục pháp luật. Trong đó cần đề cao vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể, quan tâm đến chế độ cho cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cơ sở.
Bên cạnh việc thảo luận, đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước, các đại biểu trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn tích cực tham gia các buổi hội thảo chuyên đề, trao đổi bên hành lang, giao lưu học hỏi kinh nghiệm của các đoàn đại biểu tỉnh bạn. Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các bộ, ngành với những vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh đang tập trung giải quyết, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của cả nước và của tỉnh ngày càng phát triển.
Nhận xét về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, cử tri Lê Thanh Bình (thành phố Ninh Bình) đã bày tỏ: "Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi thường xuyên theo dõi các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, rất vui mừng vì thấy các đại biểu Ninh Bình đã tích cực tham gia các nội dung của kỳ họp, nhất là nội dung thảo luận về các vấn đề cử tri quan tâm. Tôi mong rằng ở các kỳ họp sau, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, chuyển tải khách quan, trung thực, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri, tham gia tích cực vào công tác lập pháp, hoạch định các chính sách lớn của đất nước, đáp ứng sự tín nhiệm và tin tưởng của cử tri và nhân dân trong tỉnh". Cũng như cử tri Lê Thanh Bình, nhiều cử tri của tỉnh mà chúng tôi có dịp gặp gỡ đều đánh giá cao hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tại kỳ họp lần này. Có thể khẳng định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có nhiều đóng góp quan trọng làm nên thành công của một trong những kỳ họp sôi động, có chất lượng cao, giải quyết được một khối lượng lớn công việc với nhiều nội dung quan trọng của đất nước.
Quốc Khang