Vươn lên khẳng định thương hiệu
Thừa hưởng những gì gia đình tạo dựng, đó là hành trang để Đặng Hướng Dương, Giám đốc Công ty TNHH Cán thép Tam Điệp tiếp bước trên con đường sự nghiệp đã lựa chọn. Có một điều không thể phủ nhận được, Dương là một giám đốc trẻ năng động, có trình độ. Dương thâm trầm, điềm đạm hơn tuổi 30 nhưng khi tiếp xúc lại rất cởi mở, dễ mến. Phải là người có trình độ, năng lực thì Dương mới có thể vận hành được một Công ty chuyên sản xuất thép, đảm bảo guồng quay và ổn định thu nhập cho trên 300 công nhân lao động có mức thu nhập trung bình 2,2 triệu đồng/người/tháng. Năm 2003, Dương được cha là ông Đặng Mai Hoa, Tổng Giám đốc Công ty giao làm trợ lý, rồi làm Phó Giám đốc năm 2005. Năm 2006 được giao làm Giám đốc Công ty, Dương đã tích cực học hỏi, trau dồi kiến thức về quản lý kinh tế, về các công nghệ sản xuất thép, nghiên cứu tìm hiểu thị trường... và nhất là chinh phục được niềm tin của cả Công ty bằng chính năng lực của mình. Từ chỗ ít người biết, đến nay sản phẩm thép POMIHOA với đa dạng các sản phẩm như phi 6, phi 8 thép cuộn, phi 10 đến phi 32 thép cây đã đứng vững trên thương trường, vươn rộng ra khắp thị trường trong cả nước.
Không ngừng trăn trở đẩy mạnh sản xuất, tăng lợi nhuận, doanh thu cho Công ty, giám đốc Đặng Hướng Dương đã tích cực tìm mối hàng thu mua nguyên liệu, nhập phôi thép từ nước ngoài, giảm các chi phí sản xuất để hạ giá thành sản phẩm nhưng lại nâng cao thu nhập cho người lao động. Đồng thời, tìm cho Công ty một hướng đi riêng trong cách tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng việc tăng cường đội ngũ bán hàng, vận chuyển hàng, tiếp thị, giới thiệu, thực hiện cung cấp sản phẩm đến tận chân công trình. Luôn lấy chữ tín làm đầu, đến nay Công ty đã có trên 320 khách hàng lớn. Trong năm 2008, sản lượng thép của Công ty đạt 110.000 tấn, doanh thu ước đạt 8.500 tỷ đồng. Công ty là một trong những đơn vị có số thu nộp ngân sách cao của tỉnh, khoảng 110 tỷ đồng.
Đồng hành cùng nông dân
Giải thưởng Sao vàng đất Việt năm 2008 được trao cho Công ty cổ phần Phân lân Ninh Bình có phần đóng góp không nhỏ của giám đốc Phạm Mạnh Ninh. Là một giám đốc trẻ nhưng anh đã khẳng định được năng lực lãnh đạo, điều hành và trình độ hiểu biết trên lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Ninh thường xuyên động viên cán bộ, công nhân viên trong Công ty thi đua lao động, tăng sản lượng, tạo doanh thu cao, đồng thời anh còn nỗ lực cùng tập thể Ban lãnh đạo Công ty luôn tìm kiếm, trao đổi kinh nghiệm, không ngừng cải tiến, đổi mới kỹ thuật, công nghệ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhiều năm qua, đặc biệt là năm 2008, sản phẩm phân lân của Công ty đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất, giá trị, sản lượng cây trồng trên đồng ruộng, nhất là trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo nguồn an ninh lương thực. Đó cũng chính là động lực để Công ty không ngừng đầu tư sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Mỗi năm Công ty sản xuất được trên 300 nghìn tấn phân lân các loại, trong đó cung cấp cho nông dân Ninh Bình 15 nghìn tấn, chiếm khoảng 50% thị phần phân bón trong tỉnh. Năm 2008, doanh thu của Công ty đạt khoảng 550 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 11,5 tỷ đồng.
Cùng với Ban giám đốc, giám đốc Phạm Mạnh Ninh đã tích cực điều hành Công ty không ngừng tăng trưởng, sản xuất, tiêu thụ sản lượng tốt, giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho 490 lao động với mức trung bình 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, anh cùng Công ty còn tham gia nhiều hoạt động giúp nông dân như kết hợp tập huấn chuyển giao KHKT sử dụng phân lân, chăm sóc cây trồng; mở rộng thị trường, cung cấp sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng; thấu hiểu và chia sẻ với nông dân ở các xã nghèo trong tỉnh thông qua hình thức bán trả chậm sản phẩm với giá ưu đãi; tặng phân lân cho nông dân có hoàn cảnh khó khăn…
Giới thiệu sản phẩm ra nước ngoài
Không mấy người ngạc nhiên khi Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao Đinh Cao Khuê được đi rất nhiều nước trên thế giới. Mục đích của anh là thâm nhập, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Từ những chuyến đi ấy, sản phẩm của Công ty đã vươn mình, có mặt ở 40 nước trên thế giới.
Trên 20 năm gắn bó với Công ty, từng trải nghiệm và chứng kiến bao thăng trầm của cây dứa, lạc tiên, vải... trên vùng đất đồi sỏi đá ở Nông trường Đồng Giao và các vùng phụ cận nên giám đốc Đinh Cao Khuê thấu hiểu những gian nan, vất vả của người nông dân. Từ đó thôi thúc anh không ngừng mở rộng thị trường chế biến xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm cho người công nhân, nông dân. Cùng với tập thể, Giám đốc Đinh Cao Khuê đã nỗ lực tìm tòi, đầu tư, ứng dụng KHKT, cộng với những kinh nghiệm tích lũy lâu năm trong thâm canh cây trồng xuất khẩu tạo ra những vụ mùa bội thu với sản lượng cao. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho sản xuất, chế biến thực phẩm xuất khẩu, anh còn phối hợp mở rộng vùng nguyên liệu ở khắp các vùng trong và ngoài tỉnh như Yên Khánh, Yên Mô, Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Hóa... và đưa vào nhiều cây trồng mới nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ chế biến như dưa chuột, ngô ngọt, ngô rau, nấm...
Là người tâm huyết với nghề, anh không ngừng nghiên cứu, trăn trở để đổi mới công nghệ, đa dạng hóa các sản phẩm đưa Công ty vững vàng đi lên, đáp ứng được sự thay đổi của cơ chế thị trường. Nếu như trước đây, tỷ trọng chế biến của dứa ở Công ty là 80%, các loại rau quả khác là 20% thì đến nay đã linh hoạt với khối lượng dứa là 40% và 60% còn lại là các loại rau quả khác như dưa, ngô ngọt, ngô rau, vải, nấm... Công ty phấn đấu hoạt động 10 tháng/năm, khối lượng sản phẩm khoảng 13 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 8 triệu USD. So với các ngành công nghiệp như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng thì doanh thu, lợi nhuận, số thu nộp ngân sách của Công ty còn khiêm tốn nhưng Công ty luôn tự hào vì đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn công nhân, mở hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho nông dân, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo.
Không chỉ đưa Công ty, doanh nghiệp vươn lên, ngày càng phát triển, khẳng định vị trí trong thời kỳ hội nhập kinh tế đầy khó khăn, các doanh nhân trên địa bàn còn có nhiều hoạt động xã hội góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Các hoạt động từ thiện nhân đạo được các doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện như hàng chục tỷ đồng ủng hộ nhân dân vùng lũ, đưa sản phẩm đến những công trình phúc lợi công cộng, giúp nông dân nghèo kỹ thuật, khoa học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, con nuôi, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...
Bài, ảnh: Thanh Thủy