Từ nền móng nghề thêu ren thủ công truyền thống, gia đình ông Phạm Văn Mịch, xã Khánh An (Yên Khánh) đã tập trung khôi phục và phát triển nghề. Ông nhận hàng từ các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số lượng lớn, giải quyết được việc làm lúc nông nhàn cho 300 - 400 lao động trong xã và vùng lân cận, với mức thu nhập từ 400 - 900 nghìn đồng/người/tháng. Cùng với nghề thêu ren, gia đình ông còn phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, thu nhập mỗi năm từ 50 - 60 triệu đồng.
Trong điều kiện khắt khe của nền kinh tế thị trường, gia đình truyền thống Việt Nam đã và đang trải qua nhiều biến động, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh cộng với hiện tượng lãng quên hoặc từ bỏ nhiều giá trị truyền thống gia đình. Song gia đình ông Phạm Văn Mịch vẫn duy trì ba thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà. Ông bà luôn tâm niệm và thực hiện theo đúng chuẩn mực "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc". Chăm lo phát triển kinh tế gia đình nhưng ông luôn động viên, khuyến khích các con học tập. Hiện nay 3 người con của ông đã trưởng thành. Năm 2007, gia đình ông vinh dự là một trong 12 gia đình văn hóa tiêu biểu của tỉnh đi dự "Đại hội các gia đình văn hóa tiêu biểu toàn quốc lần thứ nhất".
Năm 2001, khi cả nước bắt đầu thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gia đình ông Phạm Ngọc Nhĩ (thôn 5, Đông Sơn, thị xã Tam Điệp) là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu của thị xã Tam Điệp nói riêng và của tỉnh nói chung. Đến nay, gần 10 năm thực hiện cuộc vận động gia đình ông luôn giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa.
Ông Phạm Ngọc Nhĩ nguyên là giáo viên trường Cao đẳng sư phạm Ninh Bình. Năm 1992, sau khi nghỉ hưu ông tiếp tục tham gia công tác xã hội với cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã. Năm 2002, do sức khỏe yếu ông xin nghỉ công tác ở xã và tham gia vào Ban Mặt trận của thôn. Ông cho biết: "Tôi muốn làm việc chỉ để thấy rằng mình vẫn còn tác dụng. Ngày trước còn sức khỏe thì có thể đi đầu trong mọi công việc. Bây giờ già rồi không làm được nhiều thì là chỗ dựa cho lớp trẻ". Ông luôn nhắc về người vợ của mình với niềm yêu thương: "Không có bà ấy tôi làm sao hoàn tất mọi nhiệm vụ mà nhân dân đã tin tưởng giao phó". Biết chồng làm công tác Mặt trận, bận bịu sớm tối, phải đi đến từng nhà để vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bà Phạm Thị Tửu không bao giờ kêu ca, phàn nàn. Từ việc lo kinh tế gia đình, thu vén công việc, nuôi dạy con, bà đều đảm nhận. Hiện nay, 5 người con của ông bà đều đã trưởng thành. Tuy vậy, việc lớn nhỏ gì trong cuộc sống các con cũng về tham khảo ý kiến của cha mẹ. Ông Phạm Ngọc Nhĩ luôn dạy con: "Muốn trở thành người có ích cho xã hội, góp phần xây dựng quê hương đất nước thì trước hết phải xây dựng gia đình mình yên. Mà điều đó bắt đầu từ việc thực hiện nề nếp gia phong, ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền".
Ở tuổi mà nhiều người chỉ nghĩ đến xum vầy với con cháu nhưng ông bà vẫn không ngừng lao động sản xuất. Ông tâm sự: "Mình phải lao động để không phụ thuộc vào con cháu và cũng tạo niềm vui cho tuổi già. Hiện nay, ông bà có hơn 1 sào ao thả cá, cải tạo vườn để trồng đào phai, kết hợp với chăn nuôi, mỗi năm mô hình V.A.C của gia đình ông cũng cho thu nhập được từ 15- 20 triệu đồng.
Linh Nhi