Tuy nhiên, sau một thời gian dài thực hiện Luật đã có nhiều quy định không phù hợp với thực tiễn và hội nhập quốc tế. Với lý do đó, Quốc hội đã ban hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo để thay thế Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005.
So với Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004, năm 2005, Luật khiếu nại năm 2011 đã có nhiều nội dung mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người khiếu nại; tăng cường tính công khai, minh bạch trong quá trình tiếp nhận, giải quyết khiếu nại. Cụ thể như sau:
Về trình tự khiếu nại, giải quyết khiếu nại
Đây là một trong những nội dung quan trọng và có nhiều điểm mới của Luật khiếu nại so với Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật khiếu nại, tố cáo năm 2004 và năm 2005. Các quy định của Luật trước đây không quy định rõ các bước của việc khiếu nại mà quy định lồng ghép vào thủ tục giải quyết khiếu nại, do vậy, muốn hiểu được trình tự khiếu nại đòi hỏi người thực hiện phải có sự khái quát và nghiên cứu rất kỹ, mất nhiều thời gian. Việc quy định về trình tự khiếu nại như vậy làm cho công dân dễ nhầm lẫn. Khắc phục hạn chế này, Luật khiếu nại đã dành Điều 7 để quy định cụ thể về trình tự khiếu nại. Theo đó thì trình tự khiếu nại được thực hiện như sau:
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ thì người khiếu nại khiếu nại đến Bộ trưởng hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
- Đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Bộ trưởng quản lý ngành, lĩnh vực hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Như vậy, điểm mới trong trình tự khiếu nại chính là khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi hành chính xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp mình, người khiếu nại có quyền khởi kiện ngay vụ án hành chính tại tòa án đối với quyết định, hành vi đó mà không nhất thiết phải khiếu nại với người đã ban hành hoặc có quyết định hành chính, hành vi hành chính như quy định trước đây. Đây là quy định nhằm mở rộng quyền dân chủ trong việc khiếu nại, đồng thời tạo ra nhiều cơ chế giải quyết khiếu nại để người dân có thể lựa chọn.
Về nhiều người cùng khiếu nại
Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 và các Luật sửa đổi, bổ sung Luật này vào năm 2004, năm 2005 không quy định về nhiều người cùng khiếu nại. Tuy nhiên, qua tổng kết thực tiễn công tác khiếu nại, giải quyết khiếu nại cho thấy, trong nhiều trường hợp, công dân không khiếu nại đơn lẻ mà tập trung đông người để khiếu nại về cùng một nội dung của một quyết định hành chính. Việc khiếu nại như vậy thường thấy trong những vụ việc khiếu nại về đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Một số nơi, tình trạng này đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có trách nhiệm giải quyết triệt để loại khiếu này, hạn chế tình trạng công dân kéo lên cơ quan trung ương, tới các nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước để thực hiện khiếu nại. Để khắc phục hạn chế này, đồng thời thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong giải quyết hiệu quả khiếu nại hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, Khoản 4, Điều 8 Luật khiếu nại đã xác định trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại; tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Người khiếu nại phải ký tên hoặc điểm chỉ vào đơn khiếu nại.
Thứ hai, trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung khiếu nại như nói ở trên, đơn khiếu nại phải có chữ ký của người khiếu nại và những người khiếu nại phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết.
Đây cũng là nội dung mới của Luật khiếu nại năm 2011 so với Luật khiếu nại, tố cáo trước đây.
Về công khai quyết định giải quyết khiếu nại
Công khai quyết định giải quyết định giải quyết khiếu nại là nội dung mới của Luật khiếu nại so với Luật khiếu nại, tố cáo, song trên thực tế thì việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại đã được quy định trong Luật phòng, chống tham nhũng. Theo quy định của Luật này thì quyết định giải quyết khiếu nại phải được công khai, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Theo Điều 41 của Luật khiếu nại thì việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại được thực hiện đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai. Quy định này được xây dựng nhằm đáp ứng yêu cầu, mục đích của công khai là bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính nhà nước. Theo Điều 41 của Luật khiếu nại thì việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại lần hai được thực hiện như sau:
+ Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần hai phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại lần đầu, người có quyền, nghĩa vụ liên quan, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền chuyển khiếu nại đến.
+ Người giải quyết khiếu nại lần hai lựa chọn một hoặc một số hình thức công khai dưới đây: công bố tại cuộc họp cơ quan, tổ chức nơi người bị khiếu nại công tác; niêm yết tại trụ sở làm việc hoặc nơi tiếp công dân của cơ quan, tổ chức đã giải quyết khiếu nại; thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
Các quy định nêu trên đã quy định về thời gian và các hình thức công khai quyết định giải quyết khiếu nại, song công khai theo từng hình thức phải thực hiện thế nào, với thời gian bao lâu...thì cần phải được tiếp tục làm rõ, vì vậy, Khoản 3 Điều 41 của Luật khiếu nại quy định Chính phủ quy định chi tiết việc công khai quyết định giải quyết khiếu nại.
Bổ sung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước
Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998 không có quy định về vấn đề này. Tuy nhiên, qua tổng kết về công tác giải quyết khiếu nại cho thấy việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp không ít. Vì vậy, để có cơ sở pháp lý cho việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính trong đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp của nhà nước, Luật khiếu nại năm 2011 đã bổ sung quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước được áp dụng theo Luật khiếu nại để giải quyết.
Ngọc Hải