Năm 1976, khi cựu chiến binh Phạm Thanh Miễn xuất ngũ trở về quê nhà ở xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh), mọi thứ dường như phải bắt đầu lại từ đầu. Hoàn cảnh gia đình ông khi đó gặp rất nhiều khó khăn, bố mẹ già yếu thường xuyên ốm đau, các em còn nhỏ nên dù cố gắng bươn trải nhưng cuộc sống vẫn rất chật vật. Bước ngoặt đến với gia đình ông khi năm 1999, nhà nước có chủ trương cho phép chuyển đổi diện tích ruộng trũng sang mô hình lúa - cá, ông đã bàn với vợ nhận gần 2 ha ruộng trũng phát triển trang trại theo mô hình cấy lúa, đào ao nuôi cá và ba ba. Mặc dù sức khỏe có hạn nhưng ông vẫn khăn gói vào tận Kiên Giang để học tập kinh nghiệm nuôi ba ba sinh sản để bán giống cho bà con và các địa phương lân cận. Khi đã tích lũy được lượng vốn khá, nắm bắt nhu cầu thị trường, ông quay sang đầu tư chuồng trại nuôi lợn quy mô công nghiệp. Mùa hè có quạt mát, mùa đông có lò sưởi ấm, khu chuồng nuôi lợn nái được làm riêng, tách biệt khu nuôi lợn thương phẩm. Dưới mỗi khu chuồng nuôi đều có hệ thống hầm biogas để chứa chất thải nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hệ thống nước tắm rửa tự động cho lợn. Hàng tháng, ông đều mời cán bộ thú y về trang trại làm công tác phòng trừ dịch bệnh cho đàn lợn. Đến nay, gia đình ông đã có 3.000m2 chuồng trại nuôi lợn, mỗi năm xuất bán hàng trăm tấn lợn thịt và cung cấp giống cho Ninh Bình và các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hải Dương, Hòa Bình… Tính chung trang trại của gia đình ông hàng hàng năm thu lãi trên 800 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Miễn còn luôn nhiệt tình, sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ con giống cho đồng đội và bà con có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế gia đình.
Tại thị trấn Bình Minh (huyện Kim Sơn), CCB Đặng Thanh Doãn được nhiều người biết đến với mô hình nuôi tôm công nghiệp đem lại giá trị kinh tế mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Cũng như hầu hết những người lính sau khi xuất ngũ, cuộc sống gia đình ông Đặng Thanh Doãn đầy ắp những khó khăn. Với nghị lực của người lính không cam chịu đói, nghèo, năm 1980, ông mạnh dạn nhận đấu thầu 4 ha bãi đất hoang, khai phá cấy lúa nếp râu kết hợp chăn nuôi với phương châm lấy ngắn nuôi dài.
Đến năm 2000, khi nghề nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm ở bãi bồi ven biển Kim Sơn phát triển mạnh, vợ chồng ông quyết định quy hoạch lại trang trại để nuôi tôm công nghiệp. Nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi và nghiên cứu tham quan các mô hình nuôi tôm trong và ngoài tỉnh; đồng thời làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, cũng như nắm chắc đặc tính của tôm thẻ chân trắng nên trong khi nhiều hộ nuôi tôm lao đao do tôm nhiễm bệnh thì mô hình của ông vẫn cho thu nhập khá cao. Sau hơn 10 năm gắn bó với con tôm thẻ chân trắng, tích lũy đáng kể về kinh nghiệm và vốn, đến năm 2012, ông Doãn lại tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 2 ha nuôi tôm công nghiệp. Đến nay gia đình ông có trên 6 ha nuôi tôm thẻ chân trắng được quy hoạch hoàn chỉnh, hiện đại, trung bình mỗi năm nuôi 2 vụ, sản lượng đạt trên 6 tấn/ha/vụ, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí lãi từ 600 - 700 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 14 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ. Không chỉ gia đình ông Miễn, ông Doãn, thời gian qua, phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo được các cấp Hội CCB từ tỉnh đến cơ sở triển khai sâu rộng, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi cho thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Theo đồng chí Lương Văn Thái, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh, khi trở về đời thường, hầu hết hội viên CCB phải đối mặt với những khó khăn của cuộc sống thường nhật. Trong lúc khó khăn, phẩm chất "Bộ đội cụ Hồ" lại được thể hiện rõ nét khi họ không ngại khó, ngại khổ, tự nghiên cứu, mày mò để tìm ra hướng làm ăn với đủ các ngành nghề từ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng chế biến thủy sản đến sản xuất TTCN, dịch vụ, kinh doanh… Đồng hành cùng hội viên trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, các cấp Hội CCB trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho cán bộ, hội viên; tạo điều kiện cho hội viên đi tham quan những mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Cùng với đó, các cấp hội CCB còn đứng ra nhận ủy thác của Ngân hàng CSXH với số tiền trên 297,6 tỷ đồng cho hơn 18 nghìn lượt hội viên vay vốn, đồng thời khai thác tốt nguồn vốn từ Trung ương Hội và Quỹ hội gần 65 tỷ đồng giúp hội viên vay không lãi hoặc lãi suất thấp để có thêm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Phong trào thi đua giúp nhau phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã khơi dậy được tình cảm đồng chí, đồng đội, ý thức tự lực, tự cường, đoàn kết, tương thân, tương ái vươn lên trong cuộc sống với tinh thần "xưa thắng giặc, nay thắng nghèo". Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu vượt qua khó khăn để vươn lên làm giàu chính đáng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 118 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 7 HTX, 86 tổ hợp tác, 113 trang trại do hội viên Hội CCB làm chủ, giải quyết việc làm với thu nhập ổn định cho trên 4.400 lao động là con em hội viên Hội CCB và nhân dân địa phương. Các CCB hôm nay vẫn giữ được nguyên vẹn hình ảnh "Anh bộ đội Cụ Hồ" năm xưa trong con mắt mọi người khi họ không chỉ biết làm giàu cho bản thân và gia đình mà còn giúp đỡ đồng đội cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Nhiều hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau đang được hội CCB trong tỉnh tích cực triển khai, thông qua các việc thăm hỏi, tặng quà, giúp nhau giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà dột nát… Đến nay, toàn tỉnh có 25 xã, phường, thị trấn và 1.041 chi hội không còn hội viên nghèo, số hội viên CCB thuộc diện nghèo chỉ chiếm 1,9%.
Quốc Khang