Anh Tam sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thượng Hòa đầy nắng, gió và đồng nước mênh mông, năm 1976 đi bộ đội và tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc ở chiến trường Tây Nam và bị thương, sau gần chục năm phục vụ trong quân ngũ, năm 1982 xuất ngũ trở về sinh sống tại quê hương Thượng Hòa. Với bản lĩnh của người lính không chịu lùi bước trước khó khăn, năm 1996 sau khi bàn bạc với gia đình, anh cùng 2 hộ gia đình cựu chiến binh khác là: Nguyễn Văn Lợi, Đinh Văn Nguyên tổ chức đấu thầu diện tích đất hoang hóa, thùng đào thùng đấu ngoài đê có tổng diện tích 10ha thả cá 1 vụ. Các hộ gia đình đã tự bỏ ra gần 200 triệu đồng để thầu, cải tạo hồ nuôi và mua thả cá giống các loại: Cá chép, cá trôi, cá trắm…, với tâm lý rất lo lắng vì phải làm kinh tế tự phát chưa biết hiệu quả ra sao? Để trấn áp tâm lý đó, các anh đã tự tìm tòi học tập kỹ thuật nuôi thả, chăm sóc cá của nhau và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng….
Kết quả thu hoạch lứa đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao đạt trên 7 tấn cá, thu về 120 triệu đồng. Anh Tam tâm sự: Đó thực sự là điều đáng mừng, là tiền đề để cho chúng tôi phát triển mở rộng các mô hình kinh tế trong thời gian tiếp theo. Năm 2005 xã có chủ trương khuyến khích người dân phát triển kinh tế vùng ngập nước, phù hợp với tình hình địa phương và được các cấp, ngành, Hội phát động tới từng hội viên.
Nắm bắt được tình hình này, Anh Tam đã cùng với 2 người bạn CCB trên làm đơn gửi chính quyền địa phương cho phát triển kinh tế lên. Được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, 3 hộ gia đình CCB đã thầu15 ha ở khu cửa làng Vân Trình để xây dựng và triển khai mô hình kinh tế nuôi trồng theo công thức một lúa một cá với mục đích phá vỡ thế độc canh cây lúa trong nông nghiệp.
Sau khi đã nghiên cứu kỹ, các anh đã bắt tay vào xây dựng vùng nuôi cá có quy hoạch rất gọn và hiệu quả đảm, bảo yêu cầu kỹ thuật nuôi cá vụ với kinh phí xây dựng và tiền vốn cá giống... tổng tiền đầu tư hơn 120 triệu đồng….
Đồng thời rút kinh nghiệm từ việc nuôi thả cá các vụ trước. Anh cùng mọi người có suy nghĩ là phải làm chủ, nắm bắt được kỹ thuật để nâng cao năng suất chất lượng cá vào vụ thu hoạch nên đã tham gia các lớp học, lớp tập huấn do các cấp hội: Hội CCB, Hội nông dân…tổ chức; mời cán bộ Chi cục thủy sản tỉnh về hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao KHKT trong việc chọn giống, nuôi thả và cách phòng trừ bệnh cho cá và không ngừng học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, của các bậc lão nông, các chủ trang trại nuôi thả có hiệu quả từ nhiều năm nay.
Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, tranh thủ mọi sự quan tâm của các cấp, ngành, Hội…để xây dựng khu nuôi trồng theo hướng phát triển bền vững, ổn định. Vì thế sản lượng cá thu hoạch ngày càng tăng, trung bình đạt từ 10-12 tấn/ vụ, cung cấp cho nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh như: Ninh Bình, Hà Nam, Hà Nội…với tổng thu toàn bộ diện tích thả cá đạt khoảng trên 420 triệu đồng/vụ/năm. Không những thế, qua mô hình kinh tế này đã tạo được việc làm cho hơn chục lao động có thu nhập ổn định cải thiện đời sống gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Bài và ảnh: Đức Lam