Đến thăm Doanh nghiệp sản xuất thảm cói Thành Sơn, chúng tôi rất khâm phục ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo của CCB Đoàn Ngọc Sơn (xã Yên Nhân). Sau khi phục viên, về quê hương, ông bắt tay vào sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Cũng như bao người nông dân khác ở quê, bắt đầu bằng sản xuất nông nghiệp, qua một vài năm làm việc tích cực ngoài đồng ruộng nhưng cuộc sống gia đình ông Sơn không khá lên được. Ông nghĩ: Cần đổi mới tư duy trong cách nghĩ và cách làm thì mới mong thoát nghèo và có điều kiện đầu tư cho con cái học hành nên người.
Qua tìm hiểu các mô hình và cách làm khác nhau, ông thấy sản xuất các mặt hàng từ cói rất phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, đó là giải quyết được nguồn lao động dư thừa và nhàn rỗi trong nhân dân. Năm 1991, ông quyết định đưa nghề cói về quê với quy mô nhỏ. Khi đó cơ sở của ông chỉ là khâu trung gian, mua nguyên liệu về cho bà con làm và thu gom, xuất bán cho các doanh nghiệp khác. Với cách làm đơn giản nhưng hiệu quả, cơ sở của ông đã dần gây dựng được uy tín, thu hút người lao động ngày càng đông, không chỉ ở trong xã mà còn ở các xã lân cận.
Năm 2002 ông mở rộng quy mô, thành lập Doanh nghiệp sản xuất thảm cói Thành Sơn. Từ thu mua sản phẩm, Doanh nghiệp đã nâng cấp lên làm trọn gói (từ mua nguyên liệu, làm sản phẩm thô, làm bóng... đến đóng gói, dán nhãn mác, xuất bán). Sản phẩm của Doanh nghiệp làm ra có chất lượng không thua kém các doanh nghiệp lớn và được xuất bán sang các thị trường: Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản, Nga, Brazil... thông qua các đơn vị hoạt động xuất khẩu ủy thác.
Với sự nỗ lực không ngừng, CCB Đoàn Ngọc Sơn đã tạo việc làm cho 1.200 đến 1.600 lao động những lúc nông nhàn, với mức thu nhập từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của doanh nghiệp đạt gần 2 tỷ đồng và nộp ngân sách hàng chục triệu đồng. Ngoài sản xuất, Doanh nghiệp còn là cơ sở dạy nghề cho bà con nông dân, sau khi học xong, Doanh nghiệp tạo việc làm và đảm nhận việc tiêu thụ sản phẩm cho người lao động.
Ở xã Khánh Thượng, CCB Vũ Hồng Thái là một người rất năng động, nhạy bén trong cách nghĩ, cách làm. Sau khi rời quân ngũ về địa phương, ông đã xây dựng cơ sở sản xuất gạch đất nung, làm ăn có lãi. Năm 2004, hưởng ứng chương trình hành động toàn dân tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, ông đã tự nguyện chuyển đổi cơ sở sản xuất gạch thành trang trại nuôi cá, vịt đẻ, ngan lai, bò sinh sản; mỗi năm gieo trồng từ 10 - 15 mẫu cây vụ đông các loại.
Năm 2007 ông đã đầu tư trên 10 triệu đồng mua máy gieo hạt phục vụ nhân dân gieo trồng hàng trăm mẫu đỗ tương, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về phát triển vụ đông trên địa bàn. Với mô hình phát triển kinh tế trang trại kết hợp làm cây vụ đông, mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 50 đến 70 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhiều CCB ở huyện Yên Mô đã năng động, sáng tạo, mạnh dạn đi vào các lĩnh vực mới hơn, đòi hỏi trình độ và kỹ thuật cao, như CCB Bùi Giáp Canh, hội viên CCB xã Mai Sơn. Sau khi xuất ngũ về địa phương, với 10 năm bươn chải đủ các nghề, năm 2001 ông đã vay ngân hàng 50 triệu đồng, mở gara sửa chữa ô tô, giải quyết việc làm cho 10 lao động là con em CCB, có thu nhập bình quân hàng tháng từ 2,5 đến 3 triệu đồng/người. Cơ sở sửa chữa ô tô của ông mang lại thu nhập cho gia đình từ 100 đến 120 triệu đồng/năm.
Với nhiều cách làm giàu khác nhau, hiện nay, Hội CCB huyện Yên Mô đã có 558 hộ giàu, với thu nhập bình quân từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng/năm, tăng 332 hộ so với năm 2004.
Hương Giang