Vừa hay tin tàu cá Kim Chính 2, số hiệu NB 9008 sắp cập bến để xuất cá, mặc dù giữa trưa nắng tháng 5 nhưng chúng tôi vẫn lặn lội sang cảng Ninh Cơ, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định để tận mắt chứng kiến "thành quả" đánh bắt của ngư dân Ninh Bình trên những con tàu 67 đầu tiên.
Có mặt tại cảng cá, tàu lớn, tàu bé đậu san sát nhau, trên boong tàu, anh Đình vẫy chúng tôi, chưa bước lên tàu nhưng đã nghe tiếng cười nói râm ran. Anh Đình giải thích: Tàu vừa cập cảng nên anh em trong nghề sang thuyền trò chuyện, hỏi thăm nhau.
Trong niềm vui sau chuyến đi biển thắng lợi, ngồi trong khoang tàu được trang bị nhiều tiện nghi sinh hoạt, thiết bị hỗ trợ đánh bắt cá, anh Đình hứng khởi: Năm 2016, thông qua Nghị định 67 của Chính phủ, gia đình anh được vay vốn đầu tư tàu vỏ thép để hành nghề lưới rê.
Từ khi hạ thủy đến nay gần 4 tháng nhưng tàu đã ra khơi được 5 chuyến. Nhìn chung, các chuyến đi biển đều thành công vì tàu được trang bị các thiết bị mới, hiện đại nên đánh bắt hiệu quả hơn. Thông thường mỗi chuyến đi khoảng 9-15 ngày, chuyến nào thắng thì được 4-5 tấn, ít cũng 2-3 tấn.
Như vậy, sau mỗi chuyến biển, trừ chi phí và trả lương cho người lao động, bình quân cũng còn "dư" trên dưới năm, bảy chục triệu đồng. Số tiền này mình tiếp tục đầu tư những hạng mục còn thiếu cho tàu, sau đấy thì tích lũy để trả gốc, trả lãi cho ngân hàng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Lộc, một thợ máy trên thuyền cho biết thêm: Tôi đi biển nhiều năm nay rồi, nhưng đợt này mới chuyển sang đi tàu sắt. Do toàn bộ máy móc trên tàu đều là máy mới, hiện đại nên bước đầu cũng có đôi chút bỡ ngỡ.
Nhưng nhìn chung đi tàu sắt nhàn và an toàn hơn nhiều so với đi tàu gỗ. Tàu to, máy lớn, lại được trang bị nhiều dụng cụ hỗ trợ đánh bắt nên ngư dân không vất vả như trước. Ngoài ra còn có đầy đủ phao cứu sinh, hệ thống chống cháy nên rất an toàn. Hầm chứa cá cũng lớn hơn và khả năng cách nhiệt cũng tốt hơn nên cá tươi hơn, được giá hơn.
Có mặt trên tàu của anh Đình hôm đó, tôi còn được gặp anh Nguyễn Văn Dụng, cũng là một trong những ngư dân của huyện Kim Sơn nằm trong diện được vay vốn theo Nghị định 67 đóng tàu mới. Anh Dụng hạ thủy tàu vào đầu năm 2017 và cũng đã có những chuyến biển thắng lớn.
Đợt này tàu của anh đang cập cảng để tiếp thêm nhiên liệu, sửa sang lại ngư lưới cụ, chuẩn bị lương thực thực phẩm để chuẩn bị cho chuyến ra khơi tiếp theo.
Không giấu nổi niềm vui, anh Dụng cho chúng tôi xem tờ hóa đơn anh vừa xuất cá cho lái buôn: Hơn 4 tấn cá ù, giá 20-40 nghìn đồng/kg tùy loại; gần 1 tấn cá dậm, giá 150-200 nghìn đồng/kg. Vị chi chuyến biển vừa rồi anh thu về gần 270 triệu đồng.
Anh Dụng cho biết: Những tính năng ưu việt của con tàu vỏ sắt đã được chúng tôi khai thác triệt để, do vậy đã cho sản lượng khai thác cao hơn nhiều so với tàu gỗ.
Câu chuyện của chúng tôi với các ngư dân tạm ngưng bởi tiếng máy xay đá. Thương lái đã đến thu mua cá, những thuyền viên trên tàu lại tất bật bắt tay vào công việc. Họ xếp thành một hàng dài trên boong tàu chuyền tay nhau những con cá tươi rói để đưa lên bờ, phân loại và đóng vào các thùng xốp. Hàng tấn cá lần lượt được bốc từ trong khoang tàu bán cho vựa cá. Nét mặt ông chủ tàu thật tươi khi nhận số tiền nhiều trăm triệu đồng sau mỗi chuyến biển.
Hà Phương