Tên tuổi của bà Trường nổi tiếng đến độ các "trưởng lão" của Tổng cục TDTT mới đây khi về Ninh Bình dự "Giải Việt dã toàn quốc và Marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 58-năm 2017" còn không quên nhắc đến tên bà. Chính điều ấy đã thôi thúc tôi cất công lặn lội lên tận huyện miền núi Nho Quan để tìm kiếm tư liệu, giúp bạn đọc ngày nay có thêm thông tin về một "huyền thoại sống"- người một thời đã từng làm nên niềm tự hào của thể thao Ninh Bình trong quá khứ.
Vận động viên Đinh Thị Trường sinh năm 1946, tại Thôn Vân Trình, xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan. Với sức khỏe trời phú, cộng với niềm đam mê thể thao, nên ngay từ khi còn là một học sinh cấp II bà đã tham gia thi đấu nhiều giải thể thao phong trào của huyện và của tỉnh. Và thông thường bao giờ bà cũng thường giành giải nhất, nhì.
Có lẽ cũng vì vậy mà vào năm 1963, khi mới 17 tuổi bà đã có mặt trong đội tuyển thể thao của tỉnh tham gia thi đấu giải thể thao toàn miền Bắc.
Trong dòng hồi ức của mình, vận động viên Đinh Thị Trường nhớ lại vào năm 1963, lúc đó bà đang còn ở Thượng Hòa thì nhận được giấy của Ban Thể thao tỉnh Ninh Bình (chức năng giống như Sở Văn hóa Thể thao ngày nay) gọi tập trung xuống Ninh Bình để chuẩn bị cho việc tham gia thi đấu giải thể thao toàn miền Bắc.
Thông thường tại mỗi giải thể thao, các vận động viên được tập luyện chuẩn bị trước 1 tháng. Đến ngày thi đấu, bà cùng huấn luyện viên Lê Mạnh Trinh (một cán bộ Đoàn, được biệt phái sang huấn luyện thể thao) "cuốc bộ" từ xã Khánh Tiên ra đến thôn Ngô Khê, xã Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam thi đấu.
Hai thày trò chân đất, đi bộ suốt một đêm cho đến tảng sáng thì tới nơi. Điểm đáng nhớ nhất là bấy giờ đang trong thời chiến, giải thể thao của miền Bắc phải dời từ Thủ Đô về Hà Nam tránh bom Mỹ. Cũng vì thời chiến nên làng xã nào cũng thực hiện triệt để phương châm "ba không" nhằm tránh biệt kích thám báo xâm nhập.
Cũng vì vậy mà hai thày trò ông Trinh, bà Trường suốt dọc đường đi không thể hỏi thăm được ai về địa điểm thi đấu. Khi trời đã sáng bảnh, bực vì bị đối xử "ba không" suốt dọc đường đi, ông Trinh đã nhéo tai dọa dẫm một cậu bé, hoảng sợ cậu bé đã khai ra tên địa phương mà hai người đang đứng. Té ra cả hai đã đến nơi chuẩn bị thi đấu mà không hề biết. Và trong lần thi đấu ấy dù phải đi bộ xuyên đêm mỏi mệt, nhưng khi thi bơi tại sông Cụt vận động viên Đinh Thị Trường vẫn giành được giải cao.
Điều bà Đinh Thị Trường nhớ nhất là quãng sông Cụt, tuy nước xiết nhưng rất lắm cá. Vận động viên đang bơi nhiều khi giật thót mình vì chân đạp cả phải những chú cá rất to.
Câu chuyện trên chỉ là một trong rất nhiều mẩu chuyện thú vị mà vận động viên Đinh Thị Trường kể về quãng đời vận động viên của mình. Bà Đinh Thị Trường vẫn nhớ rất rõ từng chuyến đi, từng giải đấu.
Như năm1964, bà cùng đoàn vận động viên Ninh Bình lên Việt Trì (Phú Thọ) thi đấu. Đường đua là vùng trung du gò đồi lúp xúp với cơ man nào là hoa lạc tiên nở miên man khắp vùng. Tại giải này bà giành vị trí thứ 5 toàn miền Bắc.
Hay năm 1966, lên Bất Bạt (Hà Tây cũ) thi giải việt dã. Quãng đường đua chạy quanh một sân vận động trong một trường học dưới chân núi Ba Vì. Các nữ vận động viên toàn chân đất, quần phíp xắn ngược chạy phăm phăm.
Thi đấu xong mọi người đi ra bờ sông Đà lên thuyền máy xuôi ngã ba Trung Hà trở về. Kết quả, nữ vận động viên quê Thượng Hòa giành giải ba cự ly 800m. Hay như năm 1962, giải Việt dã toàn miền Bắc tổ chức tại xã Khánh An (Yên Khánh) nữ vận động viên Đinh Thị Trường giành giải nhì...
Kết thúc mỗi giải đấu vận động viên ai về tỉnh nấy, vận động viên Trường lại về Thượng Hòa lao động ăn công điểm với gia đình ở hợp tác xã. Bà Đinh Thị Trường cũng cho biết thêm, thời bấy giờ các vận động viên không được ăn ở tập trung thường xuyên như bây giờ, nên bình thường bà vẫn ở nhà lao động, có giải thi đấu thì huyện, tỉnh lại đánh giấy về gọi.
Ngay chuyện giải thưởng, lúc bấy giờ, những năm 60, khi sức còn đương xuân, nữ tuyển thủ Đinh Thị Trường giành vô số giải thưởng từ chạy, nhảy, bơi, hay năm môn phối hợp...nhưng ban tổ chức không trao huy chương cho người được giải mà chỉ có một giấy chứng nhận, người đoạt giải nộp về cho địa phương.
Ngoài ra có những giải thể thao người giành giải nhất, nhì, ba thay vì được ban tổ chức trao tiền thưởng như bây giờ thì vận động viên được thưởng một chiếc...chậu nhựa, chiếc ca nhựa hoặc tráng men, sang hơn nữa thì được miếng vải áo. Vào thời bao cấp mọi nhu yếu phẩm ai muốn mua phải đến của hàng Mậu dịch quốc doanh hoặc Bách Hóa tổng hợp nên việc được thưởng chiếc chậu nhựa cũng là quá sang trọng với vận động viên.
Cùng sát cánh với bà Đinh Thị Trường tại nhiều giải thể thao toàn miền Bắc còn có các chị: Nguyễn Thị Mơ, Nguyễn Thị Hải (Kim Sơn), anh Trần Hồng Cẩm, Nguyễn Hùng (Kim Sơn);Bùi Văn Bốn, Bùi Thị Mai, Bùi Thị Tình (Quảng Lạc, Nho Quan)...
Tuy nhiên theo bà Trường lúc bấy giờ tất cả các vận động đi thi thể thao ít ai quan tâm đến giải thưởng, cái mọi người vui nhất là được đi đây đi đó, được có thêm những người bạn. Những chuyến đi xa, những người bạn từ các giải đấu đó chính là những kỷ niệm khó quên trong suốt cuộc đời thể thao nhiều kỳ tích của vận động viên Đinh Thị Trường.
Mai Phương