Ngược thời gian trở về những năm 80 của thế kỷ trước tại ân Hòa (Kim Sơn) có một gia đình họ Phạm làm nghề thợ may. ái nữ của họ là cô Phạm Ngọc Tươi, tính tình khoan hậu, đã giỏi nghề lại hoạt bát. Năm ấy cô Tươi mới tuổi ngoài đôi tám mà trai làng đã nhiều người ngấp nghé đánh tiếng gần xa. Nhà họ Phạm tuy chỉ là gia đình thợ may nhưng rất biết nhìn xa trông rộng. Trong số nhiều trai làng đến cầu duyên, hai cụ thân sinh cô Tươi chỉ ưng ý có một người thanh niên tên Hòa (tức chồng cô Tươi hiện nay), nhà ở phố Phát Diệm. Gia đình anh Hòa thuộc dạng nề nếp, cụ thân sinh ra anh Hòa làm nghề thợ mộc, khéo tay có tiếng, trong nhà lúc nào cũng có mươi lăm người thợ vừa làm thuê vừa học việc. Mười bảy tuổi cô Tươi về làm dâu nhà anh Hòa, vốn tính tháo vát cô đã cùng người mẹ chồng quán xuyến công việc trong xưởng thợ nhà chồng một cách rất trôi chảy. Lại nói chuyện cụ thân sinh anh Hòa ngoài việc là một bác cả mộc lành nghề ông cụ lại là người có tâm hồn nghệ sỹ. Ông chủ xưởng mộc thường sưu tầm cổ vật về bày biện ngắm nghía và rất nhiều bạn trong giới thường tới chơi chiêm ngưỡng luận bàn. Song hiềm một nỗi anh Hòa giống tính cha ở chỗ giỏi nghề mộc song khác cụ thân sinh ở chất hào hoa, tức người ấy tịnh không mê đồ cổ. Thời gian lặng lẽ trôi, cụ cả mộc khuất núi, anh Hòa thay cha làm chủ gia đình và sở hữu luôn nhiều món đồ cổ có giá trị. Tuy nhiên vì không yêu thích và mải làm ăn anh cũng ít khi để ý đến các món cổ vật mà anh ngẫu nhiên thừa kế.
Những năm 1990 kinh tế thị trường bắt đầu thổi tới vùng phố lỵ nhỏ bé Phát Diệm. Vốn sẵn máu doanh thương, người vợ anh Hòa bắt đầu tìm cách làm ăn buôn bán. Vì thiếu vốn, cô Tươi bèn dò ý chồng và đã bán đi vài món đồ cổ trong nhà. Điều tác động mạnh đến cô Tươi là ở chỗ nhiều món đồ cổ rất được giá dù hàng ngày người nhà không mảy may nâng niu nó. Một ý nghĩ bất chợt lóe lên trong cô thợ may sáng dạ kia: Tại sao mình không nghĩ cách mua đi, bán lại các món đồ cổ để kiếm lời ? Vậy là bắt đầu từ đó cô Phạm Ngọc Tươi chính thức tham gia thị trường cổ vật.
Hiện tại chị Tươi không còn là tay chơi cổ vật "làng nhàng" với vài ba món đồ lặt vặt nữa mà đã "có số" trong làng cổ vật Ninh Bình. Căn nhà ba tầng to rộng là thế mà giờ trở nên chật chội trong việc bày biện vô vàn những món đồ cổ được mua từ khắp nơi mang về. Cổ vật của chị Tươi đủ loại: từ đồ gốm, sứ đến đồ gỗ, đồ đồng. Nhỏ có chén, bát, đĩa, bình hoa cổ, to có lộc bình, tủ, giường, bình phong, câu đối, cuốn thư...Có đủ các chủng loại từ ta, Tàu, Tây. Khách đến chơi, đến xem, mua tha hồ lựa chọn: bộ chân đèn nến kiểu Pháp; chiếc giường khảm trai và đá phong thủy kiểu như long sàng của vua, Đồng hồ tủ của Pháp, đôi lộc bình đời Thanh... "Nể" nhất là cách bà chủ Tươi giới thiệu các món đò cổ mà mình sở hữu mà không cần ghi chép giấy bút, chỉ bằng trí nhớ, kinh nghiệm cá nhân. Chủ nhà đọc vanh vách tên các món cổ vật hiện có, kèm theo cả xuất xứ, niên đại, cách thức chơi, lối chơi của từng vùng miền... Và nếu cần tư vấn, hoặc truy nguyên nguồn gốc của một món đồ, cô Tươi cũng có thể bấm điện thoại cho các bạn buôn và "đọc vị" ngay được hàng của khách. Chị Tươi kể: "Cũng có nhiều khách chơi hách tính, lại coi thường tôi là phụ nữ nhưng khi mua bán các món đồ bị tôi "đọc" giá, "bắt" chính xác niên đại các món cổ vật đành phải chịu tôi". Chị còn cho biết thêm: "Trong nghề buôn này, có tiền đã là một chuyện mà nếu thiếu kiến thức về tuổi đồ dễ bị bịp như chơi". Thực tế nhiều tay buôn cổ vật cũng đã bỏ rất nhiều tiền nhưng ôm về những món đồ giả cổ, đồ bị lỗi, dẫn đến không thể bán được. Tồn tại được trong nghề này đã là một cái khó, là phụ nữ trụ được như chị Tươi lại càng hiếm.
Đến nay cô thợ may người ân Hòa ngày nào đã không chỉ còn là người "chơi", "buôn" đồ cổ thuần túy nữa mà gia đình anh chị Hòa Tươi đã vươn tay sang rất nhiều lĩnh vực kinh doanh. Có lưng vốn nhờ buôn cổ vật, cô Tươi cùng chồng đầu tư vào phát triển nghề mộc theo một hướng mới. Hiện họ đang có đội ngũ thợ đông đảo lên đến trên dưới 100 người với nghề chính là chuyên thi công, trùng tu các loại nhà sàn, nhà cổ, đình chùa, di tích. Điều đặc biệt là ở chỗ đội ngũ thợ của họ phần lớn được truyền nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc", nhiều người rất thạo nghề và khéo tay. Khi mà người viết đang hầu chuyện bà chủ Tươi tại nhà riêng ở thị trấn Phát Diệm thì cũng là lúc mà chồng chị đang tất bật với việc chỉ đạo thi công một lúc ba bốn công trình tại Thanh Hóa. Hiện đội thợ của họ đang gấp rút thi công hạng mục nhà gỗ tại khu di tích Lam Kinh (Thọ Xuân-Thanh Hóa). Và ngay tại khuôn viên gia đình họ tại Phát Diệm vẫn có sẵn vài ba ngôi nhà cổ mới mua về, dựng sẵn đang chờ khách. Trị giá của nó ươm ướm rẻ thì năm bảy trăm, đắt thì tính bằng tiền tỷ mỗi căn.
Trong nghề chơi, chơi được đồ cổ đã là chuyện khó, buôn được cổ vật thì càng khó hơn. Trong giới buôn cổ vật Ninh Bình người làm được như chị Tươi đã hiếm mà những người là nữ lại càng hiếm hơn. Lạ thay! Nhân gian vốn lắm người tài...
Bài, ảnh: Mai Phương