Đã ở vào cái tuổi "xưa nay hiếm", bước chân đã chậm, mắt đã mờ, nhưng ông Đinh Văn Biển (81 tuổi) ở thôn Phú Bình, xã Khánh Phú vẫn thấy thú vị khi được chụp ảnh, lấy dấu vân tay… bởi đây là lần đầu tiên được các cán bộ công an xuống tận nhà làm chứng minh thư nhân dân. Vì bệnh tật, ông thường xuyên phải đi khám và mua thuốc rất tốn kém nhưng không thể sử dụng bảo hiểm y tế bởi không có chứng minh thư. Nhiều lần dự định lên huyện để hoàn tất thủ tục này nhưng việc đi lại đâu có dễ vì phải cần 2 người đưa đón, rồi còn phải chờ đợi…
Ông Biển cho biết: Khi được cán bộ địa phương cung cấp số điện thoại và lịch làm việc của đội quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện), gia đình tôi đã chủ động gọi điện để "nhờ" các anh ấy xuống làm chứng minh. Tôi thực sự xúc động trước sự quan tâm, nhiệt tình của các anh. Cũng giống như ông Biển, hàng chục trường hợp là những người già cả neo đơn, khuyết tật… ở các địa phương lân cận cũng đang được đón cán bộ công an về tận nhà làm chứng minh thư nhân dân.
Trung tá Hoàng Hải Lâm, Phó Trưởng Công an huyện Yên Khánh cho biết: Những mảng công tác được Công an huyện chú trọng và đang từng bước cải tiến để đáp ứng nhu cầu của người dân đó là lĩnh vực cấp chứng minh nhân dân và đăng ký quản lý xe máy theo hướng việc gì thuận lợi cho dân thì cán bộ công an cố gắng làm. Nếu như trước đây, việc cấp mới, cấp lại chứng minh thư phải mất thời gian khá dài, đến hàng tháng, thậm chí người dân còn phải đi lên tỉnh để hoàn tất các thủ tục, thì đến nay thời gian đã giảm được một nửa và việc đi lại cũng thuận lợi hơn rất nhiều vì chỉ phải đến trụ sở Công an huyện.
Thứ bảy, mặc dù là ngày nghỉ, nhưng phòng tiếp dân của đội quản lý hành chính về trật tự xã hội vẫn mở cửa. Người dân đến khá đông và được bố trí ngồi chờ ở vị trí đảm bảo lịch sự, thoáng mát, có hộp thư góp ý để nhân dân giám sát việc làm của cán bộ, chiến sỹ, từ đó chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời. Mỗi tuần, đơn vị dành 4 ngày (thứ 2, 4, 6 và thứ 7) để làm các thủ tục cấp chứng minh nhân dân tại trụ sở, trung bình mỗi ngày giải quyết từ 50-70 hồ sơ. Nhiều buổi đã hết giờ tiếp dân nhưng thấy bà con lặn lội đường xá xa xôi đến, cán bộ lại cố gắng làm thêm giờ để người dân đỡ mất công chờ đợi.
Quá trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải tiến quy trình làm việc theo hướng "Một cửa" cũng được quan tâm với việc niêm yết công khai, minh bạch thủ tục, thời gian, thẩm quyền giải quyết, lệ phí… tại trụ sở và thông báo trên đài truyền thanh để mọi người cùng tìm hiểu. Tư tưởng thụ động "chờ dân đến" đã được thay bằng tinh thần làm việc nhiệt tình, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nhân dân. Hàng năm, đội đều xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, thông báo tới tận các thôn, xóm, trường học và bố trí cán bộ xuống tận nơi làm việc.
Vào thời điểm từ tháng 11 đến những ngày giáp Tết, các cán bộ lại đến các trường THCS trên địa bàn để làm chứng minh nhân dân cho các em học sinh vào ngày chủ nhật, để không ảnh hưởng đến lịch học tập của nhà trường. Khối lượng công việc khá lớn bởi có tới 19 trường với tổng số gần 3.000 học sinh. Ngoài ra với những trường hợp là người già cả neo đơn, người khuyết tật, dân cư ở địa bàn xa trung tâm… khi có nhu cầu đều được cán bộ công an đến tận nhà giúp đỡ.
Từ đầu năm đến nay, Công an huyện đã cấp phát 7.200 chứng minh nhân dân, đạt 90% chỉ tiêu cả năm. Để giải tỏa những "áp lực" đó, mỗi cán bộ đều cố gắng làm thêm ngày, thêm giờ, chủ động nghiên cứu, tìm tòi, nâng cao trình độ, cách thức giao tiếp, ứng xử, chỉnh đốn tác phong, thái độ phục vụ nhân dân. Hình ảnh về người cán bộ, chiến sỹ quản lý hành chính nhân văn, thân thiện, tận tụy đã được ghi dấu trong lòng nhân dân từ những việc làm rất cụ thể và thiết thực.
Bài, ảnh: Duy Hiền