Thay đổi tư duy Đồng chí Trần Ngọc Diệp, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Khánh cho biết: Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong sản xuất nông nghiệp của huyện nhiều năm qua là tập trung phát huy thế mạnh, tiềm năng đất đai. Trong giai đoạn đầu tái lập huyện, Yên Khánh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng tăng sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực.
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện đã hình thành khu công nghiệp, nhiều nhà máy, xí nghiệp ra đời, thu hút một lực lượng lớn lao động nông thôn, song với điều kiện đặc thù, sản xuất nông nghiệp vẫn được Yên Khánh xem là mặt trận hàng đầu, chủ lực của nền kinh tế ở địa phương. Bởi vậy, trong nhiều năm qua, Yên Khánh kiên trì mục tiêu này và đã có những định hướng đúng đắn để nông nghiệp phát triển bền vững.
Các bước đi mang tính nền tảng mà huyện đã triển khai đó là phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao. Theo đó, huyện tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ giữa trồng trọt và chăn nuôi. Mục tiêu lớn mà Yên Khánh hướng đến là phát triển cơ cấu sản xuất và tổ chức sản xuất một cách hiệu quả để người dân nhận thấy "tấc đất" thực sự là "tấc vàng".
Để khai thác tiềm năng đất đai, trước hết là phải làm thay đổi tư duy. Theo đó, huyện tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, tăng cường chuyển giao tiến bộ KHKT cho nông dân để nông dân thích ứng, tiếp cận nhanh với những mô hình mới như: sản xuất giống lúa chất lượng cao; xây dựng cánh đồng mẫu lớn; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; hiện đại hóa khâu thu hoạch và bao tiêu sản phẩm...
Cùng với đó là các giải pháp và chính sách đi kèm, tạo động lực, sức sống mới cho việc thực hiện đề án sản xuất ở địa phương. Ví như, để xây dựng cánh đồng lớn, Yên Khánh tập trung dồn điền, đổi thửa, gắn với chỉnh trang đồng ruộng. Đồng thời huy động mọi nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi. Chỉ tính riêng trong 4 năm (2011-2014), toàn huyện đã nâng cấp được 150 km đường giao thông nông thôn; nạo vét trên 37 km kênh mương, trục tiêu chính; kiên cố hóa trên 11 km kênh tưới. Hệ thống thủy lợi nội đồng được tu bổ, nâng cấp, căn bản đáp ứng yêu cầu sản xuất và phòng, chống lụt bão. Phong trào đưa cơ giới hóa vào sản xuất được đẩy mạnh giúp rút ngắn thời gian thu hoạch, làm tăng năng suất lao động cũng như hiệu quả thu hoạch nông sản.
Từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa
Nhờ định hướng đúng đắn và kịp thời, Yên Khánh đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển nông nghiệp, đưa huyện trở thành đơn vị đứng đầu trong tỉnh về sản xuất lúa chất lượng cao và xây dựng cánh đồng lớn. Điểm nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là việc hình thành mô hình cánh đồng liên kết, khép kín từ hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống, vật tư đến tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu đã và đang mang lại hiệu quả cao, được sự hưởng ứng rất tích cực của người nông dân. Đến nay, Yên Khánh đã nâng hệ số sử dụng đất từ 1 vụ lên 3 vụ/năm với tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của huyện đạt trên 21 nghìn ha, trong đó diện tích lúa đạt 15 nghìn ha (diện tích lúa chất lượng cao chiếm gần 70%, tăng 65% so với năm 2005). Năm 2013, mô hình cánh đồng lớn đã đạt 1.000 ha.
Trong 3 năm gần đây, diện tích gieo sạ được mở rộng, bình quân từ 30-35% diện tích lúa của huyện; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 97 nghìn tấn, tăng 1,8 lần so với khi bắt đầu tái lập huyện; giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 113 triệu đồng/ha (tăng 43 triệu đồng so với năm 2009). Riêng việc cơ giới hóa đã tạo nên diện mạo mới cho nông nghiệp, đến nay toàn huyện có 117 máy gặt đập liên hợp, 130 máy thu hoạch nông sản cùng nhiều máy sấy, diện tích thu hoạch bằng máy đạt trên 42%, nhờ đó thu nhập người dân được nâng lên từ 15-20% so với phương pháp thu hoạch truyền thống.
Từng bước thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đến nay nhiều mặt hàng nông sản của huyện đã được nhiều doanh nghiệp biết đến và tham gia bao tiêu như: khoai tây, cà chua nhót, bí xanh, ớt, cây trạch tả... Ngoài ra, Yên Khánh còn được biết đến với nghề sản xuất và chế biến nấm. Hiện nay, toàn huyện có 1 doanh nghiệp, 15 tổ hợp tác sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hàng năm, sản lượng nấm toàn huyện đạt từ 2.000-2.500 tấn, đưa Yên Khánh trở thành vùng trọng điểm về sản xuất nấm của tỉnh.
Với việc bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, cây trồng vụ đông ở Yên Khánh đang đem lại lợi ích nhiều mặt. Năm 2013, diện tích gieo trồng vụ đông của huyện đã tăng gấp 3 lần so với năm 1994 (đạt 3.725 ha); giá trị trên 1 ha canh tác vụ đông đạt trên 47 triệu đồng, tăng 5 lần so với 20 năm trước. Từ hiệu quả kinh tế mà vụ đông mang lại, người dân đã tin tưởng và hăng say sản xuất, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính của địa phương. Yên Khánh cũng là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về diện tích, năng suất cây trồng vụ đông.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều gia trại, trang trại với quy mô tập trung và phát triển con nuôi đặc sản có giá trị kinh tế cao để sản xuất hàng hóa. Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ trong các hộ, đến nay huyện đã phát triển được trên 100 trang trại chăn nuôi tập trung. Nhiều mô hình đem lại hiệu quả cao như: trang trại chăn nuôi lợn nái, lợn siêu nạc, cá lóc bông, cá trắm đen, ba ba...
Những kết quả trên đã cho thấy nông nghiệp Yên Khánh ngày càng đi vào chiều sâu, đây chính là cơ sở và nền tảng quan trọng để sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển nhanh và bền vững.
Phạm Thị Huế
(Trường CĐ kinh tế kỹ thuật thương mại)