Có được kết quả đó là do một số chủ trương, chính sách của tỉnh được ban hành đúng đắn, kịp thời, góp phần khuyến khích, phát triển sản xuất vụ đông. Ngày 14-4-2006, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh phát triển sản xuất vụ đông đến năm 2010, với mục tiêu từng bước đưa sản xuất vụ đông thành vụ sản xuất chính và trở thành tập quán của người nông dân, góp phần phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững. Trong đó đề ra một số chủ trương về hỗ trợ giống, kinh phí tiêu úng, thủy lợi phí, xây dựng mô hình mới, tập huấn kỹ thuật, quy hoạch vùng sản xuất…
Sau khi có Nghị quyết của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 12/KH-UBND ngày 1-6-2006 đề ra 6 nhóm giải pháp về xây dựng quy hoạch vùng chi tiết, hỗ trợ thúc đẩy phát triển cây vụ đông, các giải pháp kỹ thuật, giải pháp tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, kiện toàn hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở và giải pháp tuyên truyền, đẩy mạnh sản xuất vụ đông; đồng thời phân công rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Các cấp, các ngành đã thành lập Ban chỉ đạo, xây dựng Nghị quyết, kế hoạch nghiêm túc triển khai thực hiện.
4 năm qua, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh sản xuất vụ đông đã thực sự đi vào cuộc sống, được các cấp, các ngành và nhân dân đón nhận và nghiêm túc triển khai. Các hộ nông dân đã nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của sản xuất vụ đông là vụ tăng thu nhập, giải quyết việc làm. Các huyện, thành phố, thị xã đã tập trung cấy sớm vụ đông xuân, đẩy nhanh vụ mùa để đảm bảo thời vụ cho cây trồng vụ đông. Bên cạnh sự hỗ trợ của tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là ngô, đậu tương, các loại rau đậu chất lượng cao, an toàn...
Năm 2006, toàn tỉnh gieo trồng được 14.322 ha, trong đó trên đất 2 lúa là 9.882 ha, tập trung gieo trồng các cây có giá trị kinh tế cao, cây phục vụ cho chế biến xuất khẩu (đậu tương, ngô ngọt, dưa chuột, ớt). Kết quả vụ đông đạt trên 200 tỷ đồng. Năm 2007, tổng diện tích cây trồng vụ đông là 22.590 ha, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 và số 5, diện tích cây vụ đông thực còn là 16.220,5 ha. Năm 2008, toàn tỉnh trồng 12.137 ha cây vụ đông.
Năm nay, sản xuất vụ đông có một số yếu tố thuận lợi như: giá vật tư đầu vào tương đối ổn định, các giống ngô, đậu tương, khoai tây, rau đậu khá phong phú về chủng loại và dồi dào về nguồn cung. Các huyện, thành phố, thị xã đã chủ động bố trí thời vụ, cơ cấu cây trồng vụ mùa để giải phóng, đảm bảo diện tích đất gieo trồng các cây đông kịp thời vụ, quan tâm đến công tác thủy lợi nội đồng, cung ứng giống, tổ chức tập huấn kỹ thuật, chỉ đạo kịp thời việc tiêu úng và giữ ẩm đầu vụ cho các cây trồng vụ đông. Đến thời điểm này, toàn tỉnh trồng được 19.185 ha cây vụ đông trong tổng diện tích kế hoạch là 22.500 ha. Chính sách của tỉnh đã cấp ứng cho các huyện, thành phố, thị xã là 22.367 triệu đồng, trong đó kinh phí hỗ trợ giống là 18.716 triệu đồng, hỗ trợ công trình thủy lợi nội đồng là 3.014 triệu đồng, hỗ trợ phân bón NEB-26 là 637 triệu đồng.
Bên cạnh chính sách của tỉnh, một số huyện, thành phố, thị xã còn có thêm những chính sách khác như huyện Yên Khánh hỗ trợ 2 triệu đồng/ha tăng thêm để phục vụ thủy lợi nội đồng. Các chính sách này đến với nông dân, tạo ra khí thế mới trong lao động sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn. Từ kết quả sản xuất vụ đông trong những năm qua đã khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất vụ đông, đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính là một hướng đi đúng và có hiệu quả.
Tuy vậy để sản xuất vụ đông thực sự phát triển bền vững và trở thành tập quán canh tác của người dân thì vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới. Thực tế cho thấy, thời vụ cho cây trồng sớm vốn đã khắt khe, đối với vụ đông lại càng khắt khe hơn, mặt khác, giá cả vật tư, phân bón biến động theo chiều hướng tăng; hệ thống công trình thủy lợi ở một số nơi còn thiếu và chưa đảm bảo yêu cầu cho sản xuất vụ đông; một bộ phận nông dân chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật sản xuất… Điều đó đòi hỏi tiếp tục có sự quan tâm, phối kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, kịp thời biểu dương những gương sáng, điển hình tiên tiến, mạnh dạn đưa cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Phương Thảo