Nỗi ám ảnh mang tên xe "điên" Người dân trên địa bàn thành phố Ninh Bình vẫn nhắc đến vụ tai nạn giao thông cách đây 3 tháng tại phường Ninh Sơn khi người em trai lùi xe thay vì đạp phanh lại đạp ga làm người anh trai thiệt mạng. Đau đớn vì người thân ra đi nhưng nỗi ám ảnh chính mình đã lái xe đâm chết anh khiến ông T. không một ngày nào ngủ ngon giấc. Ông bảo: Anh tôi từng vào sinh ra tử nơi chiến trường nhưng có ai ngờ trong một phút sơ sẩy tôi đã cướp đi sinh mạng của anh trai mình. Tôi ước gì đó chỉ là cơn ác mộng, ước gì mình không biết lái xe. Và bây giờ cứ nhìn thấy ô tô là ông T. lại ớn lạnh và thấy lòng đau nhói.
Những năm gần đây, lượng xe ô tô thiết kế hộp số tự động tung ra thị trường khá phổ biến, nhất là các dòng xe có thương hiệu. Trong khi đó, quy trình đào tạo lái xe ở các trung tâm vẫn hướng dẫn học viên sử dụng hộp số sàn. Điều này thể hiện rõ sự bất cập trong đào tạo, sát hạch lái xe chưa phù hợp với thực tế khiến nhiều người sau khi kết thúc khóa học không rành chạy xe số tự động. Chị Trần Thị Thủy ở phường Phúc Thành (Thành phố Ninh Bình) cho biết, tháng 12-2013 chị đăng ký học lái xe ô tô tại một trung tâm dạy lái xe. Trong suốt khóa học, chị Thủy cũng như những học viên khác không được dạy về cách lái xe số tự động. Phiền phức ở chỗ, gia đình chị có xe số tự động nên sau khi tốt nghiệp chị phải tốn thêm tiền nhờ người hướng dẫn sử dụng xe đời mới với chi phí 200 nghìn đồng/giờ. Nhưng đến khi cầm lái, chị cũng vài lần va chạm, có lần căn xe thay vì nhấn phanh lại nhấn ga, xe lao vút đi, đâm đổ cả một mảng tường nhà hàng xóm. Đến giờ chị cũng không dám đi ô tô nữa mà chuyển hẳn sang "trung thành" với xe máy.
Theo đánh giá của nhiều người, việc đào tạo lái xe ô tô trên địa bàn hiện nay chưa hợp lý trong khi số lượng người có nhu cầu sử dụng ô tô ngày càng tăng. Chính cách đào tạo kiểu "cổ điển" đã buộc người học muốn điều khiển được xe số tự động phải tự xoay xở. Tuy nhiên, không ít người cho rằng điều khiển xe ô tô số tự động dễ hơn xe số sàn nên nhiều trường hợp chủ quan sử dụng xe đời mới dù không quen những thao tác cần thiết. Nhận định về các loại xe ô tô, ông Phạm Văn Nam, ở phường Nam Thành (Thành phố Ninh Bình) có hơn 15 năm làm nghề lái xe thừa nhận xe số tự động dễ lái hơn xe số sàn. Song ông Nam cảnh báo, nếu người lái không am hiểu về kỹ năng sử dụng loại xe này sẽ rất nguy hiểm. "Khi đi xe ô tô số sàn, nếu người điều khiển có đạp nhầm chân phanh sang chân ga thì xe cũng không thể vọt lên vì lúc đó chân trái đang nhấn côn. Nhưng với xe tự động, nếu vô tình đạp chân ga thay vì phải phanh thì khi ấy xe sẽ đột ngột tăng tốc, dễ dẫn đến hậu quả khó lường" - ông Nam chia sẻ.
Để tránh tình trạng đào tạo một đằng, thực hành một nẻo
Liên quan đến thực trạng đào tạo lái xe hiện tại chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế, ông Nguyễn Hữu Bách, Phó trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện người lái (Sở Giao thông - vận tải) cho rằng các dòng xe ô tô số tự động được người tiêu dùng sử dụng khá phổ biến trên thị trường. Để đáp ứng nhu cầu đối với loại xe này của người học, Bộ Giao thông - vận tải đã ban hành Thông tư 46/2012/TT-BGTVT có bổ sung thêm quy định đối với các trung tâm đào tạo lái xe ô tô phải bố trí xe số tự động phục vụ nhu cầu của các học viên; hạng bằng B1, B2 phải có 10 giờ học lái xe số tự động. Thế nhưng, do nội dung này chỉ được coi là tự nguyện và không phải thi sát hạch nên nhiều trung tâm không đưa vào chương trình hướng dẫn học viên.
Hiện Bộ Giao thông - Vận tải đang dự thảo sửa đổi Thông tư 46/2012/TT-BGTVT về đào tạo, cấp giấy phép lái xe. Theo đó, chương trình dạy lái xe số tự động sẽ song song với chương trình dạy lái xe số sàn như hiện nay. Khi đó người học lái xe ô tô sẽ có 2 lựa chọn để thi lấy giấy phép lái cả 2 loại xe số tự động + số sàn. Riêng giấy phép lái xe số tự động được cấp theo nhu cầu học của một bộ phận người dân muốn điều khiển xe số tự động, không có giá trị thay thế các loại giấy phép lái xe hiện nay.
Để đáp ứng nhu cầu này, một số cơ sở đào tạo lái xe ô tô hiện đang có chủ trương đầu tư thêm xe số tự động để phục vụ người học. Nhưng theo lãnh đạo một Trung tâm dạy nghề và đào tạo sát hạch lái xe trên địa bàn thành phố Ninh Bình thì việc đầu tư thêm xe đời mới sẽ gây tốn kém cho các trung tâm đào tạo, chưa chắc đã khả thi.
Ông Bách cho biết thêm: Nếu tách giấy phép lái xe số tự động và số sàn, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch cũng phải đầu tư ô tô tập lái, sát hạch lái xe trong hình và trên đường để phục vụ việc đào tạo, sát hạch lái xe với mức kinh phí dự kiến đầu tư khoảng vài tỷ đồng (mỗi cơ sở đào tạo đầu tư tối thiểu 10 xe, trung tâm sát hạch đầu tư tối thiểu 4 xe để đáp ứng nhu cầu học và sát hạch). Trong khi đó, thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trung tâm sát hạch lái xe, năm 2013 các trung tâm sát hạch đã đầu tư nâng cấp, bổ sung trang thiết bị sát hạch lý thuyết trong hình, trên đường… Và trong năm 2015 theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các trung tâm sát hạch đang chuẩn bị nguồn kinh phí lớn để đầu tư ô tô sát hạch và lắp thiết bị chấm điểm tự động lái xe ô tô trên đường, thiết bị sát hạch lái xe trong hình hạng A1, A2. Nếu tiếp tục đầu tư ô tô sử dụng hộp số tự động trong khi lượng người dự sát hạch không cao sẽ gây khó khăn cho các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch. Chưa hết, việc cho phép sử dụng ô tô hộp số tự động để học và sát hạch lái xe sẽ đơn giản và dễ hơn ô tô sử dụng hộp số sàn, nếu không kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sử dụng, nhiều người sẽ lựa chọn loại xe này.
Tuy nhiên thiết nghĩ việc nâng cấp trung tâm sát hạch để việc đào tạo lái xe đạt hiệu quả hơn, phù hợp với xu thế hiện đại là một đòi hỏi cấp thiết cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức để tránh tình trạng "đào tạo một đằng, thực hành một nẻo", cũng là góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.
Bài, ảnh: Đức Quỳnh