Về Như Hòa, ấn tượng nhất với chúng tôi là kinh tế khởi sắc, đời sống về vật chất và tinh thần của nhân dân nơi đây được nâng lên. Đi trên con đường bê tông phẳng lỳ của xóm 4, hai bên là những ngôi nhà cao tầng khang trang, ông Vũ Quốc Sương, Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định: Nhờ phát triển nghề mộc, phục chế và làm mới các công trình cổ mà người dân ở xóm 4, xóm 5, xóm 6 giàu lên nhanh chóng. Nghề mộc ở đây đã có từ lâu, nhưng thực sự phát triển hay nói cách khác là hưng thịnh khoảng chục năm trở lại đây.
Qua tìm hiểu, được biết ở xã Như Hòa có trên 20 xưởng mộc và 500 lao động địa phương có tay nghề cao chuyên phục chế các công trình cổ trong và ngoài tỉnh. Nhiều công trình lớn đã được bàn tay tài hoa của những người thợ thực hiện như công trình chùa Bái Đính, các công trình đình chùa khu vực phía Bắc.
Nhờ phát triển nghề mộc, người lao động có thu nhập cao đạt từ 200-300 nghìn đồng/ngày công, có những thợ kỹ thuật, tay nghề cao đạt được mức từ 500 đến 1 triệu đồng/ngày công.
Bác Vũ Văn Vang, xóm 4 cho biết: Gia đình tôi làm nghề mộc đã 5 đời nay và đây là nghề gia truyền vì không thể học qua sách, trường lớp mà phải học trực tiếp, cầm tay chỉ việc, đòi hỏi người thợ có đôi bàn tay khéo léo cùng kinh nghiệm để tạo ra những đường nét hoa văn tinh tế.
Những công trình mộc ở đây chủ yếu là dựng đình, chùa và từ đường ở trong và ngoài tỉnh, do vậy ngoài đôi bàn tay khéo léo của người thợ, nhiều gia đình còn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ sản xuất.
Riêng xưởng mộc của gia đình bác Vang thu hút vài chục công nhân, có thời điểm lên đến 90 lao động, chủ yếu làm trực tiếp tại các công trình với mức thu nhập trung bình từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Cùng với nghề mộc, hiện nay ở Như Hòa còn có nhiều ngành, nghề khác đang phát triển và tạo thu nhập cho người dân như: Nghề thợ xây ở làng Như Độ có trên 200 lao động đi làm ăn xa với mức thu nhập đạt trên dưới 200 nghìn đồng/ngày; nghề đan cói truyền thống tạo việc làm thường xuyên cho gần 300 lao động với mức thu nhập bình quân đạt từ 1,5- 2 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Vũ Quốc Sương, Phó Chủ tịch UBND xã Như Hòa: Những năm qua, để ngành nghề phát triển, xã đã có cơ chế, chính sách tạo điều kiện về mọi mặt khuyến khích phát triển làng nghề như: Quy hoạch và tạo điều kiện để nhân dân có đất mở xưởng sản xuất; mở các lớp dạy nghề mới, cải tiến mẫu mã, áp dụng công nghệ sản xuất mới...
Do vậy, sản phẩm làm ra đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Ngành nghề của địa phương đã giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho trên 70% lao động trong độ tuổi.
Trong sản xuất nông nghiệp, Như Hòa đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích đất canh tác.
Trong đó, tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Như Hòa đã thực hiện tốt công tác quy hoạch nông nghiệp (quy hoạch vùng sản xuất lúa bảo đảm giữ vững an ninh lương thực, quy hoạch vùng chăn nuôi - thủy sản, vùng các loại cây hàng hóa...) gắn với quy hoạch nông thôn mới.
Địa phương đã triển khai có hiệu quả việc dồn điền, đổi thửa trong nông nghiệp, tiến tới tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững. Sau dồn điền, đổi thửa, xã đã quy hoạch những diện tích cấy lúa kém hiệu quả chuyển đổi sang các mô hình cấy lúa - thả cá, kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Hiện nay, Như Hòa đã và đang xây dựng vùng sản xuất chuyên canh có diện tích 50 ha với 1 mô hình nuôi lợn siêu nạc quy mô 1.000 con, 6 mô hình xen canh tôm-cá, một số mô hình trồng thuốc nam...
Các mô hình bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 3-4 lần trồng lúa. Hiện nay thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã nâng lên 29,2 triệu đồng/người/năm, tăng 11,2 triệu đồng so với năm 2011.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục tạo điều kiện, khuyến khích các ngành nghề phát triển theo hướng bền vững và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa có giá trị cao. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất ở mọi lĩnh vực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội của xã.
Bài, ảnh: Hồng Giang