Anh Phạm Văn Bốn, trưởng nhóm "Con đường mới" chia sẻ: Nhóm được thành lập và hoạt động dưới sự trợ giúp của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) - là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho những nhóm yếu thế trong xã hội. Để được Trung tâm SCDI chấp nhận hợp tác, hỗ trợ, các thành viên trong nhóm phải là những người tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm với cuộc sống cộng đồng, tích cực vận động, tuyên truyền đến những người có quá khứ lầm lỗi, những người đang mắc bệnh để chia sẻ, động viên và giúp đỡ họ cùng tiến bộ.
Nhiệm vụ của các tình nguyện viên trong nhóm là tiếp cận các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, những đối tượng có nguy cơ cao như người nghiện, tiêm chích ma túy, gái mại dâm, gia đình có người nhiễm HIV/AIDS… để tuyên truyền, vận động họ tham gia vào các hoạt động xét nghiệm sàng lọc, sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm an toàn…, góp phần tránh lây nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng. Với hơn 10 người, mỗi tiếp cận viên quản lý địa bàn từ một xã đến liên xã, có nhiệm vụ tiếp cận những người đã mắc bệnh hoặc nguy cơ dễ lây nhiễm bệnh để tư vấn, trao đổi, vận động các đối tượng sử dụng bơm kim tiêm sạch, dùng bao cao su, giới thiệu và đưa đối tượng đến các cơ sở y tế để xét nghiệm, uống methadone thay thế các chất dạng nghiện thuốc phiện, từ đó có sức khỏe ổn định cuộc sống, giảm lây lan bệnh ra cộng đồng. Trong năm 2017, nhóm "Con đường mới" đã vận động đưa được trên 400 đối tượng đi xét nghiệm HIV, chuyển đổi điều trị thay thế bằng methadone, điều trị ARV và giới thiệu, vận động hàng trăm phụ nữ mang thai đi xét nghiệm sàng lọc HIV.
Cũng theo anh Phạm Văn Bốn, cùng với thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động cho các đối tượng trong cộng đồng, các tiếp cận viên trong nhóm "Con đường mới" cũng nhận được sự quan tâm, động viên, chia sẻ của các tổ chức liên quan như ngành y tế, các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn, nhờ đó chúng tôi có thêm động lực. "Đã có những người tự nguyện đến gặp mình để chia sẻ, nhờ tư vấn, giới thiệu chỗ xét nghiệm sàng lọc kết quả. Có những người cai nghiện nhiều lần không thành công, rơi vào bế tắc, được mình tư vấn sử dụng thuốc thay thế các chất dạng thuốc phiện methadone đã cắt cơn, vượt qua mặc cảm, tự tin, sức khỏe ngày càng ổn định, có cuộc sống hạnh phúc… Đó là sự động viên, là niềm vui để bản thân mình cố gắng và trách nhiệm hơn với công việc này" - Anh Bốn chia sẻ thêm.
Theo bà Ninh Thị Liên, cán bộ chuyên trách chương trình phòng chống HIV/AIDS huyện Kim Sơn thì Kim Sơn là huyện có số ca nhiễm HIV/AIDS nhiều nhất tỉnh. Nguyên nhân là do nhiều năm trước, huyện có khá đông lao động trẻ đi làm ăn xa ở nhiều nơi trong cả nước, trong đó có nhiều người đi buôn bán đường dài, đào đãi vàng, khai thác khoáng sản, làm nương rẫy… tại các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, miền núi nên đã vướng vào các tai tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS. Hiện trên địa bàn huyện có trên 1 nghìn trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống; trong đó, nam giới trên 850 người, chiếm gần 80% và nữ là trên 200 người, chiếm trên 20%. Trong đó, tổng số người nghiện chích ma túy được quản lý là 457, ở ngoài xã hội là 384, còn lại là các trường hợp đang ở trại, cơ sở chữa bệnh bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục.
Dự báo trong thời gian tới, Kim Sơn vẫn có thể tăng số bệnh nhân HIV do số người nhiễm mới, do những người còn đang muốn dấu danh tính và số khác là bệnh nhân đi làm ăn xa giai đoạn cuối về nhà chữa bệnh.
Trước thực trạng trên, cùng với việc các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong huyện cùng vào cuộc đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyên truyền, vận động sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhằm giảm tỷ lệ người nhiễm trên địa bàn; việc đẩy mạnh hoạt động của các CLB, các nhóm đồng đẳng viên HIV/AIDS có vai trò quan trọng nhằm nâng cao ý thức cho người bệnh và cộng đồng về căn bệnh này. Bởi lẽ hiện nay, tuy căn bệnh HIV/AIDS đã cởi mở và được cộng đồng bớt kỳ thị hơn trước, nhưng số người dấu bệnh hiện vẫn còn nhiều, trong đó có những người vẫn e ngại không dám, không muốn đi xét nghiệm hoặc tiếp cận với cán bộ y tế phụ trách công tác phòng, chống HIV. Từ đó vai trò của những đồng đẳng viên, tiếp cận viên có ý nghĩa quan trọng, là những người giúp họ có thể chia sẻ, lắng nghe và không ngại ngần bày tỏ mong muốn của mình.
Cũng theo bà Ninh Thị Liên, nhóm "Con đường mới" là nhóm đầu tiên và duy nhất của huyện Kim Sơn trong số 4 nhóm được hình thành năm 2015 trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian hơn 2 năm hoạt động cho thấy, các tiếp cận viên đã phát huy được tinh thần trách nhiệm của mình trong việc gần gũi, nắm bắt, tuyên truyền cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS, nhóm người có nguy cơ cao trên địa bàn có ý thức, trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình, không dấu bệnh, tích cực chữa bệnh, chọn các phương pháp lao động và sinh hoạt an toàn, tránh lây lan cho người thân và cộng đồng.
Mong muốn của những người tham gia trong nhóm "Con đường mới" là được hỗ trợ nguồn kinh phí cao hơn để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, tư vấn cho đối tượng. Cùng với đó có thêm những buổi tập huấn về phương pháp vận động, tuyên truyền để các tiếp cận viên có thêm kiến thức trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời mong muốn các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội có cái nhìn cởi mở, chia sẻ hơn đối với người bệnh và người nhà của họ, tạo điều kiện giúp họ có việc làm, thu nhập, yên tâm và tự tin vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho xã hội.
Hạnh Chi