Vụ rau năm nay, HTX Hương Đào trồng 66 ha rau đậu các loại, trong đó có 26 ha trồng trên đất 2 lúa. Trong điều kiện thời tiết thuận, các loại râu "trồng đâu được đấy"; rồi rau các tỉnh khác đổ về, rau Hương Đào không còn đi xa như trước nên tình trạng cung vượt quá cầu gấp nhiều lần, nên rau ế ẩm, rớt giá liên tục. Cải bắp phải bán 1.500 - 2.000đ/kg mới có lãi thì chỉ còn bán được 300-400đ/kg trong khi đó giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng gấp 2-3 lần so với các mùa vụ trước, người trồng rau chỉ còn biết "kêu trời" vì mất cả vốn lẫn công lao động.
Trong nghề trồng rau, điều kiện cần nhất là phải có nước tưới. Song hệ thống tưới nước chưa được đầu tư hợp lý. Cả HTX chỉ có một tuyến kênh cấp II chìm sâu so với mặt ruộng, mỗi sào rau phải cần 20-30 gánh nước một ngày. Chuyện gánh 100 gánh nước mỗi chiều, đi xa hàng trăm mét với một xã viên trồng rau ở Đông Thịnh là chuyện thường nhật. Muốn có nước, các lòng con kênh phải đào sâu, phải dậy từ 2-3 giờ, gạn từng thùng nước để tưới rau, trong cái rét cắt da, cắt thịt là một sự vất vả đến cạn kiệt sức người trồng rau ở Đông Thịnh. Với người phụ nữ thì sự lam lũ, vất vả còn nhiều hơn vì lao động quần quật ở trên đồng ruộng; mỗi sáng còn phải dậy sớm từ 3-4 giờ để thồ rau đi chợ xa 20-30 cây số bằng xe đạp.
Từ vụ đông năm 2005, HTX Hương Đào đưa mô hình rau an toàn vào đồng ruộng. Ban đầu có 3,8 ha, nay mở rộng lên 6,2 ha; trong đó có 0,5 ha được che lưới nilon. Nước tưới cũng được chứa trong 2 ao rộng trên 1.200 m2. Nhưng khi huy động đóng góp vốn để lắp đặt ống tưới tự động cho rau thì không thành. Người làm rau vẫn gánh nước, vừa lãng phí nước, vừa vất vả sức người. Cho nên đã trồng rau thì người lao động Đông Thịnh không còn làm được việc gì khác. Do vậy ngoài rau, nông dân Đông Thịnh không có thu nhập ở ngành nghề khác.
Năm 2007, bình quân thu nhập của HTX Hương Đào là trên 50 triệu đồng/ha đất canh tác. Trong khi đó HTX Thiện Trạo thấp hơn mức thu nhập 46 triệu đồng/ha của cả xã. Song đời sống của nhân dân Thiện Trạo lại khá hơn; vì khu vực này các hộ làm nông nghiệp hợp lý. Dành được nhiều lao động đi làm các nghề thợ nề, thợ mộc, buôn bán dịch vụ khác, tạo ra sự thu nhập phong phú, đa dạng và cao hơn so với hộ nông dân làm ruộng một bề.
Rau an toàn của HTX Hương Đào đã được một số siêu thị hợp đồng tiêu thụ thường xuyên là một tín hiệu vui. Trước mắt cần hoàn chỉnh hệ thống tưới tiêu nước, quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản rau an toàn cho đạt chỉ tiêu an toàn và giữ được chữ tín với người tiêu dùng. Để từ đó mở ra diện rộng. Mà Đông Thịnh nên sớm là vùng rau an toàn để cải thiện điều kiện lao động của xã viên trồng rau, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và là điểm cung cấp rau an toàn cho toàn thành phố Ninh Bình và các vùng trong tỉnh.
Việc trồng rau phải có hiệp hội, câu lạc bộ, mô hình gần nhất là tổ, đội sản xuất. Người đứng đầu phải xây dựng kế hoạch, phân công hộ trồng loại rau đậu, cây quả, cân đối các loại rau để tránh đại trà quá thừa một loại nào đó, dẫn đến rớt giá. Về mặt quản lý cũng cần kiểm tra, tránh đưa các loại rau đậu không đủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm vào thị trường tỉnh. Đầu tư mở cơ sở chế biến rau, sản xuất rau an toàn. Tuyên truyền rộng rãi để người tiêu dùng có thói quen mua rau quả ở siêu thị, các quầy rau an toàn để được hưởng thành quả tốt.
HTX Hương Đào nói chung, xã viên thôn Đông Thịnh nói riêng cần sớm đầu tư cải thiện phương thức trồng rau, mở mang ngành nghề khác để hỗ trợ nhau cùng tồn tại và phát triển, nâng cao mức sống, khắc phục những bất cập hiện nay.
Hải Âu