Câu chuyện về mùa xuân độc lập đầu tiên của tôi với cụ Nguyễn Văn Quân trở nên rộn ràng và ấm áp hơn khi Tết cổ truyền của dân tộc - Xuân ất Mùi 2015 đã về. Cụ Quân nhớ lại: Mùa xuân năm Bính Tuất 1946, lần đầu tiên dân tộc ta được đón xuân trong tự do, độc lập. Thật khó tả cảm xúc, niềm vui, hạnh phúc ngập tràn của người dân khi ấy. Đó là hạnh phúc vô bờ bến của những thân phận nô lệ đã được đổi đời. Mặc dù Tết Độc lập đầu tiên đến trong hoàn cảnh thù trong giặc ngoài vô cùng rối ren, phức tạp, nhưng lòng người thì phấn khởi, không khí tự do, bừng bừng khí thế cách mạng, sẵn sàng theo Đảng, theo Bác Hồ, nguyện chiến đấu để bảo vệ nền độc lập mới giành được. Khắp làng trên, xóm dưới hăm hở khí thế chào xuân, người người gửi trao nhau nụ cười và lời chúc phúc, không còn những gương mặt tăm tối, lầm than vì áp bức, bóc lột…
Nhớ lại quãng đời thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình, cụ Nguyễn Văn Quân bồi hồi, xúc động: Trước Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Gia Sinh cũng như nhân dân trong cả nước bị đế quốc, phong kiến áp bức bóc lột, ruộng đất chủ yếu trong tay địa chủ, nông dân không "một tấc đất cắm dùi", phải làm tá điền cho bọn cường hào ác bá hoặc cấy rẽ nộp tô, vất vả quanh năm mà vẫn không đủ ăn. Thật đúng là "một cổ hai tròng"! Vốn có truyền thống yêu nước và ý chí kiên cường, bất khuất chống xâm lược, nhân dân Gia Sinh không cam chịu nô lệ, nối tiếp đời này qua đời khác đã vùng lên đấu tranh quyết liệt chống áp bức, bóc lột. Một số nhà nho yêu nước đã tham gia các phong trào do các văn thân, sỹ phu như Phan Chu Chinh, Phan Bội Châu, Phạm Văn Nghị khởi xướng và lãnh đạo. Thời đó, tôi cũng như nhiều thanh niên có học thức, luôn mong muốn tìm con đường thoát cảnh sống nô lệ khổ cực, đói nghèo. Năm 1940, tôi được giác ngộ và tham gia cách mạng. Tôi đã cùng nhân dân trong làng, trong xã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh khất sưu, khất thuế, đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tự do, hòa bình… Ngày 24 tháng 7 năm 1945, cuộc đấu tranh chống thuế giành thắng lợi, xã bộ Việt minh Gia Sinh tuyên bố giải tán chính quyền tay sai của địch và tuyên bố thành lập ủy ban Dân tộc giải phóng xã. Cuộc đấu tranh tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nhưng với sức mạnh bạo lực cách mạng của quần chúng đã giành được thắng lợi. Đây là cuộc tập dượt cho quần chúng đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền trong huyện Gia Viễn, trong tỉnh và lật đổ hoàn toàn chính quyền tay sai, thực dân Pháp, phát xít Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 19-8-1945.
Cùng chúng tôi đi thăm chùa Cổ - một trong những khu căn cứ cách mạng của xã trước đây, giờ nằm trong khuôn viên khu du lịch núi chùa Bái Đính, cụ Nguyễn Văn Quân tự hào: Sau mùa xuân độc lập đầu tiên năm 1946, đất nước ta đã trải qua những thăng trầm, ly loạn, hy sinh và mất mát mới có một mùa xuân trọn vẹn 1975, Bắc - Nam sum họp một nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quê hương, đất nước đã đổi thay rất nhiều, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Người Gia Sinh kiên cường trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cần cù, sáng tạo trong công cuộc đổi mới. Bằng sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cho đến mỗi người dân, Gia Sinh đã và đang tạo ra nhiều bước chuyển tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Điều mà tôi và nhiều người dân trong xã phấn khởi, đó là vừa qua xã Gia Sinh đã được công nhận là xã nông thôn mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hệ thống chính trị được củng cố, mối quan hệ giữa Đảng với dân ngày càng gắn bó mật thiết. Đó là thành quả thật đáng tự hào.
95 tuổi đời, 66 năm tuổi Đảng, cán bộ tiền khởi nghĩa Nguyễn Văn Quân có một bề dầy thành tích với những cống hiến cho cách mạng. Cụ từng được cấp trên giao đảm nhiệm những trọng trách như: cán bộ thanh tra của Ty Thương nghiệp Ninh Bình; cán bộ Ty Xây dựng tỉnh Ninh Bình; Bí thư Chi bộ, Giám đốc xí nghiệp gạch ngói Vân Giang… ở cương vị công tác nào cụ cũng luôn thực hiện lời Bác dạy: là cán bộ, đảng viên phải xung phong, gương mẫu trong mọi lúc, mọi công việc, phải thực hiện phương châm "khổ trước, sướng sau", "đảng viên đi trước, làng nước đi sau", "nói cho dân hiểu, làm cho dân tin"… Ghi nhận những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, cụ Nguyễn Văn Quân đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huy chương Chiến thắng chống Pháp hạng Nhì; Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng; huy hiệu 65 năm tuổi Đảng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Chia tay cụ Nguyễn Văn Quân, những hạt mưa bụi đầu xuân lất phất bay, trong tôi vẫn văng vẳng lời nói của cụ, "Tôi đã có 95 mùa xuân, nhưng mùa xuân đầu tiên năm Bính Tuất 1946 trở thành ký ức khó phai, bởi cũng chính từ mùa xuân độc lập đầu tiên ấy đã mở ra nhiều mùa xuân khác tốt đẹp hơn cho mọi người, cho cả dân tộc. Và đến hôm nay, mỗi độ xuân về nhà nhà, người người đều có Tết. Mong sao đất nước mãi mãi thanh bình, nhà nhà yên vui, hạnh phúc".
Đinh Ngọc